ClockThứ Sáu, 25/05/2018 10:49

Cần sự giúp đỡ để em Quyên được ghép thận

TTH - Em Nguyễn Thị Ngọc Quyên sinh năm 2001, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) bị suy thận giai đoạn cuối, đang ở giữa lằn ranh sinh tử, chờ được ghép thận để có cơ hội sống. Mẹ ruột của Quyên đã tình nguyện hiến thận cho con. Nhưng nhà quá nghèo. Cha của Quyên cũng bị bệnh thận nặng. Tiền chi phí ca ghép thận cho Quyên biết kiếm đâu ra.

Người mẹ đã làm thủ tục hiến thận cho con, nhưng chưa có tiền để chi phí cho ca ghép thận

Trên giường bệnh tại phòng bệnh số 3, Khoa thận, Bệnh viện Trung ương Huế, cô bé với gương mặt phù nề, nhòa nước mắt vì đang cố gắng kìm nén không kêu rên bởi cơn đau sau buổi chạy thận nhân tạo, khiến người xung quanh xót xa. Ở đây ai cũng chung cảnh ngộ. Nhưng Quyên còn quá trẻ. Em mới 17 tuổi, cái tuổi đang đến trường với biết bao ước mơ về tương lai. Vậy mà căn bệnh quái ác, nguy hiểm có thể cướp đi cuộc sống của em bất cứ lúc nào. Mẹ Quyên, chị Dương Thị Trang (55 tuổi), vì giành giật sự sống cho con, sẵn sàng hiến 1 quả thận. Người phụ nữ gầy gò, nhỏ thó, run run chìa xấp giấy tờ thủ tục, các xét nghiệm đã làm, cần phải làm của người hiến thận, nghẹn ngào: “Tui sẵn sàng cắt 1 quả thận của mình cho con, nhưng tiền chi phí để ghép thì…”

Là nông dân thôn Đông A, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, vợ chồng chị Dương Thị Trang, anh Nguyễn Ngọc Sở (sinh 1965) sống bằng nghề làm ruộng, làm thuê. Hàng ngày, chị Trang thức dậy lúc 3, 4 giờ sáng, đi nấu (và bán) cháo thuê đến 12 giờ trưa thì nghỉ, kiếm 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Buổi chiều chị Trang làm ruộng của gia đình. Rảnh chút thời gian nào, chị làm ruộng thuê cho người khác. Anh Sở phụ thợ nề. Vợ chồng cần mẫn thức khuya dậy sớm, nhịn ăn nhịn mặc, chắt bóp nuôi hai con gái ăn học. Cô con gái lớn nhờ vậy được học xong đại học, đã có gia đình riêng.

Những tưởng cuộc mưu sinh đỡ vất vả hơn. Thế nhưng cách đây 6 năm, chồng chị Trang bị bệnh gout nặng, không còn cáng đáng được công việc nặng nhọc. Cách đây 3 năm, anh Sở phát hiện mắc thêm bệnh thận nặng, phải nằm viện liên tục, thời gian mỗi đợt nằm viện có khi nửa tháng nhiều lúc cả tháng trời. Chị Trang phải gồng mình gấp đôi, gấp ba để vừa kiếm tiền mưu sinh, nuôi con, vừa chăm chồng bệnh.

Tai ương tiếp tục giáng xuống, khi Quyên đang đi học thì bỗng lên cơn chóng mặt, buồn nôn rồi ngã xuống ngất xỉu, liệt cả người. Em được đưa đến Bệnh viện huyện Phú Vang và ngay lập tức các bác sĩ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. “Nghe bệnh viện thông báo con bị suy thận mãn giai đoạn cuối, vợ chồng tui khuỵu xuống. Lúc này, con bé mới kể thường bị mệt, choáng váng. Thỉnh thoảng trên đường đi học về lại bị ngã ra ngất, nhưng cháu giấu vì sợ mẹ lo. Cháu nói những lúc bị như vậy cháu cứ nghĩ do mình bị đói. Tui hỏi bữa nào con ở lại trường mẹ đều cho con tiền ăn cơm “bụi” sao con không ăn. Nghe cháu trả lời thấy mẹ làm việc cực khổ quá, để kiếm được tiền mẹ vất vả quá nên không nỡ ăn mà mang về cất trong heo đất, phòng khi cần thuốc men cho cha, tui thương con không cầm được nước mắt. Đứa con ngoan, biết thương, biết nghĩ cho cha mẹ như vậy mà…”. Chị Trang nghẹn ngào bỏ nửa chừng câu nói. Quyên tiếp lời mẹ: “Khi biết nếu không ghép thận, có thể chết, em sợ lắm. Mẹ hiến thận, em mừng vì mình có cơ hội, nhưng vừa lo cho sức khỏe của mẹ, vừa sợ không có tiền chi phí cho ca ghép”. Cô gái trẻ bật khóc.

Bảy năm trước, gia đình chị Trang thế chấp “sổ đỏ” vay ngân hàng 40 triệu đồng để làm nhà cấp bốn (còn chưa quét vôi). Không ngờ chỉ 1 năm sau người chồng đổ bệnh. 6 năm một mình chống chèo nuôi con, nuôi chồng bệnh, đến bây giờ số nợ trong ngân hàng gần như còn nguyên. Quyên được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu (ngày 21/4/2018), chạy thận nhân tạo; chị Trang làm các xét nghiệm để hiến thận, chi phí tổng cộng 20 triệu đồng. Số tiền này một nửa do người con gái lớn vay mượn, nửa còn lại do chi hội phụ nữ thôn Đông A, phụ nữ xã Phú Lương và bà con chòm xóm trong thôn, xã quyên góp, giúp đỡ. “Bà con xóm giềng biết hoàn cảnh gia đình tui như vậy nên đi đâu, gặp ai cũng xin giúp. Những hôm Quyên mệt nặng, cả nhà không dám thông báo cho chồng tui biết. Ông bị huyết áp cao, lo lắng xúc động quá nhỡ xảy ra chuyện gì càng khổ thêm. Từ hôm theo con lên viện đến nay là 20 ngày, tui chưa về nhà lần nào. Hàng xóm tự nguyện qua giúp dọn sân, phơi lúa…” Chị Trang xúc động khi kể về những tấm lòng nhân hậu, hảo tâm đã động viên, giúp đỡ khi con gái và gia đình chị gặp cảnh bệnh nặng, ngặt nghèo.

Quá trình giành lại sự sống, sức khỏe cho cháu Quyên còn rất gian nan. Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngoại Thận tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cần từ 250 đến 300 triệu đồng chi phí cho một ca ghép thận. Quá trình theo dõi, chăm sóc sau ghép cũng cần rất nhiều chi phí. Cần lắm những tấm lòng hảo tâm tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ, để Quyên có cơ hội được sống.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế hoặc chị Dương Thị Trang, thôn Đông A, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, số điện thoại 0868.731.121 hoặc 093.556.1429

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từng được hiến ghép thận lại đi… môi giới mua bán thận

Tòa án nhân dân TP. Huế vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Mua, bán bộ phận cơ thể người” đối với 3 bị cáo. Trong đường dây mua bán thận này, có 2 bị cáo là bệnh nhân từng được ghép thận, người còn lại có động cơ vì xót thương hoàn cảnh của bệnh nhân.

Từng được hiến ghép thận lại đi… môi giới mua bán thận
“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với chính quyền địa phương để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó là những gì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Đông Ba, TP. Huế đã và đang làm được để tạo nên những “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên.

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Return to top