ClockThứ Năm, 15/12/2011 06:53

Cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

TTH - Qua đường dây nóng, ngày 6/12/2011, Báo Thừa Thiên Huế nhận cuộc gọi của bà Đặng Thị Cúc, phản ánh: Hàng rào của Khu vui chơi Thanh thiếu niên nhi đồng thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà (gọi tắt là KVC), nơi bà là chủ đầu tư và đang kinh doanh theo hợp đồng với UBND huyện Hương Trà (nay là phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) đang bị phá dỡ, trong lúc hợp đồng chưa hết hạn và chưa thanh lý... 

Ngay sau đó, phóng viên của báo có mặt tại hiện trường, chứng kiến hiện trạng hàng rào và các cánh cổng KVC đang bị phá dỡ. Người điều khiển máy ủi còn gác chéo 2 trụ bê tông để lấp cổng đi vào KVC. Vấn đề này, PV phản ánh trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà. Sau đó, 2 trụ cổng mới được xe ủi dỡ ra. Ngày hôm sau (7/12), một cổng ra vào khác của KVC lại bị lấp bằng đống đất lớn, khoảng 100m3

Hợp đồng và đầu tư

Theo phản ánh của bà Cúc và tài liệu Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã (TC-KH) cung cấp: Tháng 9/2007, bà Cúc trình Dự án đầu tư KVC, tại trung tâm thị trấn Tứ Hạ, được UBND huyện đồng ý và giao cho Phòng TC-KH huyện tổ chức thực hiện. Ngày 1/10/2007, hai bên ký “Biên bản hợp đồng nguyên tắc”; theo đó Phòng TC-KH cho bà Cúc thuê kinh doanh KVC, diện tích mặt bằng 5.080m2. Tổng giá trị công trình 605.995.000 đồng. Thời gian cho thuê từ tháng 10/2007 đến hết tháng 12/2015. Tiền thuê mặt bằng, thiết bị và tài sản, 3 năm đầu (01/12/2007 đến 01/12/2010) bình quân 1,25 triệu đồng/tháng. Ngày 15/10/2007, Phòng TC-KH và bà Cúc ký hợp đồng kinh tế chính thức, qui định quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong 8 điều khoản.

UBND phường Tứ Hạ thực hiện tháo dỡ hàng rào, cổng KVC (bằng xe ủi) để thu hồi ngày 6/12/2011.

Sau khi tiếp nhận KVC, bà Cúc đã bỏ kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng và thời gian hơn 2 tháng để tổng dọn vệ sinh, tu bổ, bố trí lại thiết bị, đầu tư lắp đặt thêm các trò chơi mới... Ngày 18/4/2008, UBND cho bà Cúc “Xây dựng mới sân trượt Patin có mái che”. Công trình khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 01/6/2008. Ngoài các hạng mục công trình nêu trên, bà Cúc còn đầu tư thêm các nhà lá làm nơi trú mưa, nắng, trồng cây xanh, thảm cỏ, tạo cảnh quan môi trường, xanh sạch, đẹp, mua thêm xe điện loại 4 bánh... để đưa vào hoạt động.

 

Lối vào KVC bị lấp lại bằng 2 trụ cổng bê tông ngày 6/12/2011, sau đó đã được mở ra.

Một lối vào KVC bị lấp bằng đống đất lớn từ ngày 7/12/2011

Thời gian ký hợp đồng là 8 năm, nay mới khai thác chưa được 4 năm, thì thị xã có chủ trương thu hồi để xây dựng công viên trung tâm theo Quyết định số 2071/QĐ-UBND ngày 29/10/2010 của UBND tỉnh.

Cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Ngày 18/2/2011, UBND huyện (nay là thị xã) ban hành Thông báo số 92/UBND-HĐBT, giao cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư thị xã (HĐBT) thực hiện công tác kiểm kê tài sản, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân tổ chức, bị ảnh hưởng và trong 20 ngày, kể từ ngày thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ, thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho HĐBT.

