ClockThứ Năm, 05/01/2012 05:32

Ca khúc của nhạc sĩ Huế : Còn khó để ngân vang...

TTH - Huế có lực lượng sáng tác hùng hậu với nhiều ca khúc đoạt giải thưởng. Thế nhưng, phần lớn tác phẩm của nhạc sĩ Huế không được "vang" lên, hoặc có, cũng thi thoảng trong các chương trình giới thiệu ca khúc mới rồi rơi vào quên lãng. Tại sao lại như thế và phải làm cách nào để "gỡ"? Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã gặp và lắng nghe nỗi lòng từ những người trong cuộc.

Nhạc sĩ Vĩnh Phúc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế:

Ca khúc muốn vang, phải do ca sĩ nổi tiếng hát
 
Hiện nay, công chúng ít quan tâm ca khúc như thế nào mà chỉ quan tâm ca sĩ nào hát. Nhiều người đến sân khấu không phải để nghe bài hát mà xem ca sĩ mình yêu thích biểu diễn. Nếu là ca sĩ chưa có tên tuổi, khán giả cũng không buồn nghe. Vì thế, điều quan trọng nhất, ca khúc đó được người nào trình bày. Không cách gì hơn, tác phẩm của nhạc sĩ Huế muốn đến với công chúng phải được ca sĩ nổi tiếng hát.
 
Ở Huế có nhiều ca sĩ hát hay nhưng chỉ nằm trong “bờ rào, bờ dậu”, không nổi tiếng khắp cả nước, trong khi bây giờ công nghệ lăng xê rất mạnh. Người ta không chỉ lăng xê ca sĩ mà cả nhạc sĩ. Tôi có những ca khúc đạt giải quốc gia nhưng tôi chưa có đĩa nhạc nào. Tôi có thể bỏ tiền ra thu bài hát của mình nhưng nếu mời ca sĩ Huế hát thì không phát hành được vì chẳng ai nghe. Làm đĩa rồi cất thì làm để làm gì? Tuy nhiên, để mời được ca sĩ nổi tiếng hát là cả vấn đề. Chúng tôi không có nhiều tiền. 
 
Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ viết ra là có ca sĩ hát. Thậm chí khi sáng tác, họ còn định hướng viết thế nào cho phù hợp với giọng của người biểu diễn. Ca sĩ hát lên, nghe chưa ổn, nhạc sĩ sửa hoặc viết bài khác hay hơn. Phải có cơ hội cọ xát như vậy nhạc sĩ mới viết hay được.
 
Vì thế, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành, trước hết là kinh phí thu âm, phổ biến trên đài truyền hình cũng như được các ca sĩ có “thương hiệu” hát. Thứ nữa, Huế phải tạo được đời sống âm nhạc sôi động thì ca khúc mới đến được với công chúng.
 
Ca sĩ Dương Hữu Quang:
 
Viết ca khúc phù hợp với thị hiếu công chúng
 
Là ca sĩ thường xuyên được các nhạc sĩ Huế gửi gắm thể hiện tác phẩm mới, tôi thấy chất lượng một số ca khúc chưa cao do thiếu sự đầu tư. Nguyên nhân là do họ băn khoăn không biết sáng tác rồi có được phổ biến hay không, biểu diễn ở đâu. Bên cạnh các bài hát hay, giai điệu, ca từ của nhiều ca khúc mới chưa gần gũi với công chúng và thích hợp cho ca sĩ hát ở các tụ điểm, phòng trà – những nơi dễ phổ biến ca khúc đến với công chúng. Vì thế, các ca khúc này khó đi vào lòng người nghe, ngay cả với lượng khán giả lớn tuổi vốn rất yêu và sành nhạc, nhất là nhạc xưa. Khán giả ít đón nhận, ca sĩ cũng không thể thăng hoa và gặp khó khăn trong việc thể hiện phong cách, chuyển tải nội dung của bài hát. Trong môi trường âm nhạc hiện nay, nhạc sĩ Huế phải tiếp cận với cái mới, sáng tác ca khúc phù hợp với thị hiếu công chúng.
 
