ClockChủ Nhật, 18/09/2016 06:19

Cái tình của những người bạn Huế

TTH - Cách đây chưa lâu, trước khi qua đời, nhà thơ Nhất Lâm tình cờ ghé thăm. Ông rút từ chiếc túi cũ tập “Di cảo thơ Tôn Phong” còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ được những người bạn văn ở Huế chung sức góp lòng in ấn, khi nhà thơ Tôn Phong đã từ giã cõi đời hai năm trước.

Cuốn sách giới thiệu 62 bài thơ của nhà thơ Tôn Phong, được  NXB Thuận Hóa ấn hành đầu năm 2016, từ nguồn kinh phí vận động ủng hộ, do Nghệ sĩ  Hồ Viết Thiện đại diện.

Hồi sinh sau 20 năm

Nhà thơ Tôn Phong tên thật là Tôn Thất Phong. Sinh năm 1930, ông thuộc lứa với hai người bạn thơ vong niên là Phùng Quán, Hải bằng. Dù sống cùng gia đình cho đến cuối đời ở Nha Trang nhưng ông có gốc gác ở Phú Lộc. Mỗi năm, ông ra Huế một lần để thăm quê.

Trong lời thưa của tập “Di cảo thơ Tôn Phong”, Lê Huỳnh Lâm kể câu chuyện cảm động và hy hữu. Cách đây chừng 20 năm, trong một cuộc lãng du, nhà thơ Tôn Phong ra Huế. Thời bao cấp nghèo khó ấy, bạn bè ở Huế tiếp anh bằng rượu suông tại tư gia nhà thơ Phan Đạo ở Vĩ Dạ. Không biết do lãng đãng hay cố ý, Tôn Phong bỏ lại tập bản thảo thơ viết tay của mình. Ông tháo chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón tay say mềm của Phan Đạo, nói: “Trong anh em văn nghệ sĩ, Đạo là khó khăn nhất”.

Cuộc tao phùng năm ấy đã lùi xa 20 năm. Nhà thơ Tôn Phong cũng đã qua đời năm 2014, tro cốt đã được rải trên biển Nha Trang. Mãi cho đến năm 2015, tình cờ, tập bản thảo nhà thơ Tôn Phong để lại đã quên bẵng trên nóc tủ, được nhà thơ Phan Đạo tìm thấy. Như một duyên phận, ngay sau đó, nhà thơ Phan Đạo cùng nghệ sĩ Hồ Viết Thiện gọi cho Lê Huỳnh Lâm - một người yêu văn và chuyên thiết kế bìa sách - làm tập thơ...Thế là họ bắt tay cùng các thi hữu, văn hữu in thơ cho nhà thơ quá cố Tôn Phong.

Để có kinh phí in sách, nghệ sĩ Hồ Viết Thiện được ‘‘bầu” làm đại diện nhóm vận động ủng hộ. Lê Huỳnh Lâm tổ chức vi tính bản thảo. Giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa Nguyễn Duy Tờ lo giấy phép. Cố nhà thơ Nhất Lâm đem bản thảo “chạy” vài nơi vận động kinh phí ủng hộ. Riêng Đoàn Sĩ Sơn và vợ nhà thơ Tôn Phong (chị Phạm Ái Mỹ) ủng hộ 1 triệu đồng.

Nhà thơ Nhất Lâm kể, sách chuẩn bị in vào đầu năm 2016. Một chiều đông đầu tháng 12 năm 2015, ông đứng “canh” trên sân Trường đại học Khoa học Huế, nơi nhà thơ Ngô Minh trình làng chương trình “Ngô Minh tác phẩm”. Tranh thủ dịp ấy, ông gọi nhà thơ Hồ Thế Hà giúp sức...

Bạn bè ở Huế thương nhau lắm

“Di cảo thơ Tôn Phong” được in từ tấm lòng của bạn hữu ở Huế không phải hy hữu. Hơn 13 năm trước là tập ‘‘Chở gió” của Phương ‘‘Xích Lô”, in năm 2003, sau một năm nhà thơ qua đời. Sau mấy năm là tập truyện ngắn của nhà văn quá cố Nguyệt Biều - Hoàng Trọng Định. Rồi đến tập thơ của cố nhà thơ Lê Văn Ngăn...

Kể về câu chuyện đẹp ấy, cố nhà thơ Nhất Lâm đúc kết, trong vòng 12 năm, anh em thi hữu, văn hữu ở Huế đã bỏ tiền quyên góp để ra mắt 4 tập thơ văn của các nhà thơ, nhà văn quá cố. Và điều làm ông xúc động  là trong số nhiều anh em đóng góp để in sách, có nhiều anh chị chẳng khá hơn hay giàu có như nhiều người nghĩ. Họ tự nguyện giúp sức vì tấm lòng, vì yêu thơ và quý mến các nhà thơ mà theo họ là: “Các nhà nghèo bầm dập nhất”.

Ngay cả những đầu sách của cố nhà thơ Nhất Lâm, nhiều cuốn được phát hành từ tiền ông chắt bóp nhuận bút, từ đóng góp của bè bạn. Như cuốn ‘‘Người tù thông minh” mới đây được ấn hành năm 2015. Cuốn sách viết về nhà thơ Vĩnh Mai, được họa sĩ Đinh Khắc Thịnh tặng thiết kế bìa với tác phẩm độc bản của chính họa sĩ mà để “trả nghĩa”, có lần, cố nhà thơ Nhất Lâm đã biếu họa sĩ một quả dưa hấu xứ cát Diên Đại...

Bằng cái tình ấy, có những nhà thơ như Phương “Xích lô”, Tôn Phong, Lê Văn Ngăn... dù thân xác đã về với cát bụi nhưng thơ thì ở lại với đời. Một cái tình thắm thiết như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng khắc họa:

Bạn bè ở Huế thương nhau lắm / Túi đầy thơ tặng túi đầy trăng / Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu / Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam...

Tiểu Muội

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top