ClockThứ Hai, 03/09/2018 08:11

Gọi chữ về cho đồng bào...

TTH - Giữa bạt ngàn rừng núi, tiếng đọc bài của các mẹ, các chị người Cơ tu ở Nam Đông vang lên nghe vui và thương đến lạ.

Biển làng nuôi con chữĐào tạo nghề cho lao động miền núi: Cần chương trình phù hợp với đặc thù và kỹ năngA Lưới phát huy vai trò của già làng, trưởng bản

Lớp học xóa mù của đồng bào Cơ tu ở Nam Đông

Ở tuổi 63, bà Trần Thị Tô ở thôn 3, xã Hương Hữu (Nam Đông) mới làm quen với con chữ. Ngày đầu đến lớp xóa mù, bà lóng ngóng đến nỗi thầy không tài nào cầm tay để rèn từng nét chữ. Nhận biết mặt chữ rất khó, ấy vậy mà bà vẫn không bỏ cuộc. Buổi sáng lên nương, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, bà lại bẻ que viết tên mình dưới đất. Luyện mãi quen tay, bà đã cầm được bút, viết tên mình, tên chồng và tên các cháu. Từ ngày biết chữ, cảm giác mặc cảm, thiếu tự tin mỗi khi xuống chợ không còn. Bà biết tính toán, biết “ghi nợ” mỗi khi bán chuối cho thương lái. “Hôm trước về dưới chợ, người ta phát tờ rơi về nuôi con theo phương pháp khoa học. Ngồi ở đâu tôi cũng lấy ra đọc, đọc mãi cũng hiểu nên hướng dẫn các cháu chăm sóc con đúng cách. Khi con ốm phải đến trạm xá, chứ không dùng lá, dùng các loại củ trên rừng vì rất nguy hiểm”. Bà cười, kể về thành tích “đánh vật” với con chữ sau khi hoàn thành xong mức xóa mù mức 2.

Học viên ở các lớp xóa mù đều là đồng bào dân tộc Cơ tu. Người trẻ nhất hơn 30 tuổi, lớn nhất trên 60 tuổi. Ban ngày, họ xuống chợ, lên nương, lên rẫy, tối đến trong các nhà văn hóa thôn bản lại vang vọng tiếng đánh vần, dẫu chưa tròn vành, rõ chữ. Họ tiếp thu bài chậm, lại là lao động chính trong nhà nên chuyện học cũng gian nan, vất vả. Trong lớp học xóa mù ở xã Thượng Long, tôi ấn tượng với hình ảnh mẹ con chị Hồ Thị Khách. Chồng đi làm ăn xa, đêm đêm, chị cùng với mẹ chồng đem theo con đến lớp. Cứ nhìn cái cảnh hai mẹ con trao đổi chuyện học, đổi tay nhau khi thằng bé ngủ, mới thấy con chữ cũng làm cho mẹ chồng nàng dâu xích lại gần hơn. “Nhà em ở cách lớp học 3km, bên kia rừng. Bố, mẹ, chồng cũng không biết chữ nên khi bố đồng ý cho ba mẹ con đi học thì ai cũng thích”. Chị Khách “khoe”.

Lớp học tổ chức vào ban đêm, đường đến lớp phải đi qua những khe suối nên học viên gặp không ít khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu tổ chức lớp học, thầy Tô Chính, giáo viên đứng lớp xóa mù mức 2 bùi ngùi kể: “Khi thấy bóng dáng giáo viên ở đầu bản, người dân đã cửa đóng, then cài, có người còn giả ốm không tiếp khách. Khó khăn là vậy, song, giáo viên vẫn quyết tâm gọi chữ về cho đồng bào, nhất là những người đang ở các thôn xa trung tâm. Chúng tôi đi hết lần này, sang lần khác khi nào tiếp cận được người dân mới thôi”. Thầy Chính nói tiếng Cơ tu rất giỏi, nhập cuộc với gia chủ khá nhanh, thầy kể hết chuyện này sang chuyện khác, cốt vận động các ông chồng để vợ đi học, mở mang kiến thức. Người ta tin thầy vì thầy nói hay, hợp lý, nhất là thầy biết tiếng của đồng bào, thế nên, nhiều gia đình có đến ba thế hệ từ bà nội đến cháu đều đến lớp.

