ClockThứ Năm, 03/10/2019 13:00

Tự phòng, sẵn sàng ứng phó

TTH - Là địa bàn có nguy cơ xảy ra sạt lở và chia cắt bởi thiên tai, ngay từ đầu năm 2019, UBND xã Hồng Vân (A Lưới) đã chủ động lên kế hoạch phòng chống lụt bão; đảm bảo sẵn sàng về con người và phương tiện.

Chủ động “3 trước, 4 tại chỗ”

Cán bộ UBND xã Hồng Vân kiểm tra các phương tiện cứu hộ trước mùa mưa bão

Mùa mưa bão năm 2017, mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng bão khiến nhiều thôn tại xã Hồng Vân ngập nặng, giao thông bị chia cắt với đường Hồ Chí Minh.

Tại thôn Kê, 2 hộ gia đình anh Trần Hồng Phẫu và Trần Hồng Phối bị ngập nước và sạt lở bất ngờ trong đêm do nằm bên cạnh bờ suối Vên. Trước tình hình nguy cấp, UBND xã Hồng Vân nhanh chóng chỉ đạo lực lượng phòng chống lụt bão tại chỗ kết hợp dân quân tự vệ nhanh chóng lao vào điểm nóng giúp đỡ gia đình tìm chỗ trú ẩn an toàn và bảo vệ tài sản.

Anh Phối nhớ lại, lúc đó suối Vên nước chảy xiết do dòng chảy từ thượng nguồn đổ về khiến đất đá hai bên bờ sạt lở. Gia đình anh trước nay thường chủ quan nên rất bối rối trước tình huống lúc đó. Nhờ lực lượng cứu hộ giúp đỡ, các thành viên trong gia đình mới đảm bảo được an toàn, đàn dê gần 20 con may mắn kịp di tản được hơn một nửa.

“Nếu không có cán bộ và người dân trong thôn giúp đỡ, có lẽ gia đình tôi đã mất trắng tài sản. Từ sau vụ việc đó, mấy năm nay tôi đều chủ động gia cố nhà cửa, chuồng trại trước mùa mưa bão để chủ động hơn”, anh Phối chia sẻ.

Ông Hồ Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, với đặc thù địa hình đồi núi nhiều khe và suối; một số khu vực trên địa bàn xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở cao như: thôn Talo, khu vực các hộ dân từ thôn Ka Cú 1 đến thôn Ka Cú 2… Những năm qua, công tác phòng chống thiên tai, bão lụt và tìm kiếm cứu nạn luôn được đơn vị chủ động triển khai với tinh thần cảnh giác cao độ, không được chủ quan trước mọi tình huống khi thời tiết chuyển biến xấu.

Ngay từ đầu năm 2019, UBND xã Hồng Vân đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm từ những năm trước để xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể đến từng thôn, bản và cụm dân cư trên địa bàn.

Theo đó, xã đã củng cố, kiện toàn nhân sự và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phụ trách từng địa bàn cụ thể. Đồng thời, lập kế hoạch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các thôn bản tự xây dựng phương án sơ tán, di dời dân đến các nơi gần nhất và an toàn tùy vào tình hình thực tế.

Xã đã trang bị đầy đủ các dụng cụ như: 100 bao đựng cát, gần 10 phao cứu hộ các loại… và các nhu yếu phẩm cần thiết; một số đã được chuyển về từng thôn, bản để chủ động sử dụng khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Hồ Văn Moong, hộ dân sống tại thôn Talo chia sẻ, thôn đã quy định các điểm trú ẩn để mọi người chủ động di tản khi xảy ra thiên tai. Hiện, ông đã chủ động tích trữ một số lương thực như: gạo, mì tôm… chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp đến.

Theo ông Hồ Văn Canh, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng chống, bảo vệ con người và tài sản của các hộ dân. Ngay trước mùa mưa bão, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp khảo sát tại nhiều điểm xung yếu để tuyên truyền, vận động người dân gia cố, chèn chắn nhà cửa và chuồng trại.

Một số hộ khó khăn có nhà chưa kiên cố còn được linh động tạo điều kiện tiếp cận các nguồn hỗ trợ tu bổ, sữa chữa nhà. Năm 2017, bốn gia đình trên địa bàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ kinh phí lợp lại mái và kiên cố hóa nhà ở.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Điền bổ sung vốn đầu tư công trung hạn hơn 72 tỷ đồng

Chiều 20/5, HĐND huyện Quảng Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, HĐND huyện khóa XI nhằm thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương và về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước huyện năm 2024; đồng thời, thực hiện một số quy trình về nhân sự.

Quảng Điền bổ sung vốn đầu tư công trung hạn hơn 72 tỷ đồng
Tái hiện lễ hội tạ ơn núi rừng của đồng bào Cơ Tu

Lễ hội Tậc Ka Coong là lễ hội được đồng bào Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản, đã ban tặng cho con cháu làng bản của họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an.

Tái hiện lễ hội tạ ơn núi rừng của đồng bào Cơ Tu
Lan tỏa nét đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc

“Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2024 với sự tham gia của đông đảo quan khách, người dân đã chính thức khai mạc tối 15/5 tại không gian Quảng trường Trung tâm huyện A Lưới.

Lan tỏa nét đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc
Return to top