ClockChủ Nhật, 16/08/2020 17:13

Chuyện ở xóm Thương

TTH - Chiều chập choạng, chiếc xe khách dừng lại trước xóm Thương. Người đàn ông sau khi xuống xe, cõng chiếc ba lô lủi thủi đi vào giữa xóm, nơi có căn nhà lạnh lẽo mấy năm nay, kể từ lúc chủ nhà là bà Thụ (gọi theo tên con trai), qua đời. Người trong xóm chỉ trỏ: “Thằng Thụ về nơi rồi tề. Nghe đâu nghỉ hưu rồi. Đất được chia hồi ly hôn con Phượng, hắn bán, đưa tiền cho nhân tình xây nhà. Nghe đâu nhân tình hắn độ này lô đề, nhà cửa bay rồi. Hắn trắng tay, về sửa lại căn nhà của mạ hắn để ở”.

Ông Thụ làm nghề lái tàu hỏa, mỗi chuyến đi vài ba ngày, có khi cả tuần hoặc nửa tháng. Công việc tổn hao sức khỏe nên 55 tuổi thì về hưu. Có người đay: “Đến tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, nhà cửa ấm cúng, thì nay không nhà không cửa, chẳng vợ chẳng con. Đáng kiếp. May cho hắn là còn cái chỗ mà về”.

Xóm Thương coi nhau như bà con anh em. Nhà nào có chuyện, cả xóm đều biết, để khuyên không cho làm việc xấu, để giúp đỡ hay tha thứ, bỏ qua cho nhau những điều không phải. Nhà nào xảy ra chuyện, cũng được xóm giúp giải quyết êm đẹp. Chỉ có chuyện nhà “thằng Thụ” xảy ra cách đây 18 năm, xóm Thương dù đã hợp sức khuyên, cản, nhưng đành chịu.

Vào cái đêm thằng cu Hào còn là bào thai 4 tháng tuổi nằm trong bụng mẹ, Thụ đóng chặt cửa ngõ, đánh vợ một trận thừa sống, thiếu chết. Tiếng la của Phượng, tiếng khóc ré của ba đứa con gái khiến xóm Thương nhốn nháo. Mọi người phá mấy lớp khóa, xông vào đưa vợ Thụ đến bệnh viện cấp cứu. Cu Hào nằm lại được trong bụng mẹ. Nhưng mẹ nó thì gãy mất 4 cái xương sườn, mặt mũi, mình mẩy sưng phù, phải nằm viện điều trị hơn tháng trời.

“Vợ nó mà nó đánh như kẻ thù. Lại còn đứa con trong bụng vợ nó nữa. Mất hết nhân tính rồi, phải để pháp luật trừng trị”- cha mẹ Phượng căm hận. Sự việc được đưa đến công an. Sau khi Phượng ra viện, cha mẹ Phượng đón con gái về thành phố  ở với mình. Họ dứt khoát, phải để công an làm cho ra lẽ.

Người trong xóm không hiểu vì sao Thụ lại đánh vợ dã man đến thế, nhất là trong lúc cô đang mang thai. Ai cũng biết Phượng rất yêu chồng, rất chăm chỉ. Phượng đặt chiếc máy may nơi góc nhà, cặm cụi sửa áo quần cũ. Hàng ngày lo chợ búa cơm nước, dọn dẹp nhà cửa sạch bong, chăm sóc ba đứa con lít nhít mạnh khỏe, thơm tho.

Phượng biết kính trên nhường dưới, hiếu kính mẹ chồng, lại hay giúp đỡ người khác. Mấy mẹ con ở nhà lúc nào cũng cơm canh đạm bạc. Hôm nào Phượng đi chợ sớm, lựa tôm tươi, cá béo với nụ cười tủm tỉm, thì y như rằng hôm đó Thụ về. Ngay cả việc mang thai đứa con thứ tư, cũng là Phượng cố ráng kiếm mụn con trai, để chồng vui. Người xóm Thương chắc mẩm, Thụ có được cô vợ như vậy là phước ba đời.

Sau trận Thụ đánh vợ, người trong xóm mới vỡ nhẽ, té ra lâu nay Thụ coi thường hắt hủi vợ, vì Phượng không làm ra tiền và vì vợ… không biết đẻ. Thụ có nhân tình ở thành phố lớn thuộc tỉnh khác. Phượng nhiều lần năn nỉ khuyên can, đều bị Thụ xỉa xói, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Phượng phải khóc giấu khóc giếm. Chẳng qua Thụ vắng suốt, Phượng lại kín tiếng chuyện xấu trong nhà, nên không ai biết. Cái lần Thụ đánh vợ tàn nhẫn là do buổi chiều Phượng dám gay gắt đòi chồng chấm dứt với nhân tình.