Một tuần, các lớp học duy trì được 3 buổi học, buổi nào nhiều tầm 15 người, ít cũng có từ 5 đến 7 người đến lớp đã là mừng lắm rồi. Có người lớn tuổi bằng bố mẹ giáo viên nên việc tiếp thu của họ cũng khó khăn. Họ lại tự ái, nếu giáo viên không biết động viên, hiểu tâm lý và biết tiếng dân tộc sẽ rất khó khăn trong truyền thụ kiến thức. “Những người có hoàn cảnh khó khăn đều được chính quyền địa phương và trung tâm hỗ trợ sách vở, xe đạp, thậm chí cả kính mắt để họ nhìn rõ mặt chữ. Khó đến đâu gỡ đến đó nên mỗi năm trung tâm mở được từ 6 đến 10 lớp, mỗi lớp tầm 20 người xóa mù chữ ở mức 1 và mức 2”. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục, thường xuyên huyện Nam Đông tiết lộ.

Khác với suy nghĩ của tôi về chương trình xóa mù là phải ê a đánh vần từng con chữ. Trong một lớp học, đôi khi thầy giáo lại là “học trò” khi chính học viên là những người có kinh nghiệm trong sản xuất cũng như am hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nội dung học của lớp xóa mù chữ tương đương với chương trình học của bậc tiểu học. Thầy biết cách truyền cảm hứng khi bàn về những vấn đề sát với thực tế như nạn tảo hôn, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ… Hay, khi học làm phép toán nhân, thầy vận dụng cách cân mủ cao su, cân chuối, cân thơm… nên bà con học rất hào hứng.

Nhọc nhằn với con chữ nhưng đồng bào vẫn muốn học để viết và ký được tên mình, không còn phải lăn tay, điểm chỉ. Biết đọc và biết viết, họ chủ động công việc hơn, nhất là muốn chuyển đổi ngành nghề, tiếp cận thông tin nuôi trồng một cách khoa học, hiệu quả. Từ ngày có con chữ, nhiều chị biết kinh doanh mua bán nhỏ, biết trao đổi những sản phẩm hàng hoá do mình làm ra và thu mua, chi tiêu gia kinh tế gia đình hợp lý.

“Gieo chữ” đã khó, giúp bà con “giữ chữ” lại càng gian nan hơn. Các lớp xóa mù chữ được tổ chức trong 1 năm học (9 tháng). Người học chỉ có thể tiếp cận được một ít từ vựng cơ bản. Khi về lại thôn bản, lại không thường xuyên sử dụng nên “tái mù” là điều dễ hiểu. Chương trình xóa mù chữ vì thế cứ làm suốt năm này sang năm khác. Nhiều người đã “giữ” chữ bằng cách, mỗi khi ra chợ buôn bán, tranh thủ ngồi viết lại các chữ cái tối hôm trước học. Có chị hễ ra đường bắt gặp các bảng quảng cáo là đứng lại say sưa đọc. Hay như các chị ở xã Thượng Lộ, sắm mỗi người một điện thoại “cục gạch”, chỉ để nhắn tin cho nhau kẻo quên chữ. Thỉnh thoảng, họ lại góp tiền rủ nhau đi hát karaoke cũng chỉ để đọc chữ.

Chia tay lớp học xóa mù chữ ở rẻo cao khi đêm đã về khuya, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng học bài. Giọng họ cứ sang sảng đánh vần nghe vừa vui, vừa thương đến lạ. Thế mới biết, chuyện học của đồng bào dân tộc Cơ tu không bao giờ là muộn…

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

Từ khi biết làm nông nghiệp, chuyện nuôi lợn, bò, trồng lúa nước… không còn là chuyện lạ đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một tầm cao mới mà người đồng bào thiểu số nơi đây đã làm được là “chuyện lạ có thật”.

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn
Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án (DA), chính sách dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới đã mạnh dạn phát triển kinh tế, từ đó từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sau gần 2 năm triển khai Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 đã và đang hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, xóa nhà tạm giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 11/12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 11/12, UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) huyện A Lưới lần thứ nhất.

Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số
Return to top