Ngày 5/10/2011, HĐBT làm việc với gia đình bà Cúc để giải quyết những vướng mắc liên quan đến bồi thường. Ngày 1/11/2011, hai bên lập biên bản kiểm kê tài sản, thiết bị (bổ sung). Đến 17/11/2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã mới có văn bản số 242/TTPTQĐ, gửi Trung tâm cổ phần Thông tin và Thẩm định miền Nam, đề nghị thẩm định một số loại tài sản mà gia đình bà Cúc đã đầu tư. Chưa có kết quả thẩm định, nhưng UBND thị xã đã có văn bản số 1224/UBND, thống nhất giao hàng rào lưới B40 và cửa sắt cho UBND phường Tứ Hạ thu hồi, như tờ trình mà UBND phường đề nghị. Việc thu hồi đã diễn ra (bằng xe ủi), như nêu trên.
 
Ông Hoàng Kim Bằng, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Hạ, cho biết: UBND thị xã giao UBND phường thu hồi hàng rào lưới B40 và các cánh cổng KVC, là tài sản của Nhà nước, để tận dụng, tránh lãng phí khi giải phóng mặt bằng KVC, vì tài sản này huyện không giao cho bà Cúc.
 
Vậy nhưng, trong biên bản kiểm kê đánh giá lại tài sản ngày 5/12/2007 “để cho thuê mặt bằng, tài sản” thì hạng mục 15, 16, 17 là tường rào bằng thép B40, 4 cổng phụ, 8 cánh cửa và chắn cổng chính bằng sắt. Biên bản bàn giao tài sản thiết bị KVC do các cơ quan huyện lập ngày 1/9/2011 cũng có 3 hạng mục 15,16,17 nêu trên. Mặt khác, nếu cho rằng các tài sản nêu trên thị xã không giao cho bà Cúc sử dụng, khai thác, vậy tại sao huyện lại giao cho phường Tứ Hạ thực hiện các thủ tục kiểm kê tài sản này với chủ đầu tư, thông báo cho bà Cúc việc thu hồi? Phải chăng, điều bất hợp lý này khiến nhà đầu tư bức xúc vì họ cho rằng quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm?
 
Quỳnh Anh
Ý kiến luật sư
 
Căn cứ hợp đồng kinh tế (thực ra, đây là hợp đồng dân sự) ngày 15/10/2007 do Phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Hương Trà ký với bà Đặng Thị Cúc về việc cho thuê mặt bằng và tài sản thiết bị Khu vui chơi thanh thiếu nhi thì cổng, tường rào thuộc danh mục tài sản cho thuê.
 
Hành vi tháo dỡ cổng, tường rào của UBND thị xã Hương Trà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư – bà Đặng Thị Cúc. Xét cả hai phương diện, hành vi này đều trái với quy định của pháp luật, bởi lẽ:
 
Thứ nhất, UBND huyện Hương Trà (nay là thị xã) với tư cách là chủ thể ký kết hợp đồng dân sự. Trong trường hợp muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bà Cúc biết và có sự thương lượng thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại. Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, ngăn cản bên nào và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Đây là nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Điều 486 BLDS cũng quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê. Theo đó, bên cho thuê phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê.
 
Thứ hai, UBND thị xã Hương Trà với với tư cách là một đơn vị hành chính mang quyền lực Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Trong trường hợp này, việc thu hồi mặt bằng, tài sản cũng phải được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến vấn đề này, đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 10/4/2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, trước khi hộ gia đình bàn giao đất ở khu vực giải tỏa, hoặc cưỡng chế thu hồi (nếu có) thì phải công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, thực hiện việc chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ cho đối tượng bị giải tỏa, di dời.
 
Cách giải quyết của UBND thị xã Hương Trà ở đây thiếu sự rạch ròi giữa hai tư cách nói trên khi ra Công văn số 1224/UBND ngày 30/11/2011 về việc giao trách nhiệm cho các ban ngành cùng với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư thị xã kiểm kê tường rào, lưới sắt B40, cổng sắt vốn là tài sản đã cho bà Cúc thuê đầu tư vào dự án để bàn giao cho UBND phường Tứ Hạ sử dụng. Để từ đó UBND phường Tứ Hạ ra Thông báo số 383/TB-UBND ngày 3/12/2011 về việc thu hồi và thực tế đã tháo dỡ thu hồi tài sản nói trên. Vấn đề đặt ra là UBND thị xã Hương Trà đang thu hồi lại tài sản cho thuê theo hợp đồng đã ký kết hay đang thực hiện việc giải phóng mặt bằng?
Như vậy, trong trường hợp không thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại xảy ra do việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bà Đặng Thị Cúc – Chủ dự án có thể khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án để yêu cầu UBND thị xã Hương Trà bồi thường. Mặt khác, bà Cúc có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về quyết định, hành vi hành chính của UBND thị xã Hương Trà khi thực hiện việc đền bù, giải phòng mặt bằng cũng như việc chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ không thỏa đáng, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của bà.
 