Người xóm Thương nuốt cục tức xuống bụng, khuyên Thụ biết trân trọng vợ, quay về vun vén gia đình. Thụ vâng dạ, tỏ vẻ ân hận. Mấy người lớn tuổi mừng thầm, bắt xe bus lên thành phố, thăm hỏi Phượng và động viên cô tha thứ cho chồng: “Con cho hắn cơ hội để mấy đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ. Lại còn cái đứa nằm trong bụng mi đây nữa. Chẳng lẽ hắn chưa ra đời đã không có cha”? Mẹ của Phượng trợn mắt: “Ân hận chi loại hắn. Chẳng qua công an đã khởi tố, hắn biết phải đi tù, phải mất việc nên mới ngọt nhạt để con Phượng rút đơn. Mấy lần hắn dày mặt mò lên đây, nhà tui cấm cửa, lấy chổi quét hắn như quét rác. Con Phượng thà không có chồng. Cháu tui thà không có cha, còn hơn sống với loại chồng, loại cha mất nhân tính như thế. Có lần này rồi sẽ có lần khác. Lỡ đâu lần sau không được may mắn, con tui mất mạng thì sao”.

Không vào cửa nhà cha mẹ vợ được, Thụ viết thư tay. Phong thư dài 5 trang giấy, nhắc lại kỷ niệm thời yêu đương ngọt ngào và lời van nài, hứa hẹn tha thiết. Phượng sụt sịt nói với cha mẹ, rằng nghĩ cho cùng nếu Thụ mất việc, vào tù, tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các con của cô. Thôi thì mở cho anh ta cánh cửa, cũng là để những đứa trẻ được yên lành. Thế là cô quay về nhà. Thụ chịu khó chở vợ đi chợ, đứng ngoài cổng kiên nhẫn chờ Phượng lựa mớ rau, con cá. Người ta bắt gặp nụ cười tủm tỉm trên gương mặt chưa hết dấu vết bầm tím của Phượng. Thôi thì Thụ biết sai mà sửa, cũng còn được.

Nhưng chưa kịp hỉ hả bao lâu thì dân xóm Thương há hốc khi biết, ngay sau lúc Phượng rút đơn, công an đình chỉ vụ án hình sự, Thụ lập tức trở mặt, gửi đơn đến tòa án xin ly hôn, để ở hẳn với nhân tình. Lại một lần nữa những người trong xóm nuốt cục tức, phân tích, khuyên, cản Thụ, nhưng lòng gã lạnh như tiền. Phượng bảo: “Đã đến nước này, cháu cũng muốn giải thoát cho mình. Ly hôn thì ly hôn”.

Không ngờ cuộc ly hôn kéo dài đến 5-6 năm. Cả bốn đứa con do Phượng chăm sóc. Tòa buộc Thụ cấp dưỡng cho bốn đứa, mỗi tháng tổng cộng một triệu hai. Riêng phần tài sản, Thụ bảo đất của mẹ Thụ cắt vườn ra cho vẫn chưa làm giấy tờ, sang tên. Giờ vợ chồng ly hôn, đất trả lại cho mẹ Thụ. Bà mẹ nghe theo Thụ, cũng khai như vậy.

Phượng thì khẳng định, nguồn gốc đất của mẹ chồng thật, nhưng vợ chồng bỏ tiền ra mua. Chẳng qua vì là mẹ con nên không viết giấy mua bán, cũng chưa làm thủ tục tách thửa sang tên. Trăm sự nhờ tòa xét xử, đừng đẩy một người phụ nữ và bốn đứa con dại ra đường. Xử vòng lui vòng tới, đến phiên tòa lần thứ tám, tòa quyết định nhà đất là tài sản chung của vợ chồng. Cắt phần đất trống rộng hơn giao Thụ. Phần đất có nhà giao Phượng. “Đời mi trần ai thiệt. Ly hôn cũng trần ai nữa. Thôi ráng lên con”- Xóm trưởng ngậm ngùi an ủi.

Phượng ráng hết sức. Ban ngày đi làm thuê. Tối đến lạch cạch sửa quần áo cũ. Có rẻo đất nào Phượng trồng sả bán. Có việc gì cần thuê, dân xóm Thương dành phần cho Phượng. Con cái cũng xúm vào phụ mẹ. Mẹ con cực khổ trăm bề, nương tựa nhau mà sống. Được cái con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, đi làm mấy năm nay. Hai cô con gái kế đang học đại học. Thằng cu út chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba. Mẹ con quây quần.

Từ ngày ông Thụ trở về, các con khang khác, có điều giấu giếm mẹ. Thực ra bà Phượng biết, lâu nay các con vẫn lén sang nhà bố, ăn vội với bố nửa bữa cơm. Để nửa bụng về ăn với mẹ. Mấy hôm nay, ông Thụ ốm phải nằm viện. Mấy đứa con lại giấu bà, ra hàng mua cháo, mang vào viện cho bố. Thật đúng là “máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó”. Ông Thụ có làm điều tệ bạc thì vẫn là bố của các con bà. Không hận, giận mà còn quan tâm lo lắng cho bố, có nghĩa các con bà đã trưởng thành. Đi chợ sớm lựa con cá tươi, nấu nồi cháo, bà Phượng gọi các con múc vào cặp lồng đưa đến bệnh viện. Ngơ ngác giây lát, cả mấy đứa ùa vào ôm vai, ôm cổ mẹ.

Nếm miếng cháo, ông Thụ bỗng nhiên rơi nước mắt. Bây giờ không có lời khuyên lơn nào, nhưng ông Thụ thấm thía ân hận. Ông nằm viện nên đâu biết, đó cũng là lúc người xóm Thương đến gặp bà Phượng, thủ thỉ: “O coi, mấy đứa con o hắn tội chưa tề…”.

PHẠM THÙY CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top