ClockThứ Sáu, 01/01/2016 11:06

“Chúng ta đang đặt ra những tiêu chí phù hợp với xu thế phát triển...”

TTH.VN - “ Có rất nhiều loại, hệ thống quy hoạch, quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng và trong các quy hoạch này còn có những quy hoạch cụ thể khác... Quy hoạch nào cũng đồng hành, phục vụ cho sự phát triển, quản lý, tác động và phục vụ cho sự phát triển – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã khẳng định như thế về vai trò và vị trí quan trọng của công tác quy hoạch trong một cuộc trò chuyện trước thềm năm mới với Báo Thừa Thiên Huế - Đó là ý nghĩa hết sức quan trọng của công tác quy hoạch. Qua đó, chúng ta sẽ xác định được không gian, thời gian, cần phải làm gì và các hoạt động được xác định trong các quy hoạch phải tạo được sự cộng hưởng hài hòa trong mục tiêu chung của sự phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao. Ảnh: Võ Nhân

Điều mà ông muốn trao đổi trong đánh giá về những tác động của quy hoạch đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua là gì?

Thừa Thiên Huế có rất nhiều loại quy hoạch. Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 trong QĐ 86 đã được Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ rằng, mục tiêu, chỉ tiêu, các lĩnh vực, ngành nghề, các tầm nhìn rất cụ thể. Hiện chúng ta đang tập trung phát triển và có thể khẳng định, quy hoạch này hết sức quan trọng. Nó cũng phù hợp với KL 48 của Bộ Chính trị để chúng ta xây dựng Thừa Thiên Huế là 4 trung tâm lớn của cả nước (Trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực chất lực cao và trung tam khoa học công nghệ).

Chúng ta cũng có rất nhiều quy hoạch về xây dựng, như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh để định hướng cho cả không gian phát triển của tỉnh như TP Huế, các thị xã, huyện phát triển như thế nào; quy hoạch xây dựng các trung tâm cấp huyện, rồi quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về phát triển giao thông, quy hoạch về hệ thống thủy lợi, đô thị, nhà ở, công nghiệp, thương mại, du lịch... và tất cả nằm trong chuỗi quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội. Nó cũng phù hợp chung với sự phát triển của vùng tỉnh,

Cho đến nay, các đồ án quy hoạch có tác dụng rất quan trọng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Những đồ án không thích hợp thì sẽ được điều chỉnh trong giai đoạn nhất định nhưng tôi đánh giá cao việc chúng ta đã tổ chức thực hiện khá nhiều các dự án quy hoạch theo yêu cầu và tiến độ chung của Chính phủ.

Du lịch trên sông Hương. Ảnh: Hữu Tư

Quy hoạch nào mà ông cảm thấy hài lòng và đâu là điều mà ông còn phải lo nghĩ?

Thực chất là tất cả các quy hoạch khi nghiên cứu đều phải có quy trình, có căn cứ đầy đủ và đặc biệt là phải dựa trên những dự báo chính xác của sự phát triển trong tương lai về mọi mặt, kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội và được sự góp ý, xây dựng và phản biện của các chuyên gia, các nhà tư vấn, các nhà khoa học cùng sự tham gia của các cơ quan ban ngành cũng như cộng đồng xã hội. Cho nên chúng tôi đánh giá là các quy hoạch đều đạt chất lượng, như quy hoạch kinh tế xã hội và hiện nay, chúng ta đang đi theo những định hướng lớn mà quy hoạch phát triển kinh tế xã hội theo QĐ số 86 mà TTCP đã phê duyệt và tôi rất tâm đắc với quy hoạch này.

Những quy hoạch mà ông vừa nói tới, dù ở quy mô như thế nào đi chăng nữa đều là những quy hoạch mang tầm chiến lược. Có lẽ ở đây còn có một quy hoạch khác nữa là quy hoạch về con người. Ông nghĩ gì về điều này?
 
Nếu công tác quy hoạch con người được làm tốt, đó sẽ là cơ sở để chúng ta đánh giá thực trạng của công tác cán bộ; thực trạng nguồn nhân lực và đưa ra được những giải pháp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và những lĩnh vực cụ thể khác về con người. Tôi nghĩ, chúng ta phải dành nhiều thời gian, nhiều công sức hơn nữa để thường xuyên hoàn chỉnh về quy hoạch nguồn nhân lực và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như là có kế hoạch gắn kết với những phương pháp mới, tư duy mới trong đào tạo nguồn nhân lực.
 
Con người hôm nay khác với con người ngày hôm qua. Và ông kỳ vọng gì về đội ngũ nhân lực của tỉnh nhà trong thời gian tới?
 
