ClockThứ Ba, 19/10/2021 07:00

Tạo “hạt nhân” nơi biên cương - kỳ 2: Trong trăm ngàn cái khó phải ló cái khôn

TTH - Phát triển Đảng là yếu tố then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Câu chuyện phát triển Đảng vùng biên giới phải gắn liền với việc phát triển kinh tế. Con cá, con tôm phải nuôi sống được ngư dân. Buồng chuối, củ khoai phải no cái bụng của đồng bào… Có như thế dân mới một lòng theo Đảng.

Tạo “hạt nhân” nơi biên cương - kỳ 1: Đảng trong dân

Bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đợt 2 năm 2021 tại Phú Vang

“Vào Đảng để làm gì?”

Đảng viên không bao giờ là một danh phong, đó là sự đánh dấu trưởng thành về mặt lý tưởng. Vùng biên giới, vai trò đảng viên càng quan trọng. Ở sâu thẳm rừng xanh hay miền biển xa xôi, đảng viên được ví như cột mốc sống, điểm tựa của quần chúng Nhân dân. Dẫu vậy, với đặc thù vùng biên giới, không phải ai cũng đủ nhận thức và tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Bí thư Đảng ủy phường Thuận An (TP. Huế) Ngô Văn Đủ là người trưởng thành từ các phong trào ở địa phương. Hơn ai hết, ông rõ nhất quá trình phấn đấu để trưởng thành rồi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Vào Đảng để làm gì?”. Đó là câu hỏi mà hơn cả chục năm tuyên truyền, vận động và tìm quần chúng ưu tú kết nạp Đảng, ông Đủ luôn đặt ra cho quần chúng để họ nhận thức được vinh dự và trọng trách của người đảng viên trước Nhân dân.

Thế nhưng đến bây giờ, việc bồi dưỡng, kết nạp Đảng ở nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố vùng biển vẫn còn lắm gian nan. Trình độ học vấn, lao động đi làm ăn xa, lý lịch vướng mắc... chính là những trở lực dai dẳng tồn tại nhiều năm. “Với ngư dân, không vào Đảng họ cũng được Nhà nước hỗ trợ vươn khơi bám biển. Vào Đảng đôi khi với họ là sợ trách nhiệm, sợ sự ràng buộc nên ít mặn mà phấn đấu. Rất nhiều lần đi tìm nguồn kết nạp, chúng tôi không dễ trả lời câu hỏi của ngư dân: Vào Đảng để làm gì? ”, ông Đủ trần tình.

Thực trạng ấy không chỉ diễn ra ở Thuận An, hầu khắp các đảng bộ vùng biển hay miền núi trên toàn tỉnh đều gặp khó trong khâu tạo nguồn phát triển Đảng. Hành trình đi tìm quần chúng đáp ứng các tiêu chí như “mò kim đáy bể”. Nguồn yếu thì chi bộ làm sao phát triển vững mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Vang - Hồ Thế Hùng cho rằng, sở dĩ việc tạo nguồn ngư dân gặp nhiều khó khăn do họ suốt ngày lênh đênh trên biển, ít có thời gian tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội khác nên địa phương khó phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng kết nạp Đảng. “Ngư dân là đảng viên sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ vừa là người trực tiếp tham gia sản xuất trên biển, vừa tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo trên biển. Hàng năm, tại các đảng bộ trực thuộc Huyện ủy đa số hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Song, con số ngư dân vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng rất thấp”, ông Hùng cho biết.

Giữ chân thanh niên ưu tú

Không phủ nhận những nỗ lực ở các đảng bộ vùng biên; những chính sách hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giúp đời sống của người dân cải thiện trông thấy. Song, câu chuyện ly hương của người trẻ vẫn cứ diễn ra. Họ ly hương nghĩa là cuộc sống đời thường không được đảm bảo.

Những thanh niên ưu tú là nguồn để giới thiệu kết nạp Đảng

Hai người con của bà Hồ Thị Can (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) đều được ăn học tử tế, nhưng bây giờ đều mưu sinh xứ người. Nếu ở lại địa phương, đây là những đối tượng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Chính bà Can cũng ước vọng một ngày gần nhất, con bà trở lại quê hương nhưng không thể giữ con chỉ với mảnh vườn và mấy sào rẫy.

“Với người đồng bào, trước khi làm việc gì cũng phải có cái ăn. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác, con cái ăn học xong đều khó tìm được việc làm tại địa phương nên phải đi làm ăn xa”, bà Can tâm tình.

Trong chiến lược phát triển đảng viên, giữ chân thanh niên ưu tú rất quan trọng để tạo nguồn. Song, người trẻ ly hương bởi thiếu sự hỗ trợ việc làm tại địa phương.

