Bộ tiêu chí là bước đi cụ thể hóa, để phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” lan tỏa, trở thành mục tiêu phấn đấu và nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ quan đơn vị, từng người dân, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh.
Thực ra, việc chung tay bảo vệ môi trường đã được tỉnh triển khai từ rất lâu, với rất nhiều hoạt động và sự hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể. Cứ tưởng dọn rác là chuyện nhỏ, nhưng hóa ra lại không dễ. Sau chiến dịch, hoạt động một thời gian ngắn mọi thứ trở lại như cũ, rác chẳng hề giảm đi mà cứ gia tăng cả khối lượng lẫn điểm xả rác. Từ đô thị đến nông thôn, từ vùng núi đến vùng biển, rác trở thành nỗi ám ảnh, đe dọa trực tiếp đến môi trường và cả sinh kế người dân. Đây không phải là vấn đề riêng của Thừa Thiên Huế mà trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu.
Trong khi đó, ai cũng nhận thấy nguy cơ, ảnh hưởng từ rác và không hề muốn rác xuất hiện nơi mình sống nhưng tại sao rác vẫn tồn tại? Không có gì khó trả lời, tất cả bắt nguồn từ “rác ý thức” theo kiểu "cha chung không ai khóc", tiện cho mình mặc xã hội, giữ sạch nhà mình xả bẩn nơi công cộng…
Trong bối cảnh đó, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được tỉnh phát động cách đây hơn 4 tháng đã thổi làn gió mới cả trong nhận thức lẫn hành động trong việc cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Trong thư ngỏ gửi người dân Thừa Thiên Huế vào dịp tròn 100 ngày phát động “Ngày Chủ nhật xanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhắn gửi: Ngày Chủ nhật xanh không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường; điều quan trọng mà phong trào hướng tới là thay đổi nhận thức của người dân, để người dân thật sự là chủ nhân hành động vì một Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng. Những nỗ lực, sự sáng tạo và nét đẹp “Ngày Chủ nhật xanh” của Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen và mong muốn sẽ được nhân rộng ra các địa phương, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Với Bộ tiêu chí đánh giá "Xanh- Sạch-Sáng" cấp xã/ thôn, tổ dân phố/hộ gia đình và trụ sở cơ quan vừa được UBND tỉnh ban hành đã lượng hóa từng tiêu chí với những thông số cụ thể và số điểm cho từng tiêu chí. Kết quả đánh giá của bộ tiêu chí được bổ sung vào cơ cấu chấm điểm, công nhận các danh hiệu văn hóa cho cấp xã, khu vực dân cư và hộ gia đình hàng năm. Như vậy, vấn đề không chỉ còn mang tính vận động mà trở thành chỉ tiêu đối với từng địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị phải xắn tay cùng vào cuộc.
Khi bộ tiêu chí ban hành vẫn còn một số băn khoăn về việc thực hiện các tiêu chí ở các địa phương. Cũng có ý kiến cho rằng, một chuyện “nhỏ như rác” có cần thiết phải tổ chức rầm rộ, tạo áp lực cho cơ sở…Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đại ý rằng, việc triển khai thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” chính là thước đo năng lực của cán bộ, lãnh đạo các địa phương, các cấp ngành. Quá trình triển khai có thể hoàn chỉnh, đưa năng lực điều hành của các cấp chính quyền vào nề nếp.
Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng, điều cần thiết phải bắt đầu từ việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức và quyết tâm của chính người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Chỉ khi trên “thông” thì dưới mới “suốt”. Và khi tất cả đồng lòng vào cuộc thì việc bảo vệ môi trường mới trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và hiệu quả bền vững.
Hoàng Minh