Ths. Ls. Nguyễn Văn Phước
 
Ý kiến người trong cuộc:
 
Bà Đặng Thị Cúc, chủ đầu tư:
 
Thị xã cần có phương án thỏa thuận, bồi thường đầy đủ, đúng pháp luật
 
Gia đình chúng tôi bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư KVC, chưa được bồi thường, hỗ trợ một đồng nào. Hợp đồng kinh tế còn hơn 4 năm (đến tháng 12/2015) mới hết hạn. Trong khi chưa có sự thỏa thuận giữa gia đình tôi và UBND thị xã về phương án bồi thường giá trị tài sản, cũng như giá trị thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nhưng thị xã đã cho thu hồi tài sản cửa sắt, hàng rào lưới B40, cho xe ủi húc đổ trụ cổng... là chưa bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Mặt khác, ngày 3/12/2011 phường có biên bản kiểm kê tường rào, cùng ngày lại có thông báo thu hồi vào ngày 6/12 (chỉ sau 3 ngày). Quy trình này là một sự cưỡng chế. Tất cả những điều nói trên làm cho đời sống kinh tế, và tinh thần của gia đình suy sụp. Theo hợp đồng kinh tế, thời gian thuê mặt bằng là 8 năm, nên chúng tôi mới mạnh dạn vay mượn tiền để đầu tư. Nay, chưa thu hồi được vốn, nhưng UBND thị xã tiến hành xây dựng trung tâm công viên, chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương. Tuy nhiên, thị xã cũng phải có phương án thỏa thuận, chấm dứt hợp đồng, bồi thường đầy đủ, đúng pháp luật, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình chúng tôi.
 
Ông Mai Công Dương, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Hương Trà:
 
Hợp đồng chưa thanh lý được, do nhà đầu tư chưa đồng ý, vì chưa có chế độ bồi thường
 
Việc thu hồi cổng, tường rào KVC, phường đã làm theo quy trình: tiến hành làm việc, có đại diện hộ gia đình ký tên, sau đó thông báo cho gia đình biết rồi mới thu hồi. Còn tất cả những tài sản bên trong giao cho bà Cúc quản lý sử dụng, hiện nay huyện chưa đụng tới, vì phương án bồi thường chưa xong.
Thanh lý hợp đồng trước thời hạn là có một phần thiệt hại cho nhà đầu tư. Hợp đồng chưa thanh lý được, do nhà đầu tư chưa đồng ý, vì chưa có chế độ bồi thường. Nhà đầu tư cũng rất thiệt thòi, nhưng quan điểm của họ cũng rõ ràng (yêu cầu được bồi thường theo pháp luật quy định-pv) chứ không vướng mắc gì hết. Hiện nay, Phòng TC-KH, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cùng các ngành đang tổ chức kiểm kê toàn bộ tài sản của Nhà nước, phần bà Cúc đã đầu tư để có sự tính toán phù hợp với quy định về bồi thường, khi Nhà nước thu hồi. Toàn bộ các tài sản kiểm kê nêu trên, đang được thẩm định lại, để có cơ sở sau này mà tính toán, trình UBND thị xã phương án phê duyệt hỗ trợ, đền bù.
 
Các công trình tạo cảnh quan môi trường chúng tôi đã kiểm kê, đang tính toán giá theo quy định của Nhà nước. Về các hạng mục tu sửa tài sản thiết bị quan điểm của chúng tôi là: Sử dụng tài sản của Nhà nước cho thuê thì phải có kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên trong quá trình sử dụng để khai thác. Nhà đầu tư kiến nghị, phải bồi thường, hỗ trợ “cái” này, là chưa có cơ sở. Những hạng mục nào đầu tư không phép thì không hỗ trợ. Các hạng mục nhà đầu tư đầu tư sửa chữa, mang tính sửa chữa lớn tạo nên giá trị mới cho tài sản, thì đề nghị họ cung cấp để chúng tôi tính toán hỗ trợ.
 
Phạm Thùy Chi (ghi)
 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top