ClockChủ Nhật, 28/03/2021 19:47

Bông hồng đỏ

TTH - Chiều. Ngọc lê những bước chân nặng trĩu. Đường phố xe cộ chen chúc, còi xe đinh tai nhức óc. Vậy mà đối với cô cả thế giới dường như đông cứng.

Điều chưa kịp nóiMình trở lại Cầu Tình đi em...Hoa cải vàng cứ chao trong gióVai áo sờn

Chiếc ôtô thắng gấp phát ra tiếng “xẹt” kéo dài. Người tài xế vội vã hạ kính xe “ném” về phía cô những câu quát nạt chửi thề “điên à, muốn chết thì đi chỗ khác chứ, đồ hâm…”, rồi liên thanh những tiếng còi xe inh ỏi. Người đi đường làu bàu, bực dọc và huyên náo. Lúc này, cô mới bừng tỉnh, đầu gật gật như một cái máy tỏ ý xin lỗi, áy náy, thì ra cô vừa bước phăng phăng qua đường mà không một chút bận tâm là tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.

Câu hằn học của người tài xế đã dẫn cô tới một bờ sông. Chỉ có nơi yên tĩnh này mới giúp cô được bình tĩnh, được sống trọn vẹn với những suy nghĩ đang chất chồng trong từng nơ-ron thần kinh mà không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mặt sông phẳng lặng, những cành cây nghiêng nghiêng khẳng khiu, đám lục bình dạt vào bờ, dập dềnh theo con nước, cũng chẳng thể biết được vài phút sau đám lục bình ấy sẽ theo thuỷ triều trôi dạt về đâu. Tương lai của cô cũng vô định giống như vậy. Cô đau, buồn, những nỗi buồn dập dềnh lửng lơ không thể rớt dù những giọt nước mắt đã rơi lã chả trên gương mặt bầu bĩnh xinh đẹp. Cô nghĩ “hay là cứ như vậy mà kết thúc, “bốc khói” khỏi cuộc đời này, không để lại một dấu vết, sẽ không còn cảm thấy đau, sợ hãi”, rồi cô lại tự trấn an chính mình “vậy thì thật tàn nhẫn với những người ở lại”, vốn là những người mà cô yêu quý nhất cuộc đời.

Gần 8 giờ tối, cô lững thững bước trên con đường quen trở về phòng trọ. Phương đang đứng trước gương, vừa cười ngoảnh đầu nhìn Ngọc rồi quay lại chỉnh tóc mái, nói “tớ có hẹn với người yêu, sẽ về hơi trễ, cậu ngủ trước đi nhé, đừng chờ”. Ngọc “ừ” một tiếng vô hồn, gượng cười rồi cúi đầu đi vào phòng, cửa đóng kín. Phương nhận ra sự khang khác ở cô bạn thân đã chơi với nhau như chị em từ hồi còn học đại học, ở chung cũng đã ngót nghét gần 8 năm, thế nhưng vì cuộc hẹn đã cận giờ, Phương chỉ kịp dặn “nếu cậu chưa ăn gì tớ có để dành cháo gà cho cậu ở trên bàn đấy nhé”, rồi bước ra khỏi phòng với một mùi thơm ngọt ngào.

Khi căn phòng đã trở nên câm lặng được một lúc để chắc chắn rằng Phương không vì quên thứ gì mà đột ngột quay về, lúc này Ngọc bắt đầu những tiếng nức nở đến vỡ oà không thể kìm nén. Bởi làm sao phải tỏ ra mạnh mẽ khi chỉ còn lại một mình. Cô lôi tờ giấy thông báo kết quả sinh thiết ra từ trong chiếc túi xách, dòng chữ in đậm màu đen “ung thư cổ tử cung giai đoạn IB” một lần nữa “cứa” vào trái tim của cô, đau đớn. Đây là lần sinh thiết thứ 2 được cô thực hiện tại một bệnh viện khác với mục đích kiểm chứng kết quả của lần trước và niềm hy vọng rằng bác sĩ có sự nhầm lẫn gì chăng, dù nó chỉ là một niềm tin mỏng manh và yếu ớt. “Chẳng còn gì nữa, không còn hy vọng, ba mẹ ơi, Phúc ơi…”- Ngọc gào lên trong sự nghẹn ngào trước “án tử” chẳng thể nào thoát nổi. Suốt một ngày không có cảm giác đói, không có gì vào bụng, cô khóc đến thiếp đi, mặc cho chuông điện thoại liên tục reo lên. Nhiều lần cô giật mình tỉnh dậy nhưng không mở điện thoại, vẫn mặc kệ cho đôi mi buông xuống.

