ClockThứ Sáu, 22/05/2015 17:50

Bi kịch chốn pháp đình

TTH - Đã “dính” đến chốn pháp đình, “nhân vật” của các vụ án hình sự, dân sự, hay hôn nhân & gia đình tất không tránh được đau đớn, buồn, lo… Và rất nhiều bi kịch không còn là riêng của gia đình mà ảnh hưởng xấu đến xã hội.

1. Trước hội đồng xét xử, chỉ có hai đương sự. Vợ: nguyên đơn, chồng: bị đơn. Họ đến chốn pháp đình để kết thúc cuộc chung sống 11 năm. Phiên tòa diễn ra rất ngắn gọn, bởi các đương sự đồng thuận ly hôn, thỏa thuận hai con chung, mỗi người trực tiếp nuôi dưỡng một đứa. Phần tài sản, các đương sự tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa giải quyết.

Nhưng đằng sau sự “ngắn gọn” đó là câu chuyện dài, bắt đầu từ một sai lầm (có thể nói là vi phạm pháp luật) cách đây 11 năm, khi cặp đôi này chung sống lúc cô vợ mới 14 tuổi. Phải đợi đến lúc cô này đủ tuổi, cặp đôi mới dắt nhau ra chính quyền địa phương sở tại thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Muốn đảm bảo cuộc sống cho vợ và hai con, người chồng chăm chỉ theo những chuyến hàng xa. Không biết có phải nguyên nhân chồng luôn xa nhà hay vì lý do nào khác, vợ có quan hệ với người đàn ông khác.

“Khi tôi không đi làm ăn xa nữa mới phát hiện ra điều này. Tôi nhiều lần khuyên can, thậm chí năn nỉ cô ta nghĩ lại, nhưng cô ta vẫn nhất quyết ly hôn” - người chồng tâm sự. Gia đình ly tán buồn một nhẽ, bị người mình từng yêu thương giở “thủ đoạn” để “trấn lột” tiền bạc khiến nỗi buồn bị “đẩy” lên thành bi kịch. Chuyện là, sau khi người vợ bỏ tiền ra thuê luật sư, vị luật sư này đã “cảnh báo” cho người chồng biết, nếu không “bồi thường” cho vợ mấy trăm triệu đồng, sẽ bị xử lý về hình sự bởi tội “giao cấu với trẻ em (tức có quan hệ với cô vợ lúc cô ta 14 tuổi, cách đây 11 năm). Người chồng cũng có thể thuê luật sư, có thể tìm hiểu về thời hiệu khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh trên? Nhưng anh lại chọn cách trả tiền “bồi thường” cho vợ để mua lấy sự yên thân. Bởi vậy, trong lúc vợ nói cười hơn hớn, người chồng buồn bã, đầy tâm trạng. Nhưng dù sao anh cũng đã lựa chọn, tránh xới lên những bi kịch, dẫn đến hệ lụy, đau đớn lâu dài mà hai đứa con thơ phải gánh chịu.

2. Tại trụ sở TAND TP Huế, chúng tôi gặp một phụ nữ bộ dạng hớt hải, đang tìm phòng vị thẩm phán thụ lý vụ án “cố ý gây thương tích” mà chị chính là bị can. Chị tâm sự, mình vướng lao lý bắt đầu từ vụ đi… ghen giùm cho cô em gái ruột. Số là vợ chồng cô em đang sống yên lành thì bỗng dưng em rể của chị trở chứng, có quan hệ với người phụ nữ khác. Lúc đầu anh ta còn lén lút, sau công khai mối quan hệ bất chính khiến em chị vì đau buồn mà đổ bệnh. Thương em quá, một lần chị theo đến tận nhà nhân tình của em rể, hỏi cho ra lẽ, em chị có làm sai điều gì không mà lại bị đối xử như vậy. Lúc này, em rể chị và người đàn bà kia thẳng thừng tuyên bố: “chúng tôi yêu nhau”.

Trong cơn nóng giận, chị lời qua tiếng lại to tiếng. Lúc này, con gái người phụ nữ kia (18 tuổi, đang mang thai) từ cầu thang đi xuống, buông lời hỗn hào thách thức. Nóng quá, chị cầm mũ bảo hiểm “quơ” trúng cô kia, khiến nạn nhân ngã. Dù thương tích chỉ 2%, nhưng “không may” cho chị, cô kia đang có thai nên chị phải chịu trách nhiệm hình sự. Chị cho rằng, điều “đau xót” hơn nữa, chính người em rể hiểu luật nên mới tư vấn cho “bên kia” kiện, đẩy chị ra vành móng ngựa.

Sau khi vợ chồng em gái chị ly hôn, em rể chị lập tức cưới người phụ nữ kia. “Vậy em gái chị thì sao?” - vị thẩm phán hỏi. “Em gái tôi cũng đã lấy chồng lại. Thấy vẻ ngạc nhiên trong ánh mắt vị thẩm phán, bởi vụ “đánh ghen” giùm xảy ra cách đây chưa bao lâu, việc ly hôn còn chưa “ráo mực”, người phụ nữ phân bua: “Thấy cặp kia “quá đáng”, vừa lúc có người ngỏ ý thương, muốn cùng xây dựng cuộc sống, em tôi gật đầu luôn. May mà nó gặp người tốt, nên bây giờ cuộc sống hạnh phúc. Chỉ có tôi là phải lao đao lận đận thế này, chờ ngày ra trước vành móng ngựa”.

Vị thẩm phán cho biết, chính chị là người trước đây giải quyết vụ ly hôn giữa vợ chồng “tình địch” của em gái bị can này. Lúc đó, chị kia cũng tâm sự, chồng không quan tâm, nhưng chị đã có người thương khác. Chị ly hôn để đến được với anh này. Không ngờ “anh kia” lại đang có vợ và sự việc lại trớ trêu, bi kịch đến vậy. Hành vi của em rể cũ của bị can vi phạm đạo đức xã hội. Nhưng không thể lấy lý do đó để vi phạm pháp luật…

Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phiên tòa giả định: Án giả nhưng hiệu quả thật

Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, trình độ dân cư vùng miền, những “Phiên tòa giả định” (PTGĐ) do các cơ quan tố tụng tổ chức được xem là một trong những mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên.

Phiên tòa giả định Án giả nhưng hiệu quả thật
Tổ chức đấu giá 2 khách sạn 4 sao để thi hành án

Ngày 13/5, thông tin từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Chấp hành viên của đơn vị đang hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá khách sạn Romance gồm quyền sử dụng đất, công trình xây dựng trên đất toạ lạc trên đường Nguyễn Thái Học - một vị trí “đắc địa” ở phường Phú Hội, TP. Huế.

Tổ chức đấu giá 2 khách sạn 4 sao để thi hành án
Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Thầy giáo mê đỏ đen & cái kết buồn

Với mong muốn có thể đổi đời bằng trúng xổ số lớn, từ một thầy giáo chân chất, Lê Phương Nam (SN 1982, trú xã Vinh Hưng, Phú Lộc) nguyên là giáo viên một trường tiểu học đã lao vào chơi số như con thiêu thân. Khi thiếu tiền túng quẫn, Nam đã lừa đảo xin việc của 9 người với số tiền gần 2,3 tỷ đồng để nướng vào trò may rủi.

Thầy giáo mê đỏ đen  cái kết buồn
Return to top