ClockChủ Nhật, 09/07/2023 13:35

Bình đẳng giới để đạt mục tiêu phát triển bền vững

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, toàn xã hội.

WEF: Thế giới có thể sẽ mất 131 năm nữa để đạt được bình đẳng giớiPhòng ngừa, ứng phó bạo lực trong hôn nhân và gia đìnhĐổi mới sáng tạo và công nghệ vì bình đẳng giớiTriển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giớiTuần hành hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới

leftcenterrightdel
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ (Đề án 939), 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định đã tổ chức đào tạo 304 lớp cho trên 10.600 người (trong đó, hơn 9.000 lao động có việc làm sau đào tạo), đạt 86%. 

Ngày Dân số Thế giới năm 2023 có chủ đề: “Phát huy Sức mạnh của Bình đẳng Giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta.”

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, toàn xã hội.

Bình đẳng giới luôn là mục tiêu lớn của Chính phủ; là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng đất nước phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Góp phần kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh

 Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái (tỷ số thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái).

Mất cân bằng giới tính khi sinh trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra 6/6 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước.

Việc này sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ, gây tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số, dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi, quốc gia dân tộc.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người Việt Nam.

Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản khoa… để lựa chọn giới tính trước sinh; nếu thai nhi là gái, họ có xu hướng phá thai.

Đây là việc làm có hại đối cho người phụ nữ và trẻ em gái, phản ánh sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới ngay từ khi trẻ em gái chưa được chào đời.

Trong Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố cho thấy, hơn 140 triệu trẻ em gái "không được sinh ra" trên khắp thế giới do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời.

Thạc sỹ Phạm Thị Hồng (chuyên gia tâm lý Hồng Hương), Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam chia sẻ mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tinh thần và thể xác của phụ nữ, trẻ em gái; củng cố thêm việc phân biệt giới tính đối với những người cố thủ với những hủ tục, tư tưởng cũ, không còn phù hợp.

Tư tưởng này ảnh hưởng trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em gái. Chẳng hạn, khi một người phụ nữ sinh bé gái trước mà chưa có bé trai thì lần mang thai sau họ sẽ bị áp lực.Đồng thời, bé gái sinh ra trong môi trường bất bình đẳng giới sẽ vô tình tự hình thành "định nghĩa giới" rằng mình không có giá trị bằng con trai.

Thạc sỹ Phạm Thị Hồng cho biết, qua thực tế triển khai các dự án, có những trường hợp vì định nghĩa giới này đã gây nên hiện tượng "LGBT dưới dạng tâm lý" (LGBT ngoại sinh).

Có những bé gái muốn trở thành con trai và có những hành vi giống con trai để bố mẹ vui lòng, đạt kỳ vọng của bố mẹ. Vô hình chung, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và tương lai của.

Hội chứng sợ kết hôn đang gia tăng ở Việt Nam có thể có nguyên nhân sâu xa từ tư tưởng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân có thể là do họ nhìn thấy áp lực sinh ra từ việc bất bình đẳng giới.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động, gây ra nhiều hệ luỵ cho cá nhân, gia đình và sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi vi phạm quyền con người, khắc sâu thêm các định kiến giới, bất bình đẳng giới; tạo nên sự kỳ thị đối với trẻ em gái và ảnh hưởng tới tiến bộ, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Tuy vậy, bình đẳng giới nếu được triển khai hiệu quả sẽ giúp cho vai trò, địa vị của phụ nữ trong gia đình, xã hội được nâng cao; giảm thiểu mất cân bằng giới tính; giúp Việt Nam kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, hướng đến mức cân bằng tự nhiên.

Trang bị kiến thức về giới, bình đẳng giới cho trẻ

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được những thành tựu quan trọng.

leftcenterrightdel
Đông đảo nữ công nhân viên chức lao động Quận 6 nhận áo dài miễn phí tại Ngày hội chương trình “Tháng 3 yêu thương”. 

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup Nữ 2023. Phụ nữ Lực lượng Vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc.

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.

Do đó, để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ , trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế-xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ."

Đồng thời, cần xây dựng và ban hành hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, các cặp vợ chồng…

Đặc biệt, việc thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp ngay từ sớm nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của bình đẳng giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ quản lý, giáo viên từ mầm non đến giáo dục phổ thông.

Bộ đã biên soạn tài liệu "Hướng dẫn giáo dục giới trong các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non" nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; đồng thời giúp trẻ mầm non nhận thức phù hợp về giới, sự đa dạng giới; hình thành thái độ thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt giới…

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện xóa bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa; nghiên cứu, xây dựng nội dung về giới, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vào giảng dạy, triển khai vào hệ thống bài giảng chính thức.

Đồng thời, Bộ cũng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học các nội dung này và xây dựng nội dung về bình đẳng giới vào chương trình đào tạo sư phạm…

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho các trường trung học cơ sở tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong vùng Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hoạt động của câu lạc bộ nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới; xóa bỏ định kiến giới; từng bước thay đổi hành vi và thái độ ứng xử trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em và các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản học sinh trung học…

Câu lạc bộ cũng gia tăng các hoạt động để trẻ em gái dân tộc thiểu số trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, hiện nay, giáo dục giới tính trở thành một phần không thể thiếu của một nền giáo dục có chất lượng.

Trẻ em cần được trang bị kiến thức về giới tính và tình dục, giúp trẻ bước đầu hiểu về giới tính và biết cách tự bảo vệ.

Việc thiếu sự chuẩn bị không chỉ khiến trẻ dễ bị tổn thương trước hiện tượng bóc lột và các hậu quả tiêu cực khác, mà còn cho thấy sự thất bại của những người có trách nhiệm trong xã hội khi không hoàn thành được nghĩa vụ với thế hệ trẻ.

Nếu không đáp ứng lời kêu gọi của giới trẻ về một nền giáo dục giới tính toàn diện có chất lượng, chúng ta sẽ không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra đến năm 2030, cũng như thực hiện cam kết "không bỏ ai lại phía sau"./.

Theo TTXVN/Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số

Ngày 6/12, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số
Return to top