3 giờ sáng, Phương đang ngủ ngon lành còn Ngọc đã thức giấc từ lúc nào. Cô lặng lẽ ra sofa, đọc hết từng cuộc gọi và tin nhắn ngọt ngào lẫn lo lắng của Phúc. Phúc hơn Ngọc 3 tuổi. Thời tấm bé, nhà của Phúc cách nhà của Ngọc một cái ao môn, trưa hè nào cả hai cũng leo lên cây ổi sẻ nhí nhố từ chuyện này sang chuyện khác. Ngọc lên lớp 8 thì Phúc cùng gia đình chuyển vào Nam khởi nghiệp với nghề chế tác trang sức, bặt vô âm tính.

Tốt nghiệp cấp 3, Ngọc làm một bộ hồ sơ duy nhất vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Quê ở miền Trung, cha mẹ muốn con đi học và làm việc ở gần nhà, nhưng Ngọc đã hết lần này đến lần khác thuyết phục để được tự làm chủ tương lai. Ngọc đã thắng. Đại học năm thứ 3, duyên phận lại xoay vần “chắp nối” cho Ngọc gặp lại Phúc khi anh và các bạn đang bán những món đồ trang sức tự chế tác “độc quyền” cho khách nước ngoài ở phố đêm. Cả hai đều sững sờ, vui mừng. Dần dà từ đồng hương, tình bạn, Phúc đã ngỏ lời yêu cô. Cô cũng vui mừng đón nhận Phúc với tất cả tình yêu và sự trân trọng.

Trên chiếc ghế, Ngọc nhớ lại cảnh tượng đầy ngôn tình mà cô là nhân vật chính: Vào đúng ngày sinh nhật của cô, Phúc chở cô đến công viên, ở một góc tối vắng, ánh đèn nháy bắt đầu lấp lánh. Phúc cầm bông hồng đỏ thắm, chiếc nhẫn lấp lánh do chính tay anh kỳ công tạo nên, được nhẹ nhàng rút ra từ túi áo. Phúc nói từng từ run run nhưng tròn trịa “em làm vợ anh nghe!”. Ngọc đang được bủa vây giữa niềm vui thì chiếc nhẫn đã gọn gàng đeo vào ngón áp út, vừa như in. Cô ôm lấy anh đầy hạnh phúc. Lễ thành hôn đã được 2 bên gia đình thống nhất tổ chức vào tháng 5 tới, vào một ngày đẹp trời. Ấy vậy, niềm hạnh phúc bỗng nhiên tắt ngúm một cách nghiệt ngã. Cô ôm mặt, nước mắt cứ thế nối nhau.

Ngọc đã đi đến một quyết định đầy lý trí, sẽ không có một đám cưới nào được thành hình thành dáng, bởi với giai đoạn bệnh hiện tại cô phải phẫu thuật triệt để, không thể nào có được thiên chức làm mẹ, không thể mang lại hạnh phúc cho người mà cô yêu thương, cô cũng không thể tước đi quyền được làm cha của Phúc. Dù Phúc không bận tâm đến chuyện con cái, thì quá trình điều trị lâu dài cũng sẽ trở thành một gánh nặng, cô không muốn trở thành một vật cản trên hành trình sống hạnh phúc của anh, cô chỉ muốn ôm hết đau đớn và nước mắt về mình.

Hơn 7 giờ sáng, Ngọc gửi email xin nghỉ việc ở cơ quan, đóng luôn hộp thư để không nhận được những phản hồi, lời khuyên từ đồng nghiệp. Chờ cho Phương đã đi làm, Ngọc bắt đầu dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, chỉ thu dọn những đồ tư trang cần thiết của bản thân, rời đi với một lời nhắn để lại trên bàn “tớ phải đi công tác vài tháng, cậu ở nhà luôn khoẻ mạnh và vui vẻ nhé. Chúc cho cậu và người yêu sớm có tin hỷ, thương cậu”.

