ClockThứ Sáu, 03/05/2019 06:00

Bàn Môn đón khách về viếng Đại tướng

TTH - Những ngày qua, các con đường, ngõ xóm ở thôn Nam (Bàn Môn), xã Lộc An (Phú Lộc) - quê nhà của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh được chỉnh trang ngăn nắp. Người dân Bàn Môn không giấu được sự ngậm ngùi, tiếc thương về người con ưu tú của quê hương đã ra đi.

Để chuẩn bị lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh, ở quê nhà Bàn Môn, các con đường đã được sửa chữa, những đoạn đường gồ ghề nay đã phẳng lì với màu bê tông mới. Hai bên đường, cây cối được phát quang, nhà nhà làm vệ sinh môi trường, ai cũng đã sẵn sàng đón khách về thắp nén hương tiễn đưa người con ưu tú của quê hương Phú Lộc.

Nhà lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh không kịp hoàn thành trước ngày Quốc tang, nên nơi tổ chức tang lễ được hình thành tại nhà thờ tổ tiên. Ngôi nhà thờ nhỏ, đơn sơ, như tính cách bình dị của Đại tướng. Ông Lê Trung Thành, người cháu trông coi nhà lưu niệm Đại tướng chia sẻ, công tác chuẩn bị cho tang lễ đã được chính quyền địa phương và gia đình chuẩn bị hoàn tất. Có thể không gian tổ chức không được long trọng như tại nhà lưu niệm, nhưng sẽ ấm cúng, bình dị.

Vừa chăm chút bàn thờ, chỉnh trang các lễ vật trước ngày diễn ra lễ viếng, anh Lê Trung Thành chia sẻ: “Tháng 6/2018, gia đình có dịp ra Hà Nội thăm chú Anh. Tôi đã cầm tay chú rất lâu, dù sức rất yếu, nhưng nhìn ánh mắt của chú, tôi cảm nhận được chú biết, người thân từ quê nhà ra thăm. Khi tôi nói chú nhớ giữ gìn sức khỏe để cuối năm vào thăm quê, chú khẽ cười có vẻ đồng ý, nhưng sức khỏe chú khi đó đã rất yếu”.

Anh Thành kể, mỗi lần vào thăm quê, Đại tướng chỉ thích ăn những món ăn của quê hương, như là món rau muống ăn kèm với các loại cá bắt được trên sông Truồi và không quên uống nước chè Truồi sau mỗi bữa ăn. Chính tính cách bình dị, đơn giản, gần gũi ấy càng khiến người dân thêm phần thương tiếc. Những ngày vừa qua, hôm nào gia đình cũng đón không ít người dân đến thắp hương.

Người dân làng Bàn Môn còn nhớ như in lần cuối cùng Đại tướng Lê Đức Anh về thăm quê cha đất tổ là vào năm 2014. Cũng như các lần trước, mỗi lần về, Đại tướng lại ra bến nước làng Bàn Môn để ngồi ngắm con sông Truồi. Bà Hoàng Thị Sen, một người dân sống bên cạnh bến nước tâm sự: “Đại tướng gần gũi lắm, mỗi lần về quê là ông lại ra bến nước và nói chuyện thật lâu với người dân”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt, người cùng thời với Đại tướng duy nhất ở Lộc An không thể quên những ấn tượng đối với Đại tướng. Trong ký ức của mẹ Nguyệt, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng luôn đến từng nhà thăm bà con lối xóm và thắp nén hương cho những người đã khuất. Đại tướng là người gần gũi, hòa đồng, không có chút khoảng cách gì là giữa lãnh đạo Nhà nước và người dân.

Ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, không phải địa phương nào cũng có những người con kiệt xuất, trở thành nguyên thủ Quốc gia như Đại tướng Lê Đức Anh. Dù cuộc đời không sống trọn vẹn ở quê nhà Bàn Môn, nhưng Đại tướng luôn là tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:
Một sự lựa chọn của lịch sử

Cách đây 40 năm, vào tháng 2/1984, Hội Khoa học Hoàng gia Vương quốc Anh tổ chức xét phong, bình chọn ra 10 vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, trong đó Việt Nam tự hào có 2 vị được đưa vào danh sách này - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một sự lựa chọn của lịch sử
Lê Đức Anh, người con quê hương trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Miền Nam được giải phóng, Sài Gòn giữ được gần như nguyên vẹn, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta toàn thắng. Trong đó, có công lao, những đóng góp và tên tuổi của Đại tướng Lê Đức Anh - người con của vùng đất Cố đô Huế, người đã cùng viết nên chiến thắng vẻ vang của lịch sử dân tộc.

Lê Đức Anh, người con quê hương trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa

Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, điện Kiến Trung sẽ chính thức mở cửa đón khách. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế kỳ vọng, cung điện này sẽ là điểm đến thú vị và hấp dẫn du khách khi tham quan khu di sản Hoàng cung Huế.

Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa
Return to top