ClockThứ Ba, 28/07/2015 14:45

Phái yếu làm... thợ sắt

TTH - Nam giới làm việc tại các công trường xây dựng đã cực nhọc, nhưng với phụ nữ còn vất vả hơn. Tuy nhiên, hằng ngày không ít phụ nữ vẫn đang làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ, thợ sắt … để mưu sinh, kiếm tiền lo cho gia đình.

Chị Túy gắn bó với "nghề của đàn ông" đã gần chục năm nay

 

Trên các công trình xây dựng, không khó để bắt gặp hình ảnh chị em tất bật bê xi măng, đẩy xe rùa chuyển hồ. Nhưng với công việc của thợ sắt thì không mấy ai làm được như chị Túy, chị Lan bởi đây là công việc đòi hỏi phải có một đôi tay thật khỏe, dẻo dai và hơn hết là sức chịu đựng.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Túy (51 tuổi, ở Hương Xuân, Hương Trà, đang làm công trình ở đường Bến Nghé) cho biết, phụ nữ đi phụ hồ đã cực làm thợ sắt còn cực hơn, bởi đây là việc của đàn ông. Nhà chị Túy có sáu người, hai vợ chồng và bốn đứa con. Cuộc sống ở quê trông cả vào mấy sào ruộng, không lãi là bao, trong khi mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Chồng chị trước đây làm thợ xây nhưng chẳng may gặp tai nạn lao động nên giờ không làm việc nặng được. Gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai chị, không còn cách nào khác chị cùng mấy phụ nữ nghèo trong làng lên thành phố kiếm việc làm. Đa số họ xin phụ rửa chén ở các quán ăn, phụ hồ… riêng chị Túy lại chọn cho mình công việc nặng nhọc hơn là làm thợ sắt.
Chị Túy kể: “Lúc mới đến công trường xin việc, thấy tui nhỏ con nên chủ thầu không nhận, năn nỉ mãi mới cho làm thử một ngày. Vốn người nhà nông, quen làm việc nặng nên đụng việc gì tui cũng làm, thậm chí làm hơn đàn ông. Từ đó, làm công trình nào chủ thầu cũng kêu tui đi theo, không có công trình thì giới thiệu cho các chủ thầu khác. Khi hỏi vì sao lại chọn nghề này, chị cười: “Nghề chọn mình chứ mình đâu chọn nghề. Ban đầu chỉ là phụ thợ sắt, vừa phụ vừa học, chỉ mấy tháng sau là tui làm “thợ chính” luôn. Rứa mà cũng ngót nghét gần mười năm bám công trường rồi đó. Nghề này cực lắm, làm một chặp tê tay. Buổi ngày đi làm, tối về chỉ biết ăn vội miếng cơm rồi ngủ để mai còn có sức mà làm tiếp. Tui làm thợ sắt vì tiền công cao hơn phụ hồ. Làm việc chân tay thì tất nhiên phải vất vả rồi, nhưng có thêm thu nhập tui cũng ráng. Tháng họ nghỉ bốn, năm ngày chứ tui nghỉ có một ngày thôi, nghỉ nhiều lấy đâu tiền cho con đi học”.
Tại một công trình sửa nhà trên đường Trần Quang Khải, tôi gặp chị Lan (40 tuổi, Hương Thủy), chia sẻ về nghề thợ sắt, chị Lan bộc bạch: “Nghề nào cũng vất vả cả, nữ đi làm thợ sắt thì còn vất vả hơn, nhưng mình không học hành đến nơi đến chốn thì phải chấp nhận làm việc chân tay thôi. Làm quen việc rồi nên giờ cũng không muốn đi tìm việc khác. Tuy nặng nhọc, nhưng thu nhập cũng ổn định, thôi thì đành gắn bó với nó để nuôi con trưởng thành”.
Hàng ngày, bất kể nắng mưa, công việc của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Họ thường ăn trưa ở các quán ăn ven đường, hoặc mua cơm hộp về công trường để tiết kiệm thời gian, tranh thủ chợp mắt buổi trưa. Chị Lan cho biết, thường thì mức lương của thợ sắt dao động từ 180 – 200 ngàn đồng/ngày, tùy vào khả năng của mỗi người. Trừ chi phí mỗi tháng các chị tiết kiệm được 3 – 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình.
Để làm được thợ chính không phải quá khó nhưng chẳng hề dễ, bởi đây là những công việc vừa đòi hỏi kỹ thuật, vừa đòi hỏi có sức khỏe thật tốt, đôi tay thật dẻo dai, nhanh nhẹn, khả năng chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết. Thợ sắt đối với nam giới đã cực nhọc, phụ nữ càng vất vả gấp bội phần. Với nghề này chủ thầu ít khi thuê phụ nữ. Bởi vậy, để được nhận vào làm việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm, lẫn chấp nhận thiệt thòi. “Tiền công thấp hơn nam giới ít nhất 20.000 đồng/ngày, nhưng lượng công việc chúng tôi làm có kém gì đàn ông. Dù là phụ nữ nhưng vẫn làm tất cả công đoạn của một người thợ sắt từ bê sắt, cắt sắt, cho đến uốn sắt. Muốn uốn được cây sắt để tạo bộ khung cho dầm nhà, cột nhà đòi hỏi đôi tay phải có lực, đặc biệt là phải nắm chắc kỹ thuật và yêu cầu của bản vẽ thiết kế. Đàn ông họ làm được việc gì, chúng tôi cũng làm được việc đó, mà làm cẩn thận hơn đàn ông ấy chứ” Chị Lan tâm sự.
Họ chủ yếu là dân nghèo ở các huyện lên, họ chấp nhận làm công nhật chứ không hợp đồng lao động, không chế độ phúc lợi. Không những làm công việc nặng nhọc, vất vả mà họ còn phải đối mặt với những tai nạn lao động đang rình rập. Thợ sắt thuộc nhóm nghề nặng, độc hại và nguy hiểm, để tạo được bộ khung cho sàn nhà trụ nhà người làm thợ sắt nằm trong tốp đầu về mức độ rủi ro. Thế nhưng, dụng cụ bảo hộ lao động có chăng cũng chỉ là đôi găng tay, đôi ủng, cái nón che mưa che nắng. Chị Lan kể: “ Cách đây không lâu, trong lúc uốn sắt, không may thanh sắt đập vào mặt, phải nằm nhà mất cả tuần. Biết là vất vả, nguy hiểm nhưng cũng phải đi làm tiếp vì hoàn cảnh khó khăn”.
Phải làm việc ở môi trường khắc nghiệt, công việc nặng nhọc, nên hình như tất cả họ đều già hơn so với tuổi. Đôi tay trở nên cơ bắp, thô ráp, làn da đen sạm… Nắng, gió nơi công trường cũng như tính chất công việc đã “vắt kiệt” sức khỏe lẫn nhan sắc của các chị.
Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang cơ hội thay đổi đến cho phụ nữ, trẻ em vùng cao

Dự án (DA) 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Sau 3 năm triển khai tại 18 xã, 71 thôn đặc biệt khó khăn tại địa bàn các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. DA đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Mang cơ hội thay đổi đến cho phụ nữ, trẻ em vùng cao
Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top