ClockThứ Sáu, 09/06/2017 08:29

Bỏ thi, nhưng vẫn phải đua

TTH - Chia sẻ với báo chí, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, 2 năm gần đây, trong số gần 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 trường của ông, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.

Điều này khiến ông “hoảng quá” vì những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 5 năm như thế...

Nhưng câu chuyện về những điểm 10 tuyệt đối và những học bạ “sáng chói” của học sinh đã tốt nghiệp tiểu học, đăng ký xét tuyển vào lớp 6 không chỉ diễn ra ở một trường Lương Thế Vinh kể trên, mà hầu như là điều đang diễn ra tại các trường chất lượng cao tại nhiều tỉnh, thành phố. Điều này đã làm dấy lên một hoài nghi, rằng có thật là con cháu của chúng ta toàn diện đến thế không?

Thực ra, chủ trương bỏ thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức và chỉ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2015 đã giảm tải cho học sinh đã tốt nghiệp tiểu học. Rất nhiều bậc phụ huynh đã rất vui mừng khi có chủ trương này. Điều này chỉ dẫn đến một vài điểm nghẽn khi số lượng vào các trường được xem là trọng điểm, có chất lượng tại các tỉnh, thành phố quá đông. Vì hồ sơ điểm 10 quá nhiều, trong khi chỉ tiêu nhận vào cũng chỉ ở giới hạn ở con số nào đó, nên nhiều trường đã phải thêm điều kiện về chế độ khuyến khích cho những học sinh có giấy chứng nhận đạt giải cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các kỳ thi giải toán, tiếng Anh trên internet, các cuộc thi tài năng khác, kể cả văn nghệ, thể thao...

Mọi việc chắc cũng sẽ không thành vấn đề, nếu chất lượng học tập của các em học sinh lớp 6 phản ánh đúng năng lực khi vào trung học cơ sở. Trên thực tế, nhiều học sinh tại các trường này có học lực bình thường. Việc số lượng học sinh trung bình tăng, thậm chí trong hai năm học vừa qua bắt đầu xuất hiện học sinh có học lực yếu – điều mà trước đây không hề có là một ví dụ mà ông Nguyễn Hữu Bi – nguyên Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) đã trao đổi với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện trước đó.

Mối hoài nghi được dấy lên không phải ở các cháu, khi mà nhiều người cho rằng, đây thực ra là cuộc đua từ phía người lớn. PGS. Văn Như Cương đã thẳng thắn chia sẻ về việc có những phụ huynh nói với ông về việc mua giải, chạy giải này giải kia; về sự sĩ diện khi không ít người bằng mọi giá để con em họ phải vào được trường top. Tất nhiên, không phải ở đâu cũng xảy ra hiện trạng này, song khả năng là ở chỗ, nhiều cháu đã phải giành thời gian nhiều hơn cho việc học so với các bạn bè khác nên ngay từ nhỏ, đã phải chịu áp lực học tập và ít được vui chơi, thư giãn đúng độ tuổi.

Đến khi nào thì nhiều người lớn mới thôi chạy đua vì chính họ, trước khi là vì tương lai của trẻ?   

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nhất thiết cho con “đua” vào trường điểm

Một cô giáo dạy lớp 4 kể rằng, có quá nhiều phụ huynh cho con học luyện thi để tham gia kiểm tra đánh giá năng lực vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong khi sức học của các em ở mức trung bình. Hệ lụy của việc học nhiều khiến học sinh mệt mỏi, lên lớp cứ ngủ gật, không tiếp thu được bài học.

Không nhất thiết cho con “đua” vào trường điểm
Nâng chất cho tài nguyên lao động

Đó là cách mà ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh về lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề.

Nâng chất cho tài nguyên lao động
“Dẫn đường” cho nông dân

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu.

“Dẫn đường” cho nông dân
Return to top