ClockThứ Sáu, 01/10/2021 06:55
Kỷ niệm 145 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876-1/10/2021)

Buổi diện kiến đầu tiên giữa Hồ Chủ tịch và cụ Huỳnh Thúc Kháng

Khóa học đầu tiên của nền Báo chí Cách mạng Việt NamVài tư liệu ít biết về báo Tiếng DânMột người “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: tư liệu

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban Nhân dân lâm thời Trung Bộ Nguyễn Văn Ngọc đến mời Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một tiến sĩ Nho học, một nhà báo nổi tiếng, một người không đảng phái ra Hà Nội gặp Cụ Hồ.

Lúc bấy giờ, Tố Hữu đương làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, ông viết: “Một tháng sau lại được điện của Trung ương bảo đến gặp Cụ Huỳnh Thúc Kháng và mời Cụ ra làm việc với Cụ Hồ. Cụ Huỳnh vốn tính khẳng khái, tuy đã biết uy tín lớn của ông Nguyễn Ái Quốc, còn tỏ ý dè dặt. Chúng tôi phải thưa với Cụ rằng, Cụ Hồ rất quý trọng Cụ, xin mời Cụ  ra làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghĩ một lát, Cụ nói: “Thôi được, tôi đi ngay nhưng vài ngày thôi rồi lại trở về”. Vì vậy khi lên ô tô, chỉ mang theo một gói áo quần nhẹ tênh. Sau mới biết ra đến Hà Nội, gặp Cụ Hồ, hai Cụ hàn huyên thế nào đó, Cụ tỏ ý tâm đắc và chịu ở lại luôn, nhận một nhiệm vụ rất quan trọng được Hồ Chủ tịch giao cho là Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.

Ngày rời Huế, ngoài số cán bộ của Xứ ủy và Trung ương, cùng đi để giúp việc cho Cụ Huỳnh có ông Nguyễn Xương Thái, một người có chân trong Ban biên tập Báo Tiếng Dân ngay từ ngày thành lập, và cũng là thư ký thân cận của Cụ Huỳnh.

Đầu năm 1946, nhân chuyến về Huế của ông Nguyễn Xương Thái, nhà báo Thúc Tề đã có cuộc trao đổi với ông Thái về tình hình Thủ đô Hà Nội, về Cụ Hồ, về sức khỏe Cụ Huỳnh..., mà Thúc Tề gọi là lời của “Một người thân cận của Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuật lại”.

Ngày 20/7/1946, bài báo “Buổi diện kiến đầu tiên giữa Cụ Hồ Chủ tịch và Cụ Huỳnh Thúc Kháng của nhà báo Thúc Tề được đăng trên Báo Quyết Thắng của Việt Minh Nguyễn Tri Phương và cũng là của Việt Minh Trung Bộ.

Nguyên văn bài báo như sau: “Bình tĩnh và giản dị là hai đức tính rất đẹp của Cụ Hồ Chủ tịch, cũng như sáng suốt và khôn khéo là hai mặt khác của tài năng Cụ khiến một ký giả ngoại quốc gọi Cụ là một nhà chính khách đáng sợ (politieien redòutsble). Nhưng bạn đừng tưởng vì nhiễm thói quen của người chính khách mà Cụ bình tĩnh đến dửng dưng. Trái lại, Cụ là người rất hay cảm động. Cảm động vì đức hy sinh quá cao của các chiến sĩ; vì những bức thư của các em bé; vì những quà tặng của những đồng bào ở chốn trời xa. Nhưng có mối cảm động sâu xa nhất của Cụ là lúc đầu tiên diện kiến Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Về chỗ này, tôi xin nhường lời cho ông Nguyễn Xương Thái, người thư ký tay chân cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa ở Thủ đô về Thuận Hóa. Không bỏ lỡ một dịp tốt, tôi đã đến thăm ông và đột ngột hỏi:

- Ông già vẫn mạnh chứ, anh?

- Nhất định như thế rồi mặc dầu mấy hôm đi đường có vội vàng vất vả và từ bữa nhận trọng trách, công việc có bề bộn.

- Anh kể cho tôi nghe cuộc hội kiến đầu tiên giữa hai Cụ.

