ClockThứ Bảy, 18/08/2018 10:52

Cần kiểm tra và “xới xáo” lại

Hương Thuỷ và Phú Vang thống nhất giải quyết hai vấn đề bức thiết về đất đaiKhông phát sinh thêm thủ tục, giảm rủi ro cho người sử dụng đấtSổ đỏ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình: Người dân có phải đổi sổ?

Khi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là thẻ đỏ) trở thành một “chỉ tiêu pháp lệnh” của Chính phủ, rồi từ sự chỉ đạo của Chính phủ về cấp tỉnh. Từ chỉ đạo của cấp tỉnh về địa phương thì các huyện làm rất tích cực. Tôi còn nhớ trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp và người dân về chủ đề tiếp cận đất đai vào cuối tháng 9/2013, ông Phan Ngọc Thọ -  lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương với một tinh thần hết sức quyết liệt. Ông nói: “Dễ làm trước, khó cũng không bỏ”. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt trước đó, con số được đưa ra tại cuộc đối thoại này là, số đất được cấp thẻ đỏ đạt 81,8%.

Từ đó đến nay, con số còn lại là gần 20% chưa cấp thẻ đỏ không biết tiến độ tiếp tục được thực hiện như thế nào nhưng cũng ít nghe ai nhắc đến vấn đề này nữa!

Có thể gần 20% này là con số khó. Khó ở đây là những vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, như đất đai tranh chấp, đất đai buộc phải nộp tiền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất không có khả năng tài chính; đất bị vướng qui hoạch…

Một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ đỏ được ông Phan Ngọc Thọ đưa ra là: “Cán bộ địa chính bây giờ phải tiếp cận dân, hướng đẫn và giúp dân thực hiện các thủ tục và cùng với dân tháo gỡ những khó khăn”.

Lần hồi tìm hiểu một vài địa phương, tuy chưa có số liệu thống kê một cách cụ thể và chính xác, nhưng việc tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận dường như có những ngưng trệ nhất định. Hỏi một số người chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cho biết, tuy đất của họ không vướng gì nhưng việc cấp thẻ đỏ không hề dễ dàng. Việc cải cách thủ tục hành chính về vấn đề này chưa được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ địa chính xã vẫn còn viện nhiều lý do cho sự chậm trễ và gây “khó dễ”. Người dân, đặc biệt là những vùng ven thành phố khi tốc độ đô thị hóa được đẩy mạnh, đất đai lên giá thì việc làm thẻ đỏ lại càng khó khăn hơn! Lý do vì sao thì không ai nêu được cụ thể nhưng trong đó cũng không loại trừ “lý do tế nhị”. Người dân nghi kỵ có một điều gì đó không minh bạch trong cách làm việc của cán bộ liên quan đến vấn đề đất đai. Bởi cùng một nơi nhưng có người thì được “quan tâm làm nhanh” và có người thì hồ sơ “bị xử lý" rất chậm.

Đất đai là vấn đề quan trọng với người dân. Nó là một tài sản lớn và người dân được yên tâm khi cầm trong tay thẻ đỏ. Có người mong mỏi có thẻ đỏ để chuyển nhượng hoặc thế chấp ngân hàng lấy vốn làm ăn; phân chia tài sản cho con cái hoặc để dưỡng tuổi già. Tất cả đều là những lý do quan trọng nên người dân ai cũng mong muốn có thẻ đỏ trong tay. Vì những lý do như vậy nên nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ nảy sinh tiêu cực. Một bên – là người dân, mong muốn có thẻ đỏ trong tay, cũng đồng nghĩa với việc nhà nước công nhận sự hợp pháp của một tài sản lớn, đôi khi là rất lớn. Và một bên có quyền lực để thực hiện cái quyền này của dân. Chuyện những tiêu cực liên quan đến đất đai được phát hiện đã nói lên một phần của thực tế này.

Cái lợi về phía người dân khi cầm thẻ đỏ trong tay là vậy. Còn về phía chính quyền? Chính quyền cũng có lợi, là quản lý đất đai một cách chặt chẽ hơn; khai thác và sử dụng đất đai một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

Do tính chất quan trọng của đất đai đối với người dân và cả chính quyền nên việc cần thiết là tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh vấn đề cấp thẻ đỏ. Sự không “thúc giục” hoặc ít đề cập đến việc này vì nhiều công việc khác, có thể chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi “lơ là” việc làm thẻ đỏ cho người dân. Vấn đề này cũng nên kiểm tra và  “xới xáo" lại để tăng trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở.

Lê Nguyễn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top