ClockThứ Tư, 02/10/2019 08:44

Nỗi đau còn đó - Kỳ 2: Không là chuyện của riêng ai

TTH - Bạo lực gia đình (BLGĐ) có chiều hướng giảm các vụ việc nghiêm trọng, nhưng vẫn đang âm ỉ trong nhiều gia đình, cần sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành để ngăn chặn những hệ lụy.

Nỗi đau còn đó - kỳ 1: Chệch hướngGiảm bạo lực gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ A Lưới phát triển kinh tế

Nhiều nguyên nhân 

Nhìn thẳng vào nguyên nhân của BLGĐ, hầu hết những nạn nhân của BLGĐ cho rằng, xã hội còn tồn tại nhiều định kiến giới, chưa nhận thức đúng về bình đẳng giới. Vì vậy, nhiều người chồng tự cho mình những “đặc quyền” đối với vợ, kể cả "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".

Theo Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, tồn tại của tình trạng BLGĐ sự phản kháng của chính người bị bạo hành, sự vào cuộc của xã hội, các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội thiếu quyết liệt, còn nặng tư tưởng “đèn nhà ai nấy rạng”. Điều này dẫn đến việc không kịp thời tố giác các hành vi vi phạm, không can thiệp để bảo vệ quyền, lợi ích của người bị bạo hành.

Nhìn nhận những vụ án đau lòng mà bị nạn và bị hại đều là người trong một gia đình thời gian qua, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm Huế cho biết: "Do nghiện ma túy, nghiện các game bạo lực hay ghen tuông, nên một số cá nhân không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hành động mất cả tính người".

Nạn nhân hãy lên tiếng

Năm 2018, toàn tỉnh có 371 vụ BLGĐ, trong đó nạn nhân nữ là 261 người. Để ngày càng giảm thiểu thấp nhất nạn BLGĐ rất cần sự chung tay giải quyết và nhận thức được rằng đây là vấn đề xã hội cần quan tâm.

Riêng đối với nạn nhân bị BLGĐ, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết. Chị em cũng cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết, biết tự chăm sóc bản thân, nuôi dạy con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, bưng bít mà cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để can thiệp kịp thời.

Từ một nạn nhân của BLGĐ, chị Nguyễn Thị Cam ở thôn Lê Bình, xã Phú Xuân (Phú Vang) trở thành Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu. Chị Cam chia sẻ, không thể chịu mãi cảnh đòn roi như cơm bữa và cũng không nỡ ly hôn vì thương các con, chị chủ động tìm đến hội phụ nữ học hỏi kinh nghiệm. Qua các lớp tập huấn, chị biết được cách ứng xử khi vợ chồng xung đột theo phương châm “chồng giận thì vợ bớt lời”, cách kiềm chế bản thân để tránh tình trạng “giận quá mất khôn”… “Tôi rèn bản thân trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động mọi lúc mọi nơi”, chị Cam cho biết. Và thực sự chị Cam đã khiến chồng thay đổi. Cuộc sống gia đình chị đã êm ấm, hạnh phúc.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Một trong những giải pháp được Sở Văn hóa và Thể thao áp dụng khá hiệu quả trong phòng, chống BLGĐ là thành lập mô hình Phòng, chống BLGĐ tại các thôn, tổ trên địa bàn dân cư. Mô hình này có những hoạt động chính: sinh hoạt CLB gia đình phát triển bền vững, cung cấp đường dây nóng, xây dựng nhóm phòng chống BLGĐ. Sau khi xây dựng thành công tại một số xã ở A Lưới, đến nay, toàn tỉnh có 113 mô hình Phòng, chống BLGĐ, 149 CLB Gia đình phát triển bền vững, 184 đường dây nóng, 247 cơ sở tư vấn và 467 địa chỉ tin cậy cho nạn nhân bị BLGĐ.

Ông Đoàn Văn Sân, Chủ nhiệm mô hình Phòng, chống BLGĐ thôn Bao Vinh, xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) cho biết: “Từ khi thành lập mô hình đến nay, người dân trong thôn đã hiểu BLGĐ không chỉ đem lại nỗi đau cho người trong cuộc, mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật, từ đó mọi người cởi mở hơn, chịu nói ra tâm sự của mình và khi có BLGĐ xảy ra, họ báo với CLB để có sự can thiệp kịp thời”.

 Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ là do đói nghèo, người phụ nữ không có việc làm, phụ thuộc kinh tế vào chồng... Vì vậy, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ luôn được hội quan tâm. Hiện tại, qua dự án AC (Thụy Điển), Hội LHPN tỉnh đang tích cực trang bị những kỹ năng về tự bảo vệ bản thân cho phụ nữ và trẻ em gái tại các xã của huyện A Lưới.

Theo góc nhìn của nhà tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Trước hết, người làm cha, làm mẹ phải nêu gương. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông, nhất là trong công tác tuyên truyền về gia đình hạnh phúc; phê phán và đề nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các vụ BLGĐ nhằm răn đe".

Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh lưu ý thêm: "Trang bị kỹ năng phòng ngừa bạo lực, nhất là tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng sắp cưới nhằm giúp họ hiểu về hôn nhân và giải quyết những mâu thuẫn phát sinh”.

 "Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ đổi mới công tác tuyên truyền, không chỉ dựa vào các CLB, các buổi sinh hoạt truyền thống như hiện nay mà phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động trong trường học để qua học sinh, giáo viên đưa công tác phòng, chống BLGĐ đến từng hộ dân. Ngoài ra, có thể xây dựng các video clip về phòng, chống BLGĐ phát trên hệ thống các màn hình led quảng cáo nơi công cộng… để người dân dễ tiếp cận", Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thiên Bình cho biết.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều ước cuối cùng

Cụ Túc dừng tay sàng hạt, kéo vạt áo chặm mồ hôi đang rịn trên trán. Bên đống đất, con Còi lăn lộn rồi thình lình bật dậy, lồng qua vạt rau đuổi theo đàn gà đang mổ thóc trong cái nong phơi. Gà chạy tán loạn qua vườn bên kia, con Còi đứng rũ đất cát bám trên người, nằm phịch xuống vẻ thấm mệt. “Đi vào! Coi mình mẩy kìa, đất không là đất!”. Bị mắng, con Còi cụp đuôi ngó lơ rồi lững thững vào nằm dải thẻ ra hiên. Cụ Túc đấm thùm thụp vào cái lưng đau rồi cúi xuống sàng nốt mớ hạt muồng. Ba tháng nay chẳng đêm nào cụ chợp mắt, cái chân đến đêm lại hành cụ phải lọ mọ trở dậy xoa dầu nóng, rót ly nước muồng uống cho dễ ngủ.

Điều ước cuối cùng
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Return to top