ClockThứ Sáu, 09/09/2016 13:55

Chút thao thức với rừng thông Ngự Bình

TTH - Lại một lần nữa, rừng thông Ngự Bình cháy. Vụ cháy trưa 21/8 vừa rồi không biết đã là vụ thứ mấy. Rừng thông Ngự Bình vốn chỉ có “một nhúm”, năm này bà hỏa ngốn một ít, năm khác ngốn một tẹo. Nhìn rừng thông loang lổ, hao khuyết mà xót.

Cháy rừng thông cảnh quan trên núi Ngự Bình

Vụ cháy trưa 21/8/2016 tiếp tục “ngốn” một mảng đáng kể rừng thông Ngự Bình

Ngự Bình chỉ là một ngọn núi đất thấp nhỏ, nhưng là ngọn núi biểu tượng, ngọn núi tâm thức, ngọn núi nổi tiếng của Huế. Nó được chọn làm tiền án của Kinh thành, là một trong 20 thắng cảnh của xứ Thần kinh. Thời nhà Nguyễn, nghe nói các quan bất kể phẩm trật đều được nhà vua ân sủng cho trồng và chăm sóc 1 cây thông của mình ở ngọn núi này. Lâu dần thông vươn cao, khép tán và lan thành rừng. Cảnh quan rừng thông hẳn phải đẹp và quyến rũ lắm nên mới lọt vào mắt xanh đức vua, được vua ngự bút vịnh thơ và lưu đến tận bây giờ.

Cách đây gần hai chục năm, khi thu thập tư liệu cho một bài viết về non Ngự, chúng tôi từng được gặp và nghe một vài cụ bô lão là người địa phương kể chuyện, trong tiềm thức các cụ vẫn còn đó con đường rợp mát bóng thông, kéo từ núi Ngự Bình cho tới ngoẹo Giàng Xay (ngã ba Ngự Bình-An Dương Vương hiện nay). Theo các cụ, cuộc “tiêu thổ kháng chiến”, sự tàn phá của chiến tranh, và sự thiếu ý thức của con người đã “dọn” sạch sẽ rừng thông Ngự Bình. Thuở nhỏ, sống với nội nơi ngôi nhà nhỏ gần chân núi. Kề cận Ngự Bình ở mé đông là ngọn Tam Thai vẫn được người ta quen gọi là “núi trọc”. Thằng con nít là tôi tẩn mẩn hỏi người lớn sao gọi “núi trọc”, nghe xấu xí. Câu trả lời đơn giản là vì ngọn núi...trọc lóc. Tôi lại nhìn qua Ngự Bình, hồi ấy cũng không khác gì núi trọc, có chăng chỉ là sim, mua, tràm, chổi lúp xúp. Vậy thôi.

Rừng thông Vọng Cảnh lên nhanh và đẹp đến bất ngờ

Sau giải phóng 1975, chúng tôi bắt đầu làm quen với 2 từ “lao động” và cực kỳ hào hứng khi được theo chân thầy giáo chủ nhiệm lên núi Ngự Bình phát bụi, đào hố trồng thông. Lũ chúng tôi được người lớn nói về viễn cảnh không lâu nữa ngọn núi sẽ rười rượi mát, và ngày ngày nhạc thông sẽ vi vút reo vui... Vậy nhưng nói bao giờ cũng dễ. Không rõ kỹ thuật và chế độ chăm sóc thế nào mà thông trồng ở núi Ngự lên rất... sốt ruột. Cây thông cũng không được mượt mà vạm vỡ như thông ở nhiều cánh rừng khác mà ta vẫn thường gặp. Trông... đỏ mắt, mãi mấy chục năm sau ngọn núi mới tạm được phủ xanh. Dù không thỏa nguyện lắm, nhưng với nhiều người thế cũng đã là quá tốt.

