|
|
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tại tổ 4 |
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận.
Qua thảo luận, các ý kiến tại tổ 4 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, việc xây dựng Luật này là phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, bảo vệ dân phố, dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.
Theo Tờ trình của Chính phủ, đây là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Các ý kiến thảo luận tại tổ 4 đề nghị thiết kế thêm một chương riêng về vấn đề huy động sức dân tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời làm rõ điều kiện, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động để đảm bảo các quy định chặt chẽ.
|
|
Đại biểu Lê Trường Lưu nêu ý kiến tại buổi thảo luận |
Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, dự thảo luật cần có mô hình cụ thể cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo ông Lưu, nên xây dựng theo hướng chính quyền cấp xã, phường có trách nhiệm trong công tác quản lý; phía công an chỉ tổ chức hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức lực lượng.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng lưu ý đến tiêu chuẩn, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, cần có quy định về số lượng và biên chế tối thiểu, điều này thì Chính phủ, Bộ Công an nên có quy định khung. “Dự thảo luật cũng nên có đánh giá, quy định các nội dung phối hợp giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời, đánh giá kỹ tổng mức chi, tổng mức biên chế cho lực lượng này ở cơ sở”, ông Lưu nhấn mạnh.
Tham gia góp ý, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu lưu ý đến vấn đề ngân sách, chế độ, phụ cấp, trang thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bà Sửu dẫn chứng tại Thừa Thiên Huế, tùy theo quy mô dân số, đặc điểm từng vùng mà tỉnh xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy phù hợp. Với 13.000 người gồm lực lượng công an viên, bảo vệ dân phố, dân phòng, tỉnh đã xây dựng những mức độ phụ cấp khác nhau. Do vậy, vị nữ đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ trong dự thảo luật về chi phí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về nhiệm vụ của lực lượng này, bà Sửu cho rằng cần rà soát lại để tránh trùng lắp với nhiệm vụ các lực lượng khác. Ngoài ra, nên rà soát lại từng chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu góp ý tại phiên thảo luận |
“Về quan hệ công tác, nằm trong phạm vi điều chỉnh rất rõ, song việc thiết lập và triển khai nhiệm vụ cho các mối quan hệ công tác chưa rõ. Tôi cho rằng cần có nghiên cứu đầu tư thêm, có thê tách thành chương riêng trong dự thảo luật”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nói.
Ngoài những ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh, các ý kiến của ĐBQH các tỉnh, thành khác cũng xoay quanh việc đề nghị rà soát cho cân đối, logic giữa các chương, điều của dự thảo Luật, hợp lý với mục tiêu xây dựng Luật. Một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực; đề nghị cần thiết kế một chương riêng về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là Nhân dân; quy định trợ cấp ngày công lao động khi được huy động làm nhiệm vụ nếu không được hưởng trợ cấp thường xuyên, hàng tháng…