ClockThứ Ba, 13/12/2011 10:23

Chính quyền địa phương phải hướng dẫn rõ ràng

TTH - Các ông Võ Văn Thương và Võ Văn Hiến ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu huyện Phú Vang phản ánh: Từ năm 2000 đến nay, ông Thương và ông Hiến nhiều lần liên hệ với UBND xã để làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thẻ đỏ) nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay hơn 10 năm, vẫn chưa được giải quyết. Việc này làm thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định cuộc sống của người dân.

Dân phản ánh

 

Ông Thương và ông Hiến bức xúc: “Trong cơn lụt năm 1999, nhà chúng tôi bị sạt lở. Lãnh đạo xã Phú Mậu chỉ đạo hai hộ di dời khẩn cấp. Tiếp sau đó, chúng tôi được chính quyền địa phương thông báo, do nhà của chúng tôi ở trong vùng sạt lở nghiêm trọng, không thể tiếp tục sinh sống, nên UBND xã cấp cho chúng tôi mỗi hộ khoảng 200m2 đất để làm nhà ở. Năm 2000, chúng tôi nhiều lần liên hệ với xã, mà trực tiếp là với ông Trần Văn Diệp là cán bộ địa chính, để làm thủ tục cấp thẻ đỏ. Nhưng mỗi lần hỏi thì ông Diệp lại trả lời chờ xã gọi.

Đến năm 2010, chúng tôi tiếp tục gửi đơn đến UBND xã, đề nghị xem xét làm thủ tục cấp thẻ đỏ, nhưng không nhận được phản hồi nào từ xã. Cách đây nửa năm, chúng tôi lại đến UBND xã hỏi về việc này thì được cán bộ địa chính mới là anh Phan Tấn Hùng trả lời: cứ về nhà chờ xã gửi công văn. Nhưng đến nay xã vẫn chưa gửi cho chúng tôi thông tin nào...”

 

 Theo ông Thương và ông Hiến, họ thuộc trường hợp được giao đất, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND xã không tạo điều kiện làm thủ tục cấp thẻ đỏ cho họ. Con cái họ đã lớn, có nhu cầu xây dựng thêm nhà cửa nhưng vì không có thẻ đỏ nên không được cấp giấy phép. Mặt khác, số tiền sử dụng đất phải nộp bây giờ cao gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây hơn 10 năm, như vậy là họ phải chịu thiệt hại.

 

UBND xã nói gì?

 

Vấn đề này, UBND xã Phú Mậu có Báo cáo số 32 ngày 25/11/2011, nội dung: Hộ ông Thương và ông Hiến nằm trong vùng sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân nên phải di dời khẩn cấp theo chủ trương của UBND huyện Phú Vang. Do đó, hội đồng quản lý đất đai xã họp và bố trí cho hộ ông Thương tại vị trí thửa đất 324B.10 diện tích 199m2 tờ bản đồ số 1, hộ ông Hiến tại thửa đất số 324B.1, diện tích 199m2, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại thôn Tiên Nộn, để các hộ trên tiến hành xây dựng nhà ở theo biên bản đo đạc giao đất ngày 16/3/2000.

 

Tại thời điểm đó, UBND xã Phú Mậu lập hồ sơ xin giao đất làm nhà ở cho các hộ nói trên, chuyển Phòng Địa chính (nay là Phòng TN&MT) huyện. Trong thời gian thụ lý hồ sơ, Phòng Địa chính huyện yêu cầu bổ sung hộ khẩu và các loại giấy tờ liên quan đến nhà đất đang ở bị sạt lở, nhưng 2 hộ không có để bổ sung (hộ ông Hiến đi kinh tế mới về ở cùng bố mẹ là ông Võ Lầm và bà Huỳnh Thị Lành, chưa được nhập hộ khẩu theo diện KT3; hộ ông Thương ở chung với bố mẹ là ông Võ Văn Đương, chưa tách hộ khẩu). Do đó, Phòng Địa chính huyện chưa thụ lý để giải quyết đúng theo quy định.

 

Thời gian qua, các ông Thương, Hiến có đến UBND xã xin đăng ký cấp Giấy CNQSDĐ và có yêu cầu xin giảm tiền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật đất đai, 2 trường hợp trên được cấp giấy nhưng phải nộp tiền sử dụng đất. Do đó, UBND xã chưa lập hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ cho 2 hộ nói trên và tiếp tục kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho 2 hộ gia đình ông Thương và ông Hiến.

