ClockThứ Năm, 01/04/2021 09:01

Chiếc áo cũ

TTH - Nhà chị bán quán tạp hóa nho nhỏ. Có lần tôi ghé đến mua hàng, gặp lúc ba mẹ con chị đang ngồi giữa một đống quần áo la liệt. Chị bảo, đó là quần áo cũ của cả nhà, đang chuẩn bị đem gửi tặng những người khó khăn hơn. Nói là quần áo cũ, nhưng thật ra vẫn còn rất mới, có chiếc chỉ mới mặc đôi ba lần. Những bộ quần áo ấy, đều được chị giặt giũ, phơi phóng cẩn thận, thơm nức mùi nắng.

Gắn kết tình thânNhững đứa trẻ

Trong lúc hai cô con gái nhỏ đang tỉ mẩn gấp từng bộ quần áo, rồi phân loại quần áo mùa đông, mùa hè, thì chị đang ngồi một góc, cẩn thận khâu lại chiếc khuy áo cũ vừa bung ra. Chị nói, dù là quần áo cũ mang tặng, chị cũng muốn những tấm áo ấy được thơm tho, sạch sẽ. Một đường chỉ bị tuột, một cúc áo bị đứt ra (chỉ vì máy giặt quay mạnh) chị cũng muốn khâu lại cho tươm tất. Chị mong người nhận, sẽ cảm nhận được sự yêu thương, trân trọng từ người tặng.

Tôi chợt nhớ có lần đọc đâu đó trên mạng xã hội, có nhóm thiện nguyện đã nói, quần áo cũ họ từng nhận được đôi khi lẫn rất nhiều quần áo bị hư không thể dùng được. Vậy nên, khi nhìn chị chăm chút khâu lại chiếc cúc áo bị sứt chỉ trước khi gói ghém gửi tặng đi, tôi bỗng thấy lòng mình mềm hẳn.

Điều khiến tôi còn ngạc nhiên hơn, là khi nhìn thấy đứa con gái chị đặt một vài chiếc thiệp xinh xinh, có ghi những dòng chữ xinh xắn vào túi một vài bộ quần áo. Chị giải thích, đó là những bộ quần áo mà con chị rất thích, hầu như đều là quà được tặng nên cô bé rất trân trọng. Chỉ tiếc cô bé lớn quá nhanh, bây giờ không mặc vừa. Cô bé tặng lại cho các bạn nhỏ hơn mình. Mấy chiếc thiệp xinh xắn kia, chủ yếu kể lại câu chuyện của từng bộ đồ mà cô bé đã mặc, là món quà ai tặng bé, và bé đã yêu quý, trân trọng chiếc áo ấy ra sao. Cô bé mong người nhận được chiếc áo ấy, cũng yêu quý món quà đó ấy như em đã từng nâng niu.

Nhìn cô bé đang hý hoáy viết chữ trên những miếng giấy được em cắt thành từng hình trái tim nhỏ xinh, khiến tôi bỗng nhớ lại ngày xưa, khi tôi còn rất bé, cũng từng nhận được những bộ quần áo cũ thơm nức mùi nắng trong những ngày mưa và rét lạnh. Hồi đó ở quê, nhất là mùa đông lạnh lẽo, quần áo ấm rất khan hiếm. Một chiếc áo len chị mặc xong thì em kế thừa. Vào mùa mưa dầm dề, quần áo phơi mãi chẳng khô, khổ không tả hết. Khi đó, những thùng quần áo cũ từ thành phố gửi về trở thành những món quà vô giá luôn được chị em tôi nâng niu vô cùng.

Giờ đây, khi nhìn những tấm thiếp mà con gái chị đang hý hoáy viết, tôi mới thấm thía câu nói của người xưa: “Của cho không bằng cách cho”. Chắc chắn những cô bé nhận được những mảnh áo cũ ấy, sẽ vô cùng hạnh phúc vì được quan tâm, trân trọng.

Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top