Ý tưởng về việc thành lập một chi bộ dân quân trên biển của Đảng bộ phường Thuận An đến nay vẫn chỉ kế hoạch. Mặc dù đã tập hợp được hơn 20 thành viên để thành lập đội dân quân trên biển, nhưng đảng viên là ngư dân bây giờ cũng chỉ có 1. “Rất nhiều trăn trở trong việc giữ chân người trẻ nhiệt huyết ở lại địa phương. Chúng ta chưa thể bảo đảm cho họ một việc làm ổn định. Số ngư dân đang hoạt động tại trung đội dân quân đa số đều không đáp ứng tiêu chí để kết nạp. Hằng năm, những đối tượng được kết nạp Đảng thường đến từ các chi bộ trường học. Về lâu dài, ngoài động viên ngư dân trẻ tiếp tục bám biển, tôi nghĩ các cấp cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để kích thích người trẻ gắn bó với địa phương, có như thế việc tạo nguồn mới thuận lợi”, ông Đủ nói.

Đề xuất của ông Đủ có lý, song để giải quyết tức thời dường như là điều không thể. Trước hết, hệ thống chính trị cần vào cuộc, xây dựng các phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên rồi tạo ra một chiến lược đủ tốt để giữ chân người trẻ.

Khó về lượng thì hướng đến trọng về chất

Ở tuyến biên giới Việt Lào, việc hình thành các chi bộ, thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, thậm chí cầm tay dân chỉ việc phát triển kinh tế đã giúp đời sống của họ vơi bớt khó khăn. Dẫu có nhiều trở lực trong việc tạo nguồn, song điểm nhấn trong chiến lược xây dựng Đảng là nâng cao chất lượng đảng viên và đội ngũ bí thư chi bộ.

Nhiều đảng viên có trình độ học vấn được dân tin, Đảng cử, thể hiện tốt vai trò bí thư chi bộ. Anh Lê Thanh Phiên (Bí thư chi bộ thôn Pất Duh, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) bảo, khi được tin tưởng bầu làm bí thư chi bộ thì phải gương mẫu. Nói đi đôi với làm để thể hiện vai trò đầu tàu của đảng viên.

“Tại địa phương, trình độ dân trí của người dân vẫn còn thấp. Bản thân là người có học vấn thì phải đem kiến thức ấy truyền đạt cho bà con, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Tùy thế mạnh của từng đảng viên, chúng tôi cử họ đến giúp dân rồi tạo ra các phong trào thi đua sản xuất kinh tế. Đến nay, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/năm”, anh Phiên chia sẻ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới - Hồ Đàm Giang, tại địa phương này, chiến lược đưa đảng viên trẻ có năng lực, phẩm chất để làm bí thư chi bộ đã tạo nên những cầu nối giúp dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp cận được với các mô hình sản xuất bền vững. “Đảng viên trẻ chính là những người dễ nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, tạo nên thuận lợi trong việc đưa các nghị quyết vào đời sống thực tiễn người dân. Nhờ chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ mà nhiều phong trào tại A Lưới phát triển mạnh”, ông Giang thông tin.

Tại Phú Vang hiện có 7 tổ chức cơ sở Đảng vùng biển trực thuộc Huyện ủy, với tổng số 737 đảng viên. Chủ trương của Huyện ủy Phú Vang luôn lấy chất làm trọng, bù đắp cho những khó khăn trong công tác tạo nguồn. Việc lựa chọn bí thư chi bộ ở các địa phương vùng biển luôn ưu tiên cho các đảng viên trẻ có trình độ và năng lực.

 “Đào tạo nguồn vẫn phải tiếp tục, nhưng chúng tôi hướng đến nguồn có chất lượng. Để làm được điều đó, buộc phải tạo ra sinh kế bền vững cho ngư dân.Với đảng viên là ngư dân hay các ngư dân trẻ phấn đấu vào Đảng, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để họ tham gia học tập, lao động và sản xuất. Hàng tháng đều thăm hỏi để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để ngư dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, thời gian tới, địa phương cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại các vùng biển, nhằm tạo việc làm cho lao động”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Vang - ông Hồ Thế Hùng nói.

Không chỉ Thừa Thiên Huế, công tác xây dựng, phát triển Đảng vùng biên giới cũng là thách thức tại các tỉnh, thành khác. Sự đổi thay ở các vùng biên giới A Lưới, Phú Vang… trong những năm qua cho thấy sự quan tâm của Ban thường vụ Tỉnh ủy. “Dù khó khăn nhưng công tác phát triển Đảng vùng biên giới không bao giờ chạy theo số lượng” - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn khẳng định.

Ông Toàn cho rằng, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo các cấp ủy đảng; kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng hay tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy địa phương tuyến biên giới là những giải pháp căn cơ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện để tạo những đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

“Những khó khăn phát triển đảng hiện nay tại vùng biên giới mang tính đặc thù. Sắp tới, sẽ có những chính sách mới để tạo nguồn tại chỗ gắn với hỗ trợ việc làm. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với các cấp Trung ương về việc ban hành các chế độ để thu hút thanh niên ưu tú vùng biên phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng” - Ông Phan Xuân Toàn khẳng định.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vững vàng trên mọi nẻo biên cương

Nhiều năm liền vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và UBND tỉnh tặng bằng khen, nhưng đối với Thượng tá Lê Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, “đi dân nhớ, ở dân thương” có lẽ là phần thưởng quý giá nhất.

Vững vàng trên mọi nẻo biên cương
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng

TIN MỚI

Return to top