Một bản nhạc dù hay đến đâu, nếu chỉ nằm trên văn bản mà không có sự đầu tư thu âm, phối khí cũng không thể đến với công chúng. Vì thế, các cơ quan liên quan cần hỗ trợ cho nhạc sĩ tổ chức thu âm, phối khí một cách hiệu quả. Huế cần kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ, tổ chức nhiều sân khấu, trung tâm biểu diễn để hỗ trợ, giới thiệu ca khúc mới. Điểm mạnh của Huế là có Festival. Tuy nhiên, tại các kỳ Festival, ca khúc của nhạc sĩ Huế rất ít được biểu diễn. Theo tôi, trong các dịp này, Ban Tổ chức nên mạnh dạn đưa những ca khúc hay vào biểu diễn trên sân khấu thì sẽ quảng bá rộng rãi hơn. Để ca khúc của họ được ngân lên, cả ca sĩ và khán giả cần tin tưởng, mở lòng đón nhận.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Việt – Trưởng phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế:
 
Thiếu kinh phí, tác phẩm hay phải cất vào ngăn kéo
 
Tháng 8/2010, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh bắt đầu thực hiện chuyên mục “Tình khúc Huế”. Chuyên mục được phát sóng mỗi tháng 1 lần để giới thiệu những ca khúc viết về Huế hay nhất, trong đó ưu tiên cho các tác phẩm mới. Nhiều ca khúc mới của nhạc sĩ Huế được giới thiệu, như: Ngẫu hứng Huế của Lê Anh, Mùa đông xứ Huế của Trần Đức, Tang tình tang của Việt Đức, Sông Hương và nỗi nhớ của Quốc Anh, Màu mưa Huế của Đoàn Lan Hương... Hơn một năm phát sóng, chương trình nhận được ý kiến phản hồi tốt từ khán giả.
 
Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này, êkip của Phòng Văn nghệ gặp nhiều khó khăn khi kinh phí sản xuất hạn hẹp, mỗi số chỉ được cấp 2 triệu đồng. Lúc trình kế hoạch thực hiện “Tình khúc Huế” lên Ban Giám đốc, chúng tôi muốn làm mỗi tháng 2 số. Tuy nhiên, do đài không có đủ kinh phí nên mỗi tháng chỉ giới thiệu được 1 tác phẩm. Phải tiết kiệm tối đa, chúng tôi mới xoay xở được. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải nhờ đến sự chia sẻ của các nhạc sĩ. Nhạc sĩ nào có ca khúc được giới thiệu phải bỏ tiền ra thu âm, phối khí. Chi phí thu âm, phối khí một ca khúc ở Huế khoảng 2 triệu đồng. Nếu muốn thu tốt hơn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mất 5-7 triệu đồng. Nhạc sĩ nào cũng muốn ca khúc của mình được vang lên trên sóng truyền hình với hy vọng nó đến được với đông đảo người yêu âm nhạc. Thế nhưng, không phải ai cũng có tiền để thu âm, phối khí khi đời sống kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, nhiều tác phẩm hay đành cất vào ngăn kéo vì không có cách gì đến với công chúng.
 
Chúng tôi đã kêu gọi sự tài trợ để có thể tổ chức thu âm, giới thiệu sáng tác mới. Thay vào đó, khi phát sóng, chương mục “Tình khúc Huế” chạy quảng cáo cho đơn vị tài trợ. Tuy nhiên, do phạm vi phát sóng của đài hẹp, người ta không mặn mà. Chỉ khi đài mở rộng phạm vi phát sóng mới hy vọng có thể kêu gọi được tài trợ cho chương trình giới thiệu ca khúc mới.
 

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống
Return to top