 

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

 

Trong buổi làm việc tại UBND xã Phú Mậu ngày 3/11/2011, ông Trần Văn Diệp (cán bộ địa chính xã từ năm 1999 đến 2008) cho rằng, đã thông báo cho các ông Thương, Hiến về việc hồ sơ xin giao đất của họ thiếu sổ hộ khẩu và yêu cầu các ông này bổ sung. Do họ không bổ sung giấy tờ còn thiếu nên “tắc” ngay tại khâu làm thủ tục giao đất, dẫn đến tình trạng 2 hộ này chưa có quyết định giao đất, nên không thể làm bước tiếp theo là lập hồ sơ xin cấp thẻ đỏ. Mặt khác, từ năm 2001 đến 2007, xã thực hiện việc cấp thẻ đỏ cho tất cả các hộ dân tại địa phương (có đủ điều kiện) nhưng 2 hộ này cũng không đăng ký để làm.

 

Vậy nhưng, cả ông Thương và ông Hiến (có mặt tại buổi làm việc) đều khẳng định: Chưa lần nào họ được cán bộ địa chính xã hướng dẫn về các thủ tục cần thiết. Ông Diệp (và cả đại diện lãnh đạo xã) chưa bao giờ yêu cầu họ bổ sung sổ hộ khẩu, là loại giấy tờ còn thiếu như nêu trên. Mỗi lần họ đến UBND tìm gặp yêu cầu giải quyết, đều được trả lời “anh cứ về, đợi xã có công văn...”

 

Qua buổi làm việc và đối chất, cán bộ chính quyền nói đã thông báo và hướng dẫn (miệng) cho dân, nhưng dân không quan tâm nên không thực hiện. Các hộ dân lại bức xúc: chưa bao giờ nhận được hướng dẫn hay yêu cầu (dù bằng miệng) bổ sung giấy tờ còn thiếu từ cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, trong suốt thời gian hơn 10 năm qua, nhiều lần ông Thương và ông Hiến đến UBND xã để yêu cầu được cấp thẻ đỏ là điều có thật. Chứng tỏ, họ rất quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của mình. Nhưng họ lại không được sự hướng dẫn rõ ràng từ phía chính quyền địa phương, nên đến nay việc lập thủ tục để cấp thẻ đỏ vẫn bỏ ngỏ.

 

Địa chính xã, Phòng TN&MT huyện đòi hỏi hai ông nói trên phải có hộ khẩu thường trú, là 1 trong những điều kiện để được cấp giấy CNQSDĐ, là đúng. Nhưng hơn 10 năm nay, chẳng lẽ chỉ tồn tại tình trạng... chờ, mà không ai hướng dẫn cho người dân tận tình, yêu cầu họ bổ túc hồ sơ, để cấp giấy CNQSDĐ cho họ, thì quả là điều đáng suy nghĩ và cần chấn chỉnh từ các cấp chính quyền huyện, xã.

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

Nhà ông Thương làm trên đất được xã bố trí (nêu trên), nhưng đến nay vẫn chưa được lập thủ tục cấp “thẻ đỏ”.
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim

Từ nhỏ, Phan Thị Hải đã bị bệnh tim bẩm sinh. Tưởng chừng tương lai tươi đẹp của em đã được mở ra khi em được phẫu thuật đặt máy hỗ trợ nhịp tim thành công lúc 9 tuổi và trở thành cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Nhưng khi cuộc sống vốn dĩ trôi qua bình thường, thì sóng gió ập tới, căn bệnh tim của em lại tái phát.

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim
4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc

Gia đình anh Hồ Văn Sơn là hộ nghèo của xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. Hai vợ chồng đi làm thuê thu nhập không được ổn định. Cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn luôn cố gắng, nhất là khi cách nay 2 năm chị sinh hạ được một bé trai. Đặt tên con là Hồ Thanh Phúc với mong muốn con lớn lên may mắn…

Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc
Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Đoàn Lan Anh (SN 2002) - sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại ngữ Huế, ở tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), một gia đình có hoàn cảnh thật đáng thương.

Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ
Return to top