Đánh giá về hoạt động của kỳ Quốc hội vừa qua, trong trả lời báo chí, Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua có 2 hoạt động rất căn bản đó là hoạt động truyền thông, đặc biệt truyền thông của Quốc hội đã đến được cử tri và những ý kiến của cử tri cũng được phản ánh vào trong Nghị trường Quốc hội rất tốt, trong khi trước đây hoạt động này quan tâm đúng mức.
|
Thiếu tướng Lê Mã Lương (ảnh: Hoàng Long)
|
Thứ hai, chất lượng các kỳ chất vấn trực tiếp của các ĐBQH đã được nâng lên rất nhiều. Người chất vấn và người bị chất vấn trả lời tương đối thỏa đáng, đương nhiên so với yêu cầu còn có một khoảng cách. Đây là những mặt được, thể hiện sự dân chủ trong Quốc hội. Hy vọng rằng Quốc hội khóa tới sẽ tiếp tục phát huy những mặt mạnh của mình.
Để thu hút được những đại biểu có trí tuệ, thực sự đại diện cho dân, những người có tâm, có tầm, có tư duy độc lập, có tình yêu đối với Tổ quốc, có trách nhiệm với cử tri. Chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người tự ứng cử được thể hiện tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước.
PV: Theo thống kê của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, có tới cả trăm đại biểu tự ứng cử ĐBQH khóa XIV. Ông có nhận định thế nào về tính dân chủ được thể hiện trong cuộc bầu cử lần này?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Rõ ràng so về quân số thì trong kỳ bầu cử ĐBQH kỳ này so với kỳ trước tăng lên rất nhiều. Trước đây, không có nhiều đại biểu tự ứng cử như vậy. Việc này cho thấy không khí, sự mở rộng dân chủ của chúng ta đã ngày càng tốt hơn.
Vì vậy, ngày càng có nhiều người tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng để tự ứng cử. Tôi cũng rất hy vọng ngày càng có nhiều tự ứng cử trúng cử ĐBQH.
Chúng ta phải hiểu dân chủ một cách nhân văn
PV: Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng dân chủ là rất tốt nhưng mọi việc đều có tính hai mặt và ý nghĩa của 2 từ dân chủ cũng khá rộng. Vì vậy, nhiều người cho rằng có một số đại biểu tự ứng cử động cơ không trong sáng và mang tính cá nhân thưa ông?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Đúng vậy, đối với những người tự ứng cử cũng rất phong phú, đa dạng. Với hàng trăm người tự ứng cử thì họ có hàng trăm góc độ, khuôn mặt khác nhau cũng như việc có người lần đầu tiên tự tham gia ứng cử nhiều người có thể nói rằng họ không chắc chắn trúng cử nhưng cũng có người cũng hy vọng mình trúng cử để trở thành một ĐBQH. Đây là chuyện bình thường và điều này thể hiện sự dân chủ đã có bước phát triển và điều đó rất điều đáng mừng.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu dân chủ một cách nhân văn, có văn hóa chứ không thể hiểu dân chủ một cách thô thiển vì việc này liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người.
PV: Thưa ông, làm thế nào để lựa chọn được ĐBQH tự ứng cử chất lượng?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Để lựa chọn được những người có tâm, có tầm, có tài, thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, mang tiếng nói của cử tri vào trong Nghị trường Quốc hội không đơn giản.
ĐBQH phải thể hiện được tư duy độc lập của mình trước mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, thể hiện được cái tôi đầy bản lĩnh. Đây là những tiêu chí mà ngay cả tôi với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng như các thành viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri cả nước rất hy vọng ở các đại biểu khóa tới.
Tuy nhiên, để có những đại biểu đủ bản lĩnh như thế phải có thời gian mà chúng ta phải thực hiện từng bước thật chặt chẽ.
PV: Theo ông, chúng ta nên có những biện pháp như thế nào trong công tác chuẩn bị để những đại biểu tự ứng cử và những đại biểu được giới thiệu công bằng, bình đẳng?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Theo quan điểm của tôi để thu hút được những đại biểu thực sự đại diện cho dân, những người có tâm, có tầm, có năng lực, có tư duy độc lập, có tình yêu đối với Tổ quốc, có trách nhiệm trước cử tri vào trong Nghị trường Quốc hội thì chúng ta không được phép làm việc gì đó phương hại đến những người tự ứng cử, không làm ảnh hưởng đến xu thế dân chủ của đất nước, có như thế chúng ta mới thu hút được nhiều người tài giỏi hơn để cống hiến đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo VOV