Huế là một trung tâm đào tạo. Người Huế rất thông minh, chúng tôi đánh giá cao tinh thần ham học, có chí hướng và nghĩ rằng, nếu chúng ta phá dỡ được rào cản về tâm lý, tức là tính hài lòng, tính bó gọn, thu hẹp mình để tạo ra một tư duy bứt phá, dám xông pha và dám chịu thất bại thì nguồn nhân lực Huế sẽ thực sự phát triển. Thứ hai là yếu tố liên kết trong xã hội để giải quyết công việc, làm việc có tổ chức, liên kết nhóm, liên kết cộng đồng thì mới phát huy được sức mạnh của tập thể, của mọi người và mới có kết quả tốt trong công việc. Điều này trong chừng mực nào đó, chúng ta chưa cởi mở, chưa mạnh dạn. Trong xu thế quốc tế hóa và hội nhập mới, với sức bật mới, sự thay đổi là rất cần thiết và tôi tin, đội ngũ cán bộ nhân lực trong mọi lĩnh vực sẽ có thay đổi với năng lượng mới để có thể hoàn thành tốt mọi công việc.

Về các quy hoạch chuyên ngành, đương nhiên không phải quy hoạch nào cũng thật sự cần thiết nhưng theo quy định chuyên ngành thì mỗi ngành đều có, hoặc muốn có quy hoạch riêng. Có những quy hoạch có thể tích hợp trong một quy hoạch chung. Sự chồng chéo các quy hoạch như thế này có thể là không cần thiết nhưng theo quy định chuyên ngành thì mỗi ngành. Nhưng theo quy định liên ngành, các ngành đều phải làm. Chẳng hạn như giao thông có quy hoạch phát triển giao thông, rồi phải có quy hoạch bến bãi, quy hoạch xe khách, xe buýt, taxi, quy hoạch trung tâm dạy lái xe, trung tâm kiểm định và theo báo cáo của ngành Giao thông, nếu không có những quy hoạch này thì Bộ Giao thông vận tải không chấp nhận. Điều này cũng có thể thấy ở các ngành khác như công thương, thương mại...

Tôi rất tâm đắc với quy hoạch du lịch mà Tập đoàn Akitek Tenggara (Singapore) đã làm với tầm nhìn của một nhà chiến lược. Đó là cơ sở để chúng ta biết mình phải làm gì để phù hợp với tiến trình phát triển mà Singapore là một điển hình với lượng du khách gấp mấy lần lượng dân số.

Ở đây có thể kể thêm quy hoạch điều chỉnh quy hoạch của thành phố Huế do Hàn Quốc tài trợ, quy hoạch phát triển Chân Mây do Nicken thực hiện với sự tham gia chuyên gia quốc tế. Tôi nhận thấy họ có một tư duy về phương pháp nghiên cứu lập quy hoạch khoa học, phù hợp, chính xác và có những dự báo sát với thực tế, cẩn trọng trong xây dựng để không phá vỡ hiện trạng mà kết nối để nâng cao và nâng tầm chất lượng rất có giá trị trong phát triển.

Cũng có những quy hoạch rất nhỏ, chẳng hạn như quy hoạch Thủy Biều gần như ít bị điều chỉnh mặc dù theo quy định 5 năm phải điều chỉnh.

Kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh là đích đến mà Thừa Thiên Huế đặt ra trong tương lai. Ở mục tiêu gần hơn, chúng ta đang hướng đến một đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Theo mục tiêu này, chúng ta sẽ tiếp tục những quy hoạch nào và có quy hoạch nào cần phải điều chỉnh?

Đây là những nội hàm của một đô thị tương lai. Điểm đặc biệt là hiện nay chúng ta đang xây dựng Huế là thành phố văn hóa của ASEAN, thành phố môi trường và thành phố xanh (green city) và chúng tôi đã đăng ký với Chính phủ cho Huế xây dựng thành phố thông minh. Với những nội dung và mục tiêu đó, chúng ta đang đặt ra những tiêu chí phù hợp với xu thế phát triển như là một thành phố có tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, ổn định cho phát triển và hấp dẫn với hoạt động kinh tế du lịch dịch vụ, văn hóa, giáo dục đào tạo và y tế.

Muốn vậy, bên cạnh sự rà soát lại quy hoạch thường xuyên theo quy định, phải có sự tự rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn với tăng trưởng xanh, kinh tế tri thức, kinh tế không khói, phát triển những dịch vụ chăm sóc sức khỏe… buộc chúng ta phải rà soát lại hệ thống trong các lĩnh vực này. Chúng ta cũng cần điều chỉnh những nội dung mà có thể lâu nay hơi cứng nhắc và cho là bất khả xâm phạm trong một số khía cạnh về văn hóa chẳng hạn. Quan điểm của chúng tôi là bên cạnh tôn tạo, phải phát triển mới giữ được. Do đó, các quy hoạch phải được rà soát và điều chỉnh, và sự điều chỉnh đó phải kế thừa được những cái đã có và phát triển nó theo kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển theo mô hình thành phố thông minh.

Riêng về thành phố thông minh, có rất nhiều yếu tố nhưng tôi rất tâm đắc khi làm việc với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, UVBCT, Chủ tịch UBTWMTTQVN là thành phố thông minh không chỉ giúp trong việc xử lý công việc hàng ngày mà là sự dự báo, định hướng cho sự phát triển tương lai và sự quản trị quá trình phát triển... Đây là những vấn đề mà chúng tôi nghĩ là phải làm và phải tập trung nguồn lực để thực hiện.

