ClockThứ Ba, 06/07/2021 10:39

Ý thức và trách nhiệm phòng, chống dịch

TTH - Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cũng có những người thiếu ý thức, vi phạm về phòng, chống dịch, làm cho diễn biến phức tạp hơn.

Triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19Không để dịch bệnh lây lan qua đường giao thương

Khi dịch COVID-19 đang diễn biến bất thường thì lại có những người thiếu ý thức bằng phản ứng bất hợp tác, không chấp hành khuyến cáo, gian dối khai báo y tế, trốn tránh cách ly, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng...

Cá biệt có những hoạt động tôn giáo, tập hợp đông tín đồ đã tạo ra những ổ dịch lây lan cho nhiều người, gây khó khăn trong truy vết, kiểm soát nguồn dịch. Tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá khẩu trang, hàng hóa thiết yếu, đầu cơ trục lợi nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Một số cơ sở y tế lợi dụng tình trạng khẩn cấp dịch tễ để nâng khống thiết bị, vật tư y tế, rao bán thuốc điều trị trái phép.

Trên mạng xã hội, một số người vì mục đích kinh doanh đã câu “like” bằng cách tung tin bịa đặt, lan truyền hình ảnh giả mạo, thiếu kiểm chứng, sai sự thật gây hoang mang dư luận. Nhiều người vì tiền đã tiếp tay, tạo điều kiện cho người từ nước ngoài xâm nhập qua biên giới, đem theo nguồn lây lan khó kiểm soát. Những biểu hiện đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của Nhà nước, gây bất ổn trong xã hội.

Để đối phó dịch COVID-19,  Nhà nước ta đã tiến hành nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã bắt tay vào cuộc với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”, “không ai bị bỏ lại phía sau”, “bảo vệ sức khỏe của người dân”... được đặt lên hàng đầu.

Những bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung được thành lập, huy động tối đa nguồn lực của ngành y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia chống dịch. Những cán bộ không kể ngày đêm căng mình điều trị cho người bệnh, những cán bộ dịch tễ xét nghiệm nhanh nhất, phòng thí nghiệm rút ngắn thời gian để sớm tạo nguồn vắc xin “Made in Viet nam”...

Những doanh nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ, đóng góp bằng máy thở, giường bệnh, phòng cách ly âm, cây ATM gạo và hàng ngàn tỷ đồng chung tay cùng Nhà nước chống dịch. Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, nhân dân cảm phục, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đáp lại là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân bằng những hành động thiết thực, góp phần khống chế dịch bệnh, không bị tràn lan như nhiều nước trên thế giới.

Tình hình dịch bệnh trong đợt bùng phát lần thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp, mức độ lây lan khó lường, đòi hỏi phải có những giải pháp và thích ứng mới. Quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay là ý thức trách nhiệm của mỗi người với an toàn sức khỏe cho bản thân và xã hội.

Khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế vừa là biện pháp phòng tránh, vừa là hạn chế lan truyền dịch không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới phải học tập. Nhìn sang một số nước, từ kỳ thị ban đầu với đeo khẩu trang, thậm chí còn biểu tình chống lại, nhưng đến nay khẩu trang đang trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân mỗi khi ra đường.

Ở Ấn Độ sau lễ hội tắm sông Hằng đã gia tăng khủng khiếp về số ca lây nhiễm, số người chết chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là bài học đắt giá về tập trung đông người, thiếu kiểm soát, không thực hiện phòng dịch. Những biện pháp cách ly, giãn cách theo cách của Chính phủ, chính quyền các địa phương thực sự có hiệu quả trong phòng chống lây lan cần được thực hiện nghiêm túc khi phát sinh nguồn dịch; phát huy hơn nữa ý thức tự bảo vệ bản thân, cộng đồng, lan tỏa ý thức và trách nhiệm phòng tránh đến từng khu phố, thôn, xóm.

Đến thời điểm hiện nay, trên thế giới đã có khoảng gần 200 triệu người nhiễm bệnh, gần 4 triệu người tử vong.

Ở Việt Nam, chỉ chưa đầy 2 tháng bùng phát đợt dịch thứ 4 đã có thêm hơn 13.000 người mắc bệnh. Đã có không ít trường hợp người nhiễm bệnh không tự giác cách ly làm lây nhiễm trong gia đình, thôn xóm, phải phong tỏa cả 1 thôn, xã, thậm chí cả huyện, tỉnh.

Thiệt hại không chỉ sức khỏe một vài người mà còn phải huy động cả hệ thống vào cuộc, từ cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, lo ăn uống, sinh hoạt cho cộng đồng. Tốn kém từ phát sinh những ổ dịch là vô cùng lớn. Loại “giặc vô hình” này nguy hiểm không kém “giặc ngoại xâm”, chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác sẽ gây hậu quả khó lường. Chủ quan phòng dịch, không thực hiện các biện khuyến cáo, quy định là tự làm hại cho mình, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của gia đình và xã hội. Đảng, Chính phủ chủ trương và phát động Quỹ vắc-xin COVID-19 để tiêm miễn phí cho toàn dân, nên rất cần mỗi người dân, những nhà hảo tâm, tự giác chung tay phòng chống dịch bệnh. Đó cũng là một cách tốt nhất để sớm đưa cuộc sống và sinh hoạt trở lại bình thường cho toàn xã hội.

Dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới đang còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa thể khống chế một sớm, một chiều. Cần thiết nhất lúc này là ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui chơi có trách nhiệm với rừng

Những ngày nghỉ lễ trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì những đồi núi, rừng, suối thác ven rừng sẽ là nơi lý tưởng đối với du khách, người dân tìm đến vừa tham quan, giải trí vừa nghỉ mát.

Vui chơi có trách nhiệm với rừng
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Return to top