Cô đáp chuyến bay về quê với ba mẹ ngay trong buổi sáng hôm ấy, với lý do đi công tác tiện đường nên ghé nhà một ngày. Cô rút toàn bộ khoản tiền tiết kiệm, chia ra làm 3 phần, 1 phần mua sắm những đồ đạc trong nhà và biếu cho ba mẹ một khoản dưỡng già, 1 phần trao cho người em trai học lớp 12 để chuẩn bị cho tương lai của nó, phần còn lại cô giữ cho những dự định tiếp theo của mình. Tất cả những sắp xếp đó được thực hiện chóng vánh, trôi chảy giống như tính cách rạch ròi, tự lập từ nhỏ của cô, không giống việc đã được lên kế hoạch chi tiết từ trước, ba mẹ của cô chỉ nghĩ cô đang sắp xếp lại mọi thứ để yên tâm bắt đầu cuộc sống mới với gia đình nhỏ của riêng mình.

Đáp chuyến bay xuống Đà Lạt, việc đầu tiên mà cô làm là gửi đi một tin nhắn chia tay, từ hôn, nội dung ngắn ngủi “em đã có người khác, em không còn yêu anh nên sẽ không có một lễ cưới nào”. Cô chặn số, tháo sim, thoát cả các mạng xã hội. Những ngày sau đó, cô một mình đến những nơi muốn đến, đi những nơi muốn đi, không ai biết cô là ai, từ đâu đến, cô chỉ muốn một mình sống trọn những ngày còn lại, từ chối điều trị.

7 ngày đã trôi qua, cô vẫn ở trong căn phòng kỷ niệm, nơi cô và Phúc mỗi lần đến Đà Lạt đều phải ghé đến ở đây, từng chút, từng chút hồi tưởng lại những nụ cười, ký ức ngọt ngào đã có. Cánh cửa để hờ cho những ánh nắng hiếm hoi soi vào, Phúc chợt đứng đó, người gầy rạc, đôi mắt đã có quầng, nhiều ngày nay anh đi khắp chốn để tìm cô không màng đến sự chỉn chu mà anh luôn có trước đây. Phúc đến cùng ánh nắng vàng khiến cô lầm tưởng là ảo mộng, cô cười rồi cặp mi cụp xuống.

Tỉnh lại ở bệnh viện, cô gầy còm, xanh xao sau nhiều ngày bỏ ăn bỏ uống, còn Phúc nở một nụ cười, giọng run run “may mà anh đoán không sai, chạy đến tìm em kịp lúc”. Phúc lại nghẹn ngào: “dù em có cố gắng xa anh thì duyên phận vẫn sẽ xoay vần, anh vẫn sẽ tìm được em, anh tin mình sẽ thật hạnh phúc, sống trọn vẹn từng ngày”, bàn tay gân guộc của cô run run nắm chặt tay anh trong những tiếng khóc nấc.

Phúc dành tâm huyết chế tác một quả cầu pha lê, đặt vào trong đó là một bông hoa hồng đỏ, loài hoa mà cô thích nhất. Chẳng biết bằng cách nào, bông hồng vẫn giữ được sắc màu khi thời gian cứ trôi qua. Phúc gọi đó là bông hoa “bất tử” giống như tình yêu của anh dành cho cô. Kể từ đó, mỗi lần phẫu thuật, hoá trị, xạ trị cô đều mang theo nó bên mình. Đương nhiên, Phúc cũng luôn song hành cùng cô trong mỗi “cuộc chiến”. Ngoài Phúc, xung quanh cô còn có cha mẹ, em trai, cô bạn thân tri kỷ và cả những người đồng nghiệp đầy thương mến luôn tiếp thêm cho cô những nghị lực. Trên gương mặt hao gầy vì bệnh tật, nụ cười đã nở. Nụ cười mang hương vị hoa hồng…

THƯƠNG THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top