- Vâng, có thể là lịch sử lắm và rất cảm động. Hôm đó chúng tôi đến Bắc Bộ Phủ vào tám giờ tối. Cụ Hồ đi vắng, chỉ có ông Võ Nguyên Giáp tiếp chúng tôi. Đêm ấy, hai thầy trò cùng nghỉ trên giường của Cụ Hồ, một cái giường chăn nệm sạch sẽ mà giản dị vô cùng. Sáng lại, lúc tôi dùng trà thì Cụ Hồ về tới. Dường như đã được báo trước nên Cụ đi vào thật nhanh, cởi vội chiếc mũ và cây ba toong rồi chạy lại reo lên hai tiếng: “Cụ Huỳnh!”. Đoạn hai ngài ôm nhau xúc cảm đến rơi lụy. Tiếng reo của Hồ Chủ tịch giờ còn vang trong tai tôi vì đó là âm thanh đã đánh dấu cho bước đi của dân tộc. Lần này là lần đầu hai ông lão gặp nhau. Kẻ gần sáu chục, người trên bảy mươi; tuy chưa có dịp trùng phùng chớ đã từng đếm bước của nhau đi trên con đường bôn tẩu quốc sự. Nhưng cụ cố thân sinh ra Hồ Chủ tịch vừa là bạn thân của cụ tôi, lúc cụ cố còn ở Huế. Thế rồi hàn huyên xong, hai ngài liền bắt tay vào việc.

- Giờ ngoài việc Quyền Chủ tịch, cụ Huỳnh giữ những trọng trách nào?

- Nội vụ, Tuyền truyền và Công an, cụ tôi làm việc không ngừng. Có khi mới ba giờ sáng đã ra ngồi bàn giấy. Cũng thừa may có ông Hoàng Minh Giám là một tay giúp việc đắc lực. Ồ, còn cụ Chủ tịch thì lại bận vô cùng. Lắm hôm, không lựa được lúc rỗi mà xơi cơm. Tiếp các thượng quan Trung Hoa, phái bộ Mỹ, các tay đặc phái viên thông tấn và đại biểu ở các nơi về. Cụ biết rất nhiều thứ tiếng và nói tiếng Mỹ rất sành sỏi.

- Nhờ con mắt nhà báo, chắc anh đã gặp nhiều nhân vật quốc tế?...

- Có. Tôi đã gặp đại tướng Lư Hán trong một bữa dạ yến. Lư tướng quân tuổi gần năm mươi, người rất có dáng vẻ  quan võ mà thích chơi văn. Hôm ấy, ngài có xin cụ Huỳnh làm ba bài thơ, Cụ làm một hơi thì xong, dường như Lư tướng quân cũng lấy làm thú.

- Anh có để ý đến đời sống bên trong của Cụ Hồ?

- Cụ thì thật là một bực vong kỷ. Sống đạm bạc đến phi thường. Thủy chung Cụ chỉ có mấy bộ ka ki và mấy chiếc sơ mi. Đã mấy lần mấy ông tính thưa để may đồ cho Cụ mà Cụ gạt đi, đến khi gần đi Pháp Cụ mới chịu để may. Cụ chưa khi nào nghĩ chu đáo cho mình, thật điều ấy làm cho những kẻ giá áo túi cơm nghe đến đủ xấu hổ mà chết. Cụ thường đi dạo chơi một mình và ít khi ngờ đến khúc nhạc kính mến của quốc dân đương vang động bên mình.

Những tin tức ở trời Tây gửi về giúp cho ta nhận định rằng Cụ Hồ Chủ tịch của chúng ta có thừa phong độ của một bậc quốc trưởng, của một chính khách quốc tế. Chỉ một điểm đó cũng đủ làm cho ta được ấm lòng, vì nghĩ rằng quốc thể của ta đã được Cụ nâng cao, trong lúc Cụ đã vẻ vang giới thiệu dân tộc chúng ta ở giữa chốn năm châu chung chợ”.

Nhà báo, nhà thơ Thúc Tề tên thật là Nguyễn Thúc Nhuận, sinh năm 1916, quê ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông hoạt động trong Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh thành lập Sở Tuyên truyền Trung Bộ. Đầu năm 1946, Thúc Tề được phân công cùng Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin Tuyên truyền Thừa Thiên.

Tháng 12/1946, Thúc Tề bị thực dân Pháp bắt cóc, thủ tiêu. Ông là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của cách mạng kể từ sau ngày thành lập nước. Đây cũng là bài báo cuối cùng mà ông để lại. 

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin
Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Return to top