ClockThứ Ba, 31/10/2017 15:49

Biến môn học thành sân chơi

TTH - Từ một bài tập của môn “Tổ chức sự kiện”, hai nhóm sinh viên khóa 38, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học Huế tổ chức cuộc thi “Shine Your Way” tìm kiếm người dẫn chương trình tài năng, tự tạo thành sân chơi cho riêng mình.

Tổ chức 3 vòng thi (sơ loại, bán kết, chung kết) trong vòng nửa tháng 10, “Shine Your Way” được cho là sự kiện dài hơi, thách thức sự nỗ lực của nhóm 20 sinh viên báo chí. Cô Nguyễn Ngọc Hạnh My, giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông, cho hay: “Để việc giảng dạy không nhàm chán và tăng hiệu quả thực tiễn, ở môn “Tổ chức sự kiện” tôi cho các em làm bài tập với nhiệm vụ hoàn thành một sự kiện. Các nhóm lập thành một công ty trong đó đầy đủ các chức danh, phải chạy chương trình trong thực tế, hiểu được quy trình tổ chức sự kiện, phân công tổ chức trong một chương trình, tìm kiếm nhà tài trợ”.

Bạn Nguyễn Công Triệu, sinh viên lớp Báo chí K38A, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Nhóm hơi mạo hiểm khi tổ chức một sự kiện dài 3 kỳ, nhưng có lẽ điều đó sẽ giúp chúng mình nỗ lực nhiều hơn, dễ dàng tìm ra đâu là điểm mạnh, đâu là hạn chế cần khắc phục. Đây là bài tập khá hữu ích khi tất cả những gì cần làm là chứng minh ở thực tế”. Với việc quảng bá chương trình nhằm tìm kiếm những cá nhân có tài năng trong lĩnh vực dẫn chương trình cho Liên chi Đoàn khoa, xa hơn là nhà trường, tìm cơ hội cho thí sinh cộng tác, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh, cuộc thi đã thu hút sự chú ý tham gia của sinh viên các trường đại học.

Một trong những khó khăn của việc tổ chức sự kiện là tìm nhà tài trợ để trang trải chi phí, biến kịch bản trên giấy thành một sự kiện đầy khả thi, nhóm sinh viên đã liên hệ tìm nhà tài trợ thông qua các kênh người quen giới thiệu và bản thân tự tìm hiểu. Trả lời lý do trở thành nhà tài trợ cho chương trình, chị Phan Minh Hiếu, chủ shop FETO Boutique cho hay: “Các bạn sinh viên đã đưa ra những điều kiện quảng bá hấp dẫn như làm clip giới thiệu, gửi thẻ giảm giá của shop tới tận tay các khách hàng tiềm năng. Hơn hết, nhãn hàng của chúng tôi hướng đến các bạn trẻ nên sân chơi này khá phù hợp”.

Trong đêm chung kết cuộc thi, điều khiến người xem hài lòng là sự chỉn chu của chương trình, từ hệ thống âm thanh, ánh sáng được chuẩn bị kỹ lưỡng đến kịch bản chu toàn. Ban giám khảo là các phóng viên, MC báo, đài trên địa bàn tỉnh. 6 thí sinh dẫn chương trình talk show có liên quan đến từ khóa đã bốc thăm trước đó: Du học, sống thử, mạng xã hội, làm việc trái ngành, tình nguyện, Sơn Tùng MTP – những chủ đề khá “hot” trong giới trẻ hiện nay. Ban tổ chức lên kế hoạch để thử thách khả năng xử lý tình huống của thí sinh như tắt micro, tắt đèn sân khấu, nhạc bất ngờ nổi lên, tạo điểm nhấn... khiến cuộc thi trở nên chuyên nghiệp hơn, qua đó ban giám khảo có thể đánh giá khách quan kỹ năng dẫn chương trình của thí sinh.

Bạn Lê Thị Ái Ly, sinh viên lớp Báo chí K40A, người giành giải nhất chung cuộc cho biết: “Mình thấy ý tưởng của chương trình khá hay, nắm bắt được tâm lý của nhiều sinh viên, nhất là nhiều sinh viên báo chí với mong muốn sau này trở thành MC truyền hình”.

Mặc dù vẫn còn một số sai sót như việc chuẩn bị khách mời chưa thật sự kỹ lưỡng, một vài chỗ ban tổ chức không kiểm soát được tình huống nhưng nhìn ở góc độ sự kiện do một nhóm tập sự, là sinh viên tổ chức thì rõ ràng chương trình đã vượt xa sự mong đợi. Võ Như Quỳnh, sinh viên lớp Báo chí K38A, Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Qua lần tổ chức sự kiện, mình và các bạn đã có thể thâm nhập thực tế, tiếp cận được những kiến thức mà môn học hướng tới. Đến nay, mình đã tự tin hơn để có thể bắt tay tổ chức một sự kiện, khi có kinh nghiệm lập kế hoạch cũng như dự báo các rủi ro. Kết thúc môn học, có lẽ mình và các bạn sẽ trả lời được câu hỏi tổ chức sự kiện là như thế nào, liệu mình có phù hợp với ngành nghề này hay không”.

Chủ động và cải tiến phương thức dạy và học, trao cho sinh viên quyền được tự chủ trong môn học sẽ là cơ sở để các ý tưởng đổi mới phát huy hiệu quả, để sinh viên được tiếp cận kiến thức từ góc độ thực tiễn, có chiều sâu và ý nghĩa hơn.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
Sân chơi của học sinh trường huyện

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) còn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kỹ năng và thể chất cho học sinh thông qua việc xây dựng các CLB (câu lạc bộ) trong nhà trường.

Sân chơi của học sinh trường huyện
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Sân chơi kết nối đồng hương

Bóng đá đã trở thành sân chơi và nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm của những người Thừa Thiên Huế xa quê tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sân chơi kết nối đồng hương

TIN MỚI

Return to top