ClockThứ Hai, 20/06/2016 17:56

Cơ duyên với nghề

TTH.VN - Tôi đến với báo chí như một cơ duyên. Ở đó tôi được học những bài học cơ bản của cuộc sống, được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, góp nhặt cho mình những kiến thức văn hóa vùng miền khác nhau làm dày thêm hành trang trên con đường dài phía trước.

Học những điều nhỏ nhất

Nhớ những ngày còn sinh viên, ngồi ở ghế giảng đường khoa Văn, vì muốn được đi, được viết nên tôi đến với báo chí để thoả đam mê. May mắn, tôi được người quen giới thiệu với những đàn anh có thâm niên, dày dặn với nghề. Hơn hết, các anh là những người từng trải, đi lên bằng nghề với nhiệt huyết và tình yêu mãnh liệt nên khi nghe tin tôi xin “học nghề” các anh đã gật đầu liền, không một chút e ngại.

Bài học đầu tiên tôi là đọc báo hàng ngày. Đọc để biết một bản tin các phóng viên viết ra sao, câu chữ, nội dung hàm chứa điều gì, và vấn đề cốt lõi làm sao để khi đến tay bạn đọc phải cuốn hút. Mỗi ngày tôi học một ít, học từ cái nhỏ đến cái lớn. Đơn giản vì là dân ngoại đạo nên mọi thứ bắt đầu hơi khó khăn.

Suốt hai tháng ròng như vậy, ngày nào tôi cũng đọc. Đọc từ những tờ báo trung ương cho đến báo địa phương. Một khi đã “rành đọc”, các anh bắt đầu tập tành cho tôi viết những bản tin sơ đẳng nhất. Bản tin đầu tiên của tôi được đăng đó là chuyện đăng thông tin “Tuyển tình nguyện viên Festival Huế 2012”. Để có được một bản tin chưa đầy 150 chữ, tôi phải vật vã, nắm nót từng câu chữ, thế mà vẫn dài và… dở. Gửi các anh, các anh kêu cắt, cắt thiệt ngắn. Làm lui làm tới chừng 10 lần như vậy, các anh mới bắt đầu biên tập, chỉ những điểm sai sót cơ bản, thậm chí đặt tít ra sao cho ngắn gọn mà vẫn toát lên được điểm nhấn của một bản tin. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, những bản tin lần lượt được lên trang trong niềm sung sướng của một đứa sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Hết tin sang bài, hết bài sang ảnh. Mỗi ngày học một ít. Đi từ dễ đến khó. Chuyển từ tin sang bài, triển khai, nâng tầm vấn đề với một đứa như tôi lúc đó vô cùng khó khăn. Đi sâu vào từng chi tiết, khai thác triệt để thông tin, tiếp đến gặp lãnh đạo các ban ngành để phỏng vấn. May mắn khi gặp những cán bộ cởi mở, bài viết sẽ nhanh, dễ dàng. Trái lại, gặp những “vị” khó, tôi bị truy vấn, bởi lúc đó còn là sinh viên, các thủ tục liên quan đến pháp lý, giấy giới thiệu… Và nhiều lần như vậy, các anh đứng ra can thiệp, liên hệ giúp. Về nhà, các anh dạy tôi rằng “mình là người cần họ”, bởi thế, khi đi tìm họ phỏng vấn phải kiên nhẫn, tiếp cận vấn đề từ từ, nhẹ nhàng, nhưng cương quyết và dứt khoát. Tuyệt đối không được tỏ vẻ, không được “ta đây”…


SV Khoa Báo chí ĐH Khoa học Huế tác nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Huế 

Bài học tận tâm với nghề

Viết chưa xong, các anh bày luôn học ảnh. Ngày đó, công nghệ hiện đại, nhưng một đứa sinh viên khoa Văn vừa bắt tay vào nghề thì một chiếc máy ảnh đã khó, huống gì đòi hỏi máy xịn. Vậy là các anh cho mượn máy, lâu dần khi đã có chút vốn liến thành thạo, chính các anh đã đứng ra cho tôi vay tiền mua máy. Cầm trên tay chiếc máy ảnh bán cơ đắt tiền lòng vừa mừng, vừa lo. “Đừng tưởng có máy ảnh xịn là chụp ngon. Chụp ảnh báo chí, chớ không phải chụp hình nghệ thuật” – các anh đã nói như vậy nhiều lần sau mỗi khi tôi gửi ảnh về. Và, đơn giản thôi, đi chụp lại dù quãng đường đó xa cả trăm cây số. Đó là bài học tận tâm với nghề, với từng bức hình, với đứa con tinh thần. Các anh dặn kỹ, trên hết phải phục vụ bạn đọc một cách tối đa. Hai năm cuối ở giảng đường đại học, lui tới cơ quan báo chí để vừa học việc với một đứa sinh viên như tôi điều đó thật tuyệt vời.

Ngày ra trường, tôi được giới thiệu lên Tây Nguyên để tiếp tục học việc và thường trú cho một tờ báo. Ở đó, tôi được bắt đầu với một vai trò phóng viên thực thụ. Được viết, được làm việc với các nguồn tin, quan hệ với đồng nghiệp một cách bình đẳng. Chính thời gian ở đây đã nuôi dưỡng, cho tôi những trải nghiệm vô bờ bến. Từ những con dốc, làng hoa, vườn rau, dòng thác, ngọn núi… mỗi địa danh là một câu chuyện, một điển tích vùng miền văn hóa. Càng đi tôi càng biết nhiều, có nhiều tư liệu để viết và yêu thêm nghề. Tôi thầm biết ơn những vùng đất mà mình đã đi qua, đã nuôi dưỡng mình bằng giọt sương, ngọn gió. Cảm ơn những con người nghĩa hiệp, hào sảng luôn dang rộng vòng tay cưu mang, chia sẻ một đứa tay ngang khi vừa bước vào nghề.

Trên hành trình dài, tôi đang bước tiếp với nghề. Dẫu mai này chưa biết ra sao vẫn xin được hết mình, trọn vẹn với nghề và học tập ở những người anh, người chị, người bạn, người em đồng nghiệp trên con đường viết lách. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin gửi lời chúc đến các anh chị đồng nghiệp lời cảm ơn chân tình, đã dìu dắt tôi vào nghề, chỉ dạy tận tâm, cho tôi những bài học không có trong trang sách hay giảng đường, đã yêu thương vô điều kiện. 

Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Return to top