Một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế từ 2016-2020 và tầm nhìn đến 2025 đã được tỉnh ký văn bản hợp tác. Theo đó, tỉnh sẽ lập thiết kế sơ bộ cho 10 dự án trọng điểm có tính chất đột phá trong phát triển để kêu gọi đầu tư. Có vẻ như, với du lịch, chúng ta còn nhiều cái để bắt đầu và bắt đầu lại?

Cũng phải nói là dù chưa được như kỳ vọng, nhưng du lịch vẫn đang phát triển, vẫn đang là ngành mũi nhọn cho phát triển của Thừa Thiên Huế nhưng chúng ta không bằng lòng và muốn vươn tầm lên, thu hút nhiều khách quốc tế hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng ta phải biết khách quốc tế cần gì, muốn gì và thích gì. Tỉnh đã có hợp tác với Akitek Tenggara để lập quy hoạch du lịch cho chúng ta... Tôi cảm nhận rằng, sau khi thực hiện quy hoạch, năm 2015 và sắp tới là 2016, các dự án trọng điểm mà quy hoạch định hướng đã có các nhà đầu tư vào nghiên cứu. Ví dụ như Bạch Mã đã có nhà đầu tư đã huy động nguồn lực riêng, mời hai đơn vị tư vấn từ Đức và Mỹ sang quy hoạch cho chúng ta và sau đó, sẽ kêu gọi đầu tư với quy mô lớn hơn về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và tâm linh trên cơ sở tôn trọng tính nguyên sinh của Vườn Quốc gia Bạch Mã

Hiện các nhà đầu tư lớn như Bitexco, Marriott, Hiltol, Vingroup và nhiều tập đoàn khác đã đến Huế. Đây sẽ là những kết nối tốt với các thương hiệu quốc tế, lữ hành và các hạ tầng khác cho phát triển. Tôi nghĩ rằng đây là những dấu hiệu khởi sắc cho du lịch Huế trong tương lai.

Một nguồn đầu tư trị giá 9.000 tỷ đồng sẽ được tỉnh đầu tư trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2030 để xây dựng Huế thành đô thị xanh của Việt Nam và là điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Có thể đặt vấn đề gì về tính khả thi của dự án? Và chúng ta sẽ bắt đầu bằng những nguồn lực nào?

Nếu bằng lòng với hiện tại, không hướng đến tương lai và nếu chúng ta không có một chút hy vọng, kỳ vọng và tham vọng nào thì chúng ta sẽ không phát triển. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, đây là một đề án chứ không phải dự án. Và nguồn lực 9.000 tỷ này chúng tôi cũng xác định là phải thực hiện trong một thời gian khá dài, đến 2030, từ nguồn vốn đầu tư ngân sách, theo các kế hoạch trung hạn, các nguồn vốn từ dự án ADB cho vay lên trên 1.500 tỷ mà chúng ta đang thỏa thuận, các nguồn vốn từ các dự án ODA khác về nước, hạ tầng kỹ thuật, giao thông; nguồn vốn huy động từ các DN tham gia đầu tư các hạ tầng kỹ thuật xã hội và du lịch dịch vụ… Nguồn nữa là từ người dân khi họ đầu tư cho nhà của mình, cho các công trình của mình.

Tổng hòa từ các nguồn lực, tôi nghĩ, đến 2030 chúng ta có thể thực hiện được đề án này. Những năm đầu còn khó khăn nhưng kinh tế của chúng ta được tập trung mạnh với các dự án lớn được đầu tư từ năm 2015 – 2016 thì cũng phải vài ba năm sau mới có kết quả. Khi đó chúng ta sẽ có năng lực phát triển lớn, ngân sách thu được nhiều và có điều kiện để phát triển cũng như thể hiện được tính khả thi của đề án.

Và cuối cùng là điều mà ông muốn gửi đến độc giả của Báo Thừa Thiên Huế trước thềm năm mới 2016?

Tôi nhận thấy đây là năm mà chúng ta phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được những kỳ vọng, chỉ tiêu, nhiệm vụ; phải nỗ lực hơn, sáng tạo hơn , quyết đoán, đột phá hơn. Chúng tôi mong muốn Thừa Thiên Huế phát triển mạnh về kinh tế, không chịu để tụt hậu về kinh tế và từ đó, phát triển và thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng tốt hơn.

Đối với chính quyền, sẽ có những cải cách, thay đổi từ mỗi công chức viên chức để bắt kịp và hòa nhập với sự phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn toàn dân sẽ giám sát, hiến kế, hỗ trợ và đồng lòng với hoạt động của chính quyền để Thừa Thiên Huế thực sự phát triển.

Xin chúc một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, đoàn kết và thành công.

BÌNH NGUYÊN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Return to top