ClockThứ Hai, 21/07/2014 02:09

Cần đầu tư để đủ “khỏe”

TTH - Nhiều công trình kênh mương thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng do bão lũ chưa được sửa chữa cần huy động nguồn lực lớn để khắc phục, nâng cấp đảm bảo phục vụ tưới, tiêu.

Lão hóa và không bền vững

Cống Bào Sam (Quảng Phú - Quảng Điền) không phát huy tác dụng

Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2000-2010, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 847 km kênh mương, trong đó Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 118 km, còn lại do các hợp tác xã quản lý. Qua thời gian dài sử dụng, tác động của bão lũ nên nhiều hệ thống kênh mương bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm, kinh phí hạn chế nên chỉ xây bằng bờ lô. Nhiều công trình sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách duy tu bảo dưỡng do huy động nguồn lực trong dân rất khó khăn. Nhà nước cũng đã đầu tư 282 tỷ đồng, song vẫn còn hạn chế nên mới chỉ duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các công trình lớn, còn những công trình nhỏ chưa được quan tâm. Vậy nên, đến nay toàn tỉnh chỉ có 35/90 xã đạt tiêu chí thủy lợi nông thôn mới, ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết.

Kênh Đông Phước dài khoảng 1,5 km được xây dựng cách nay hơn 10 năm với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Công trình có vai trò hết sức quan trọng trong việc dẫn nước tưới cho khoảng 265 ha lúa, hoa màu trên địa bàn Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phước. Do công trình chỉ xây bằng bờ lô nên bị hư hỏng nặng sau những trận bão lũ. Trong các đợt lũ cuối năm 2013, nhiều đoạn trên kênh mương Đông Phước bị lún sụt, nứt gãy nặng, đến nay vẫn chưa được khắc khục. Ông Phan Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước trăn trở: “Ngân sách địa phương, các hợp tác xã eo hẹp, không tự chủ nên đến nay công trình vẫn chưa sửa chữa, nâng cấp”. Các cống Bào Sam, thuộc xã Quảng Phú và cống Bào Lương Cổ, thuộc thị trấn Sịa có nhiệm vụ tiêu úng cho gần 100 ha lúa của các địa phương và xã Quảng Thọ. Các cống trên xây dựng không đảm bảo quy trình kỹ thuật, lại xuống cấp nên không phát huy tác dụng. Cao độ công trình (cote) của các cống cao hơn so với mực nước cần tiêu úng. Đây là nguyên nhân khiến gần 100 ha lúa đông xuân hằng năm thường bị ngập úng phải gieo cấy chậm, ảnh hưởng đến lịch thời vụ hè thu. Diện tích lúa trên thường thu hoạch muộn nên bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Hoàng Vọng cho rằng, chỉ cần hạ cote các cống xuống khoảng 50 cm, kinh phí đầu tư vài trăm triệu đồng thì các công trình sẽ phát huy tác dụng; song nguồn kinh phí đó nằm ngoài khả năng của các hợp tác xã.

Mấy năm gần đây, mặc dù huyện Quảng Điền tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực kiên cố hóa kênh mương thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong khoảng 150 km kênh mương toàn huyện, chỉ mới kiên cố 61%, trong đó 25% xây dựng bằng bờ lô, lại bị “lão hóa” nên xuống cấp, rất dễ hư hỏng trong mùa bão lũ. 39% kênh mương còn lại bằng đất, trong đó khoảng 14% cần phải kiên cố hóa nhằm đảm bảo phục vụ tưới, tiêu. Một số cống trên đê PAM, như cống Thạch Bình, Uất Mậu, Ba Khẩu... đang bị xuống cấp do xây dựng lâu năm, thường bị hư hỏng do bão, lũ. Công trình Tây Hưng 1 vừa mới đưa vào sử dụng cách nay mấy năm, nhưng một số điểm trên hệ thống kênh mương bị hư hỏng cần được sửa chữa, khắc phục.
“Lão hóa”, xuống cấp, hư hỏng do bão lũ cũng là thực trạng chung của nhiều công trình kênh mương cũng thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại Ngũ Điền (Phong Điền), nhiều hệ thống kênh mương chủ yếu xây dựng bằng bờ lô, không bền vững, đang trong tình trạng xuống cấp. Thời điểm hạn hán như hiện nay, các địa phương ở Ngũ Điền gặp khó khăn trong việc dẫn nước vào đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền chia sẻ, khó khăn lớn nhất nhất trong công tác chống hạn là nguồn nước tại các ao hồ đã cạn kiệt, cộng với hệ thống kênh mương không đảm bảo càng gây trở ngại. Hệ thống kênh mương trên địa bàn đến nay mới chỉ kiên cố hóa trên 60%, trong đó phần lớn xây bằng bờ lô; còn lại là kênh đất thường bị bồi lấp, sạt lở trong mùa bão lũ.
Cần có cơ chế duy tu, bảo dưỡng
Từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa, như hồ Truồi, Thọ Sơn, Thủy Yên-Thủy Cam...; kiên cố hóa khoảng 500 km kênh mương nội đồng. Theo ông Phan Thanh Hùng, do các địa phương gặp khó khăn về kinh phí nên tỉnh sẽ xem xét, có phương án đầu tư, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn mùa bão lũ. Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHHNN 1 thành viên Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho rằng, ngoài xây dựng, nâng cấp cần có cơ chế, đầu tư duy tu, bảo dưỡng các công trình, từ nguồn thủy lợi phí, khắc phục lụt bão, đóng góp của người dân... theo quy định pháp lệnh về thủy lợi. Các công trình giao cho các địa phương, hợp tác xã quản lý, khai thác thì cần có cơ chế, huy động nguồn lực tại chỗ để duy tu, bảo dưỡng.
Bải, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ “nút thắt” giao thông phía tây vào cao tốc

Nhiều năm qua, giao thông tại các cửa ngõ vào TP. Huế rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt hướng phía tây thuộc Quốc lộ (QL) 49A nối trung tâm thành phố vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn thường xuyên ùn tắc cần phải sớm mở rộng.

Gỡ “nút thắt” giao thông phía tây vào cao tốc
Đầu tư hạ tầng cảng biển

Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các dự án (DA) đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.

Đầu tư hạ tầng cảng biển
Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Return to top