ClockThứ Bảy, 26/09/2020 11:02

Cây xanh Huế & những câu hỏi sau bão số 5

TTH - Dù Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã đưa ra lời giải thích, nhưng thật khó để người dân và du khách nhiều nơi đang quan tâm đến Huế an lòng, trước con số 15.000 cây xanh đã bị gãy và ngã đổ trong bão số 5. Một con số quá lớn, gần bằng 1/4 tổng số cây xanh toàn thành phố (khoảng 65.000 cây). Có thể nói, thiệt hại cây xanh là tổn thất nặng nhất của Huế trong cơn bão này.

Nghĩ về cây sau bão

Hàng cây bị gãy hết cành lá chỉ còn trơ trụi một đoạn thân cây ở đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Quang Thiều

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho rằng, bão số 5 đổ bộ trực tiếp vào TP. Huế với sức gió cấp 9, cấp 10 nên cây xanh chịu không nổi gió ngang, xoáy thốc lên, nên bật gốc, gãy đổ. Và phần lớn là cây bật gốc có tuổi đời lâu năm. Nhưng, vì sao cây mới trồng 5-6 năm ở đường Đống Đa, Điện Biên Phủ, hoặc chỉ 2-3 năm ở công viên đường Tố Hữu, vẫn bật gốc, ngã la liệt? Vì sao, cùng trong một khu vực, chịu chung một luồng gió bão (như khu vực đường 23 tháng 8 - Đoàn Thị Điểm -  Đinh Tiên Hoàng - Lâm Mộng Quang) mà cây phượng vàng (lim xẹt) thì gãy và đổ hàng loạt, trong khi cạnh đó là những hàng cây muối, nhãn, mù u thì vẫn không hề hấn gì? Vì sao các bảng hiệu (thứ dễ đổ vỡ trong gió bão) của các cửa hàng trên đường Lê Huân, Nguyễn Trãi vẫn không hư hại gì nhiều, mà cây xanh thì ngã đến bít kín cả đường phố?...

Đi một vòng quanh thành phố sau khi bão tan, đã thấy hàng loạt câu hỏi liên tục đặt ra. Cho thấy, cây xanh đường Huế đang “có vấn đề”.

35 năm trước, nhiều người Huế đã khóc khi chứng kiến thành phố đổ nát, cây xanh gãy đổ tan hoang, sau một đêm quần thảo của cơn bão số 8 (báo Cecil, đêm 15 rạng ngày 16 tháng 10/1985). Tâm bão quét qua TP. Huế, khiến 3.000 cây cổ thụ bị gãy đổ, cả thành phố tan hoang như vừa qua một trận bom. Nhưng đó là cơn bão được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 100 năm, với sức gió cấp 11- 12, càn quét trong suốt một đêm (làm chết đến 703 người trong cả khu vực miền Trung). Năm đó, năng lực chống chịu bão tố của chúng ta còn rất yếu, và cây xanh hoa lá không nhiều như bây giờ. Còn lần này, bão số 5 với sức gió cấp 8, cấp 9 chỉ quét qua thành phố chừng 30 phút, đến nhanh và đi rất nhanh.

Bão thì cây gãy đổ là điều bình thường, nhưng tình trạng gãy đổ của cây xanh đường phố Huế trong cơn bão số 5 không thể là bình thường. Vì vậy, cùng với việc nhanh chóng dọn dẹp đống gãy nát, trồng lại cây ngã đổ thì một việc cần phải làm là khảo sát kỹ lưỡng tình trạng hư hại của cây xanh trong gió bão. Đồng thời, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân, nhất là người dân sống lâu năm và hiểu biết về cây xanh ở Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đã nhận thấy thiệt hại về cây xanh có những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần phải rút ra bài học. Ông nói: "Phải lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến từ người dân, những người sống lâu năm ở Huế, để chọn được những loại cây chống chịu được với gió bão, những loại cây đặc trưng của xứ Huế".

Ý thức trách nhiệm và sự hiểu biết của người dân là nguồn lực lớn để bảo vệ và phát triển cây xanh cho Huế, nhưng lâu nay, dường như người dân rất ít được tham gia vào việc này. Từ việc quy hoạch cây xanh, cho đến việc trồng cây gì, trồng như thế nào, chi phí hết bao nhiêu; việc nghiệm thu, chăm sóc, bảo hành cây trong các dự án... tất cả đều là việc của Trung tâm Công viên cây xanh Huế và chính quyền thành phố. Người dân hầu như không biết nên cũng không thể tham gia bàn bạc. Lâu nay, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị là hoạt động công ích, không phải hạch toán lời lỗ như việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Có lẽ vì vậy nên ít ai chú ý đến kinh phí cũng như hiệu quả đầu tư, miễn nhìn thấy phố phường xanh mát là vui lòng rồi. Những bất cập vừa bộc lộ qua bão số 5 cho thấy, cây xanh Huế không chỉ cần sự chăm sóc kỹ thuật mà còn rất cần sự giám sát của người dân.

Huế là đô thị đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới công nhận là “Thành phố xanh quốc gia”. Huế cũng đã và đang phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, môi trường. Huế đang thu hút và chinh phục du khách bằng màu xanh cây lá mà hiếm hoi đô thị ở Việt Nam có được. Vì vậy, cây xanh đô thị Huế phải là mối quan tâm hàng đầu, của cả chính quyền và người dân.

MINH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.

Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách
Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai cắt tỉa cây xanh và gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 20/9.

Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão

TIN MỚI

Cung cấp Cây bàng đài loan Giá rẻ
Return to top