ClockThứ Hai, 05/07/2021 06:18

Giữ vững động lực tăng trưởng

Theo số liệu Cục Thống kê Thừa Thiên Huế công bố ngày 30/6, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức tăng 0,51% của 6 tháng đầu năm 2020. So sánh với số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 thì mức tăng của Thừa Thiên Huế ngang bằng mức tăng trưởng chung của cả nước (5,64%). Đây là mức tăng khá cao trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Đánh giá chung của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đối mặt với 2 làn sóng COVID-19, làn sóng thứ nhất ít chịu sự tác động, bước sang làn sóng thứ 2, khởi điểm vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh, các địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân là trên hết, cố gắng cao nhất để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng là ngành công nghiệp - xây dựng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, với mức tăng 6,91%, cao hơn mức tăng 3,95% cùng kỳ, đóng góp 2,13 điểm phần trăm vào tốc độ tăng toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo, tăng 6,92% so với cùng kỳ. Các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng khá như: sản xuất bia, dệt may, sản xuất giấy, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic…

Để đạt sự tăng trưởng đó, trước hết phải kể đến nỗ lực ngăn chặn, khống chế không để dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan trong các khu công nghiệp, nhà máy của tỉnh. Thực tế cho thấy, các nhà máy, khu công nghiệp là nơi tập trung đông người, đến từ nhiều nơi khác nhau, không gian làm việc hẹp, khép kín nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Từ tháng 7/2020 tỉnh đã sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh kèm hướng dẫn bộ tiêu chí thực hiện tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Chỉ khi các doanh nghiệp, nhà máy triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch theo khung điểm quy định mới được hoạt động, nếu không sẽ phải đóng cửa. Điều này đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, không phải đóng cửa nhà máy, thực hiện giãn ca, giảm công suất hoạt động như ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương… trong đợt dịch thứ tư vừa qua.

 Điều đáng ghi nhận, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động kịp thời của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực, linh hoạt, chủ động trong sản xuất, thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Trong các đợt dịch COVID-19 năm 2020, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đứt gãy thị trường diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp do việc phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội. Nay các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phát triển các thị trường mới, chuẩn bị các phương án dự phòng; đồng thời tích cực chuyển đổi số, giao dịch trực tuyến thay cho trực tiếp để kết nối thị trường, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì sản xuất ổn định, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý 3.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, dù đạt được  kết quả khả quan bước đầu, nhưng thời gian tới nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức… Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, các ngành, các cấp cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, cần tiếp tục chú trọng phòng chống dịch ở các khu công nghiệp, bởi đây là xương sống chủ lực của nền kinh tế. Giữ vững an toàn dịch bệnh ở các khu công nghiệp là giữ được một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch tác động tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

Hết tháng 4/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của ngành du lịch. Rõ ràng, để tạo ra những giá trị bền vững, sự hợp lực giữa các ngành để cùng phát triển là điều tất yếu.

Du lịch tác động tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Tình trạng thiếu nhà ở toàn cầu đang cản trở tăng trưởng nhờ nhập cư

Ở hầu hết các quốc gia phát triển, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế đáng tin cậy nhất đang chững lại. Trong nhiều thập kỷ, dòng người di cư nhanh chóng đã giúp các quốc gia bao gồm Canada, Australia và Vương quốc Anh ngăn chặn lực cản nhân khẩu học do dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm. Điều này hiện đang bị phá vỡ, khi lượng người đến tăng vọt kể từ khi biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở kéo dài.

Tình trạng thiếu nhà ở toàn cầu đang cản trở tăng trưởng nhờ nhập cư
Hài hòa mục tiêu tăng trưởng & chất lượng tín dụng

Khó khăn kinh tế đang tạo nên áp lực không nhỏ các cho tổ chức tín dụng khi nguy cơ nợ nhóm 2 (khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng khách hàng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ) và nợ tiềm ẩn nợ xấu tăng mạnh tạo nên những rủi ro trong an toàn hệ thống tín dụng.

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng  chất lượng tín dụng
Return to top