ClockThứ Bảy, 26/06/2021 11:03

Cái dĩa cũ

Chủ nhật vừa rồi, gia đình tôi “ăn” Tết mùng năm ở nhà nội. Năm nay dâu rể, con cháu tề tựu đông đủ, lại có thêm ba đứa chắt “lau hau” nên không khí tươi vui, sôi nổi hơn hẳn mọi năm. Nấu nướng xong xuôi, đến khi bày đồ ăn ra dĩa, mẹ tôi băn khoăn khi thấy chén dĩa nhà mệ không đủ sắp cỗ bởi “nhân khẩu” tăng lên đáng kể. Đang không biết xoay xở ra sao thì mệ tôi “lúi húi” ra góc bếp, lấy một chồng chén, dĩa cũ được bọc báo, cột ni lông rất cẩn thận. Cả nhà tôi ồ lên ngạc nhiên: “Đống chén dĩa ni chắc già bằng mạ luôn rồi”, dượng tôi hài hước pha trò. Mệ cười, lộ cả hàm răng chỉ còn lưa thưa vài chiếc: “Răng già bằng tau được, nhưng mấy cái “cơi” ni có từ hồi tau đi mần dâu lận!”.

Dù ba mẹ tôi đã mua cho mệ bộ bát đĩa mới sáng đẹp, trắng bóng nhưng mệ vẫn thích giữ lại những chiếc chén, dĩa cũ, chỉ có cái nào lỡ may làm bể thì mới chịu vứt đi. Về “sự tích” trữ đồ của mệ, ba tôi còn góp vui bằng câu chuyện ngày xưa trong nhà có chiếc thùng phuy đựng lúa chất đầy, nhưng mệ chỉ dám cho cả nhà ăn lớp trên vì sợ năm sau mất mùa không có cái mà ăn. Dở khóc dở cười làm sao khi lúa ở phía dưới phuy lại hư vì để lâu ngày khiến cả nhà tiếc đứt ruột.

Những cái chén, dĩa ngày xưa bền một cách kỳ lạ, nhiều cái sứt mẻ “tưng bừng” nhưng tuyệt đối không chịu vỡ, vẫn có thể đem ra đựng thức ăn. Nhìn những chiếc dĩa “bảy ông tiên” hay những chiếc chén viền xanh đã ngả vàng với chất men cũ thô sơ, nham nhám, khuôn dĩa có phần vụng về và mệ tôi, người phụ nữ Huế đã hơn 80 tuổi, mới thấy con người ấy, những vật dụng xưa cũ ấy đã đi cùng nhau cả một đời người.

Mệ của tôi đã già thật rồi! Nhớ hôm nào tôi còn là cô bé con bốn, năm tuổi, lon ton theo mệ đi rẫy chơi, ngồi chờ mệ đi chợ về để được mệ mua cho bì kẹo cau, hứng thú ngồi dưới hiên nhìn mệ xắt từng bó môn đều tăm tắp; thế mà giờ tôi đã cao hơn mệ, mệ thì ngày càng thấp bé đi vì tấm lưng còng. Mỗi lần về thăm, nghe tiếng gọi của tôi, mệ từ ngoài vườn đi vô, quãng đường chỉ dăm chục mét thế mà mệ phải mất kha khá thời gian; chả bù cho ngày xưa, bước chân mệ thoăn thoắt, làm việc, đi đứng không phút nghỉ ngơi.

Đến bây giờ ngồi ngẫm về quá khứ, ánh mắt mệ vẫn long lanh niềm tự hào, “chừ mệ ngồi một chỗ ri chơ hồi tê chỗ mô mệ cũng tới rồi”. Ngồi chơi với mệ, tôi nghe đến thuộc lòng những câu chuyện ngày xưa về ba tôi, ông nội và các o. Mệ còn bảo tôi lấy chồng đi, kiếm một công việc gì nhàn hạ mà làm rồi lại quên mất mình đã nói, nhắc đi nhắc lại đến mấy bận khiến tôi cứ phải gật đầu vâng dạ mãi.

Ôn mệ ngoại tôi thì lại có thói quen tích trữ chai lọ, bao bì ni lon ở bất kỳ khe hở nào trong nhà, đôi khi khiến con cháu phát bực vì những thứ không dùng đến chiếm quá nhiều không gian, nhưng ôn mệ vẫn cương quyết giữ lại, không chịu vứt đi vì tiếc. Những món đồ mới, hiện đại, như chiếc ghế massage, cái quạt điều hòa do các cậu, các dì tôi mua và những món đồ từ xa xưa, như tấm phản, cái cụi... tồn tại trong cùng một không gian sống, nhìn vào là biết chỗ ở của người lớn tuổi. Tuổi già, có chút của ăn của để nhưng ngoại tôi vẫn chi tiêu rất tằn tiện, có đồng nào thì chỉ muốn để dành cho con, cho cháu. Hơn nữa, dù trí nhớ đã kém sút nhiều, việc uống thuốc hàng ngày đôi khi cũng quên trước quên sau nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời, ôn mệ lại rất chăm chút việc cúng kỵ. Ngày rằm hay dịp lễ Tết nào mà con cháu chưa chuẩn bị mâm cúng, ôn mệ lại sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Có lẽ khi sắp về với ông bà, tổ tiên, người ta càng sống nặng về tâm linh hơn chăng!

Giữa thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, cuộc sống của những người già hiện đại hệt như một thế giới khác, lặng lẽ, yên ả và đầy hoài cổ. Đó là thế giới của vườn tược, băng catsset, radio, đầu đĩa… và những thói quen sống hay nếp nghĩ vốn đã in sâu vào trong máu. Người già ở Huế, nhịp sống của họ lại càng chậm với “chất mệ” thâm căn cố đế. Họ như cái chén “cổ”, sứt mẻ đã nhiều nhưng tuyệt đối không muốn vỡ!

LÊ THỤC ĐAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Return to top