ClockThứ Năm, 21/07/2022 06:30

Chú trọng thu hồi tài sản hay xử lý hình sự với tham nhũng

TTH - Báo cáo từ Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng (2012-2022) của Ban Bí thư tổ chức mới đây cho thấy, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… đã kiến nghị thu hồi 975.000 tỷ đồng, 76.000ha đất; thi hành án thu được từ các vụ tham nhũng 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%.

Từ nhận hối lộ đến xử lý hình sự, thu hồi tài sản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng. Ảnh: ubkttw.vn

Đó là những con số biết nói từ những vụ thanh tra, kiểm toán, vụ án đã được kết luận, còn thực tế thất thoát bao nhiêu những trường hợp “chưa bị lộ” thì có thể còn gấp nhiều lần. Đó chỉ mới là “bề nổi” của những “tảng băng chìm”, chưa kể sự lãng phí, sử dụng tài sản trái phép và những khoản thất thoát vô hình khác.

Trong tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã đưa ra ý kiến: Cần giảm xử lý hình sự, thay bằng khởi kiện dân sự, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả… Có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít dư luận phản đối.

Trong tội danh tham nhũng, vi phạm kinh tế của Bộ luật Hình sự có nhiều tội quy định mức độ, tính chất phạm tội khác nhau, cố ý hoặc vô ý, vụ lợi hay thiếu trách nhiệm, có tội giữa đúng và sai chỉ là làn ranh nhỏ. Không ít người bị kết án tham nhũng do cơ chế hành chính phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên, trong thế bị áp lực, dù không cố ý phạm tội như ký xác nhận giấy tờ liên quan, chi sai nguyên tắc, làm trái quy định kế toán… khi đó là chứng cứ xác định họ đã vi phạm. Nhiều vụ xảy ra trong ngành ngân hàng, các doanh nghiệp dầu khí, các dự án PMU, dự án xây dựng… trong thời gian qua có nhiều hành vi theo dạng đó.

Với mức phạt quy trách nhiệm theo luật sẽ rất khó thu hồi nếu không kê biên được tài sản tương ứng, hoặc gia đình không đủ khả năng khắc phục và có số không thu lợi trái phép. Trong quan điểm xử lý tội phạm tham nhũng, bên cạnh phòng ngừa, xử lý nghiêm thì yêu cầu đặt ra là phải thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng, cho nên những trường hợp đã nêu rất khó cho người phạm tội thi hành. Và cũng không ít cố tình không thi hành chờ hết thời hạn hình phạt tù.

Với tỷ lệ thu hồi 34,7% như hiện nay thì còn gần 2/3 số tài sản không thu hồi được, hoặc không thể thu hồi là rất lớn, cần phải có những giải pháp khả thi hơn. Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng” xác định thu hồi tài sản là “nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt”.

Bên cạnh đó, những người cố ý phạm tội, hoạt động có tổ chức, tính chất và mức độ ảnh hưởng lớn đến chính trị, xã hội thì không thể đánh đồng với vô ý, không vì vụ lợi. Những trường hợp đó không thể chỉ xem thu hồi tài sản là mục tiêu cao nhất, mà cần được xử lý hình phạt nghiêm minh hơn. Nói cách khác là phạt tiền hay khắc phục hậu quả bằng tiền không thể thay thế cho hình phạt tù hay nộp tài sản “thế chân” như các nước khác.

Có những trường hợp khi bị phát hiện, khởi tố mới nộp tài sản đền bù thiệt hại chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không thể xem đó là ăn năn, hối cải để xử lý bằng hành chính, kinh tế. Đây cũng là yếu tố để loại trừ tội phạm làm liều, “cố đấm ăn xôi” với ý đồ: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Trong vụ án AVG buộc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phải nộp số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD mới được giảm án từ hình phạt tử hình xuống mức chung thân. Hành vi đó không được xem là ăn năn, hối cải sau khi bị phát hiện, chịu chấp nhận giao nộp là để giảm nhẹ mức hình phạt mà thôi. Những trường hợp đó, một mặt phải bắt buộc đền bù tài sản bị thất thoát, mặt khác phải xử lý theo khung cao nhất mà các điều luật quy định. Yêu cầu này đòi hỏi các cơ quan tố tụng cần có quan điểm trong sáng, khách quan, không được “nương tay” vì động cơ “nhạy cảm” trong điều tra, truy tố, xét xử.

Xử lý tội tham nhũng đòi hỏi nghiêm minh nhưng cũng phải thể hiện nhân văn, tạo điều kiện cho người phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng như các tội phạm khác. Không đẩy họ vào bước đường cùng, khuyến khích lập công chuộc tội, khắc phục thiệt hại đã gây ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Xử lý nghiêm minh nhưng hết sức nhân văn, nhân đạo, có lý có tình. Đó cũng là giải pháp tốt nhất để đạt được 2 yêu cầu: Thu hồi được tài sản phạm tội và răn đe, cảnh tỉnh, ngăn chặn tham nhũng. Trong giai đoạn hiện nay, không đặt nặng thu hồi tài sản hay xử lý thật nặng hình phạt tù mà cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng quan điểm xử lý của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, khối tài sản bị mất khó thu hồi là rất lớn, đòi hỏi phải được thu hồi nhiều nhất để “trả lại” cho Nhà nước, cho Nhân dân, cần được tính toán giải pháp phù hợp. Cùng với những bản án xử lý hình sự nghiêm khắc thì phải có những biện pháp khả thi hơn nhằm triệt để thu hồi tài sản tham nhũng.

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) đã nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng, áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, hợp tác với cơ quan chức năng…”.

Chúng ta không “hình sự hóa” các vụ án liên quan đến kinh tế, nhưng không thể để tội phạm có điều kiện lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham nhũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo. Dù xử lý hình sự hay thu hồi tài sản đều phải trên cơ sở thực tế, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật, thu hồi nhiều nhất tài sản bị tham nhũng, tạo được đồng tình của Nhân dân.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Nhờ nỗ lực cố gắng của từng cán bộ, đảng viên (ĐV), các cấp ủy đảng, Đảng bộ huyện Nam Đông đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và ĐV.

Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Return to top