ClockThứ Sáu, 29/05/2020 14:57

Cần sự thay đổi căn cơ trong sản xuất

TTH - Trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang đóng cửa biên giới, thị trường bị ngưng trệ bởi dịch COVID-19, lô vải thiều đầu tiên năm 2020 của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vừa xuất khẩu đi Singapore, Mỹ, Australia nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến động thị trường, góp phần tăng giá trị nông sản và thu nhập của người nông dân.

Cần sự thay đổi căn cơNâng cao chất lượng hàng hóa trong sản xuất chăn nuôiXây dựng nông thôn mới

Chuyện nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu đi các nước không phải là mới, nhưng để xuất khẩu hoa quả tươi như vải thiều vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về các điều kiện kỹ thuật lại không phải chuyện đơn giản. Để có các container vải xuất khẩu, chính quyền và người dân ở Hải Dương có quá trình chuẩn bị và tiếp cận từ nhiều năm qua. Đó là việc quy hoạch, cấp mã số các vùng trồng, áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đáp ứng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, sơ chế, chiếu xạ, bảo quản, quy cách bao bì…

Điều khác biệt nữa, đây là lần đầu tiên quả vải được xuất bằng đường biển chứ không phải đường hàng không như lâu nay. Điều này đồng nghĩa, công nghệ bảo quản phải đáp ứng việc vận chuyển dài ngày, nhưng chi phí sẽ giảm rất nhiều lần so với vận chuyển bằng đường hàng không và khối lượng xuất khẩu cũng lớn hơn.

Mừng cho quả vải xuất khẩu ở Hải Dương, nhưng đáng tiếc còn quá ít địa phương làm được điều này. Chính vì vậy, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa từng xảy ra với nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Điệp khúc “giải cứu” lặp đi lặp lại với một số loại như lúa gạo, dưa hấu, chuối, cà chua, bắp cải, thịt heo, thịt gà… Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang còn nhiều bất cập, từ công tác quản lý nhà nước đến việc quy hoạch; từ khâu sản xuất đến thị trường; giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Câu chuyện hàng chục tấn gạo hữu cơ của nông dân Phong Điền vừa được Hội Nông dân tỉnh đứng ra “giải cứu” là một ví dụ. Gạo sản xuất từ nguồn giống lúa KH1 chất lượng cao, theo quy trình kỹ thuật “5 không”- nói nôm na là gạo sạch, người tiêu dùng rất ưa chuộng, nhưng khó tiêu thụ. Vấn đề ở đây là người sản xuất mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất, làm tốt phần việc của riêng mình, chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thời gian qua, chính phủ, các địa phương có nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay, người nông dân chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, năng lực quản lý, trình độ khoa học hạn chế nên khó có thể tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến.

Để tạo sự thay đổi căn cơ trong sản xuất nông nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp. Thông qua đầu tư của doanh nghiệp, người nông dân có thể tham gia một phần vào quy trình sản xuất với tư cách là người góp cổ phần bằng quỹ đất hoặc cho thuê đất, làm nhân công. Từ các mô hình này sẽ tạo sự lan tỏa để người dân tự đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp, hoặc liên kết với doanh nghiệp tham gia vào một số công đoạn sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ giữ vai trò “bà đỡ” cho đầu ra sản phẩm của người nông dân thông qua việc thu mua, chế biến, bảo quản, đưa sản phẩm đến các thị trường rộng lớn hơn. Chỉ khi làm tốt điều này thì nông nghiệp nước ta mới có thể phát triển bền vững và người nông dân có  thể “sống vui, sống khỏe” trên mảnh đất của mình.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top