Kể lể dài dòng thế để thấy rằng có được rừng thông Ngự Bình là cả sự nhọc nhằn. Vậy mà cái mảng rừng con con ấy cứ bị uy hiếp, bị xâm hại. Trước đây là nạn chặt trộm để chiếm đất bán cho người có nhu cầu chôn cất. Còn thường trực là cháy. Đã mấy lần cháy, và bao giờ nguyên nhân được xác quyết đầu tiên cũng là do người đi thăm mộ đốt hương, hóa vàng mã gây nên. Thế nhưng, sau mỗi vụ cháy như vậy hình như thủ phạm vẫn không tìm ra, không nghe ai bị xử lý, bị nêu danh rộng rãi trên báo chí để làm gương. Vậy nên, các vụ cháy vẫn đã, và sẽ còn tái diễn. Những ngày này, hướng mắt về ngọn núi biểu tượng, mảng rừng cháy hiện rõ mồn một như xát muối vào tim những người yêu Huế.

Có thể mảng rừng sẽ được tái sinh, song, tỷ lệ chắc chắn sẽ không cao. Và có tái sinh, thì với thể trạng vốn đã không lấy gì làm khỏe mạnh của mình, những cây thông may mắn tái sinh chắc cũng khó lòng phát triển. Đối với những vị trí cây chết, không cách nào khác là sẽ phải trồng dặm lại.

Nhân chuyện khắc phục diện tích rừng bị cháy, chợt nghĩ sao không thử thí điểm thay dần giống thông mới, phù hợp và nhanh phát triển hơn cho Ngự Bình. Ai từng lên Vọng Cảnh trước đây hẳn còn nhớ, ngọn đồi nổi tiếng này trước năm 2000 cũng cơ bản là đồi trọc. Đến năm 2001, Vọng Cảnh mới được triển khai trồng thông. Trung tâm Công viên cây xanh Huế là đơn vị được UBND thành phố Huế giao đảm nhiệm công việc không dễ này. Khi những cây thông đầu tiên được đặt xuống, nhiều người cũng không tin là ngọn đồi sẽ nhanh chóng phủ xanh. Vậy nhưng thật nhiệm mầu, chỉ sau chừng 5 năm, rừng thông Vọng Cảnh đã mơn mởn đâm chồi tỏa nhánh, xanh um. 6.000 cây thông được đặt xuống thì gần như sống cả 6.000 cây. Đến bây giờ thì cảnh quan của Vọng Cảnh phải nói là tuyệt vời. Hồi ấy, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế là ông Phan Đình Ngôn, do chơi với nhau khá thân nên trong một lần chuyện trò ông đã tiết lộ bí quyết trồng thông ở Vọng Cảnh. Bí quyết đó không có trong sách vở, không ở đâu cao xa mà ở trong dân. Ông Ngôn kể, để có được cây giống vừa to khỏe vừa... rẻ, ông đã cho anh em tìm mua cây ở các rẫy của người dân. Đó là những cây thông do hạt phát tán và mọc tự nhiên. Trong một lần tìm cây như thế, ông Ngôn vô tình được một lão nông truyền cho kinh nghiệm: Làm gì thì gì, dưới hố trồng thông nhất thiết phải được lót một ít mùn thông (lá thông hoi mục). Không có thứ đó thì thông khó sống mà có sống thì cũng rất chậm lớn. Chính nhờ áp dụng bí quyết đó mà Trung tâm Công viên cây xanh đã trồng thành công rừng thông Vọng Cảnh với kết quả vượt trên cả mong đợi.

Thành công từ đồi Vọng Cảnh, sao không thử áp dụng bí quyết và kỹ thuật chăm bón như thế để cải tạo rừng thông Ngự Bình? Tất nhiên, song song với việc làm trên là tăng cường bảo vệ, quản lý. Về lâu dài, nhất thiết phải có kế hoạch sớm di dời mồ mả ở khu vực chân núi để vừa chỉnh trang cảnh quan đô thị, vừa xóa đi mối đe dọa hỏa hoạn vẫn thường xuyên rình rập rừng thông núi Ngự mỗi độ hè về.

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
Return to top