ClockThứ Tư, 07/08/2013 10:54

Cơ hội giải quyết vấn nạn bèo tây

TTH - Bèo tây phát triển tràn lan khắp các sông, hồ, đầm phá, gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất, giao thông, cảnh quan môi trường. Trước vấn nạn bèo tây, một dự án sử dụng chế phẩm sinh học Micromix-3 để xử lý bèo tây thành phân hữu cơ sinh học được triển khai tại 5 huyện, thị xã, mở ra một hướng mới cho người nông dân.

Bèo tây lấn sân sông, đầm

 

Xuôi thuyền trên đầm phá Tam Giang trong những ngày đầu tháng 8, đập vào mắt chúng tôi là những thảm bèo tây bềnh bồng phủ kín mặt đầm phá bao la rộng lớn. Sự phát triển của bèo đã vượt ra khỏi phạm vi những khúc sông, ao, hồ vẫn thường thấy ở những vùng bị ô nhiễm. Theo anh Trần Tiễn, một ngư dân ở thôn Trung Làng, xã Quảng Thái (Quảng Điền), mọi năm, thuyền lớn thuyền nhỏ thường vào đến bến sông Nịu để chở khách, chở hàng hóa, thế nhưng năm nay, do bèo phủ đặc đầm phá, nhất là từ đoạn đập Cửa Lác vào đến sông Nịu, thuyền không thể cập bờ được.

 

Bèo dày đặc ảnh hưởng đến việc lưu thông của thuyền đò

 

Chính lượng bèo dày đặc đã gây ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của người dân. Cứ sau vài ngày, những hộ có nuôi cá lồng chắn sáo trên phá Tam Giang phải vệ sinh, trục vớt bèo. Bèo phủ kín mặt nước đã gây cản trở ôxy lưu thông, làm cho cá tôm khó sinh sống. Anh Trần Hiệu, Bí thư Chi đoàn thôn Trung Làng cho hay, thời gian trước, xã đã huy động sức dân để trục vớt, nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng là bèo sinh sôi trở lại. Không những chính quyền địa phương bất lực mà ngay cả những ngư dân trực tiếp mưu sinh trên phá cũng bó tay.

 

Thực tế, bèo tây không hoàn toàn có hại mà bộ rễ của chúng có thể cải tạo được môi trường nước. Tuy nhiên, nếu lượng bèo sinh sôi nhiều thì sẽ gây nguy hại đến các công trình giao thông, cảnh quan thôn xóm. Hiện nay, nhất là sau những tháng nắng, bèo tây lây lan và lấn sân trên khắp các dòng sông, ao hồ lớn nhỏ. Để chuẩn bị đối phó với mưa lũ sắp đến, tránh tình trạng gây sập cầu cống, nhiều địa phương đã trích ngân sách kết hợp huy động sức dân để vớt bèo, khơi thông các lưu vực. Việc làm này vẫn được lặp đi lặp lại thường xuyên và chỉ là giải pháp tạm thời, chưa đem lại hiệu quả cao. Trước thực tế đó, tiếp nối sự thành công và khả năng nhân rộng của dự án cấp cơ sở được triển khai thí điểm ở thị xã Hương Thủy vào năm 2009, năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Trung tâm) đã nhân rộng mô hình xử lý bèo tây bằng chế phẩm sinh học Micromix-3 thành phân hữu cơ sinh học tại 5 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà và Hương Thủy.

 

Nhiều lợi ích mang lại

 

Qua triển khai, dự án đã khảo sát tại một số nhánh sông, hói, kênh rạch ở các xã, như: Phong Bình (Phong Điền), Quảng Phú, Quảng Thành (Quảng Điền), Hương Phong, Hương Vinh (Hương Trà), Thủy Vân, Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Đa, Vinh Thái (Phú Vang)... có lượng bèo hơn 26.000 tấn/năm. Với lượng bèo tây phát triển nhanh đột biến cùng với phụ phế phẩm nông nghiệp đang thải ra môi trường tại nhiều địa phương, nếu áp dụng mô hình này sẽ là nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Lượng phân được làm ra từ bèo đã được nhiều hộ thử nghiệm vào việc trồng các loại cây như hoa màu ngắn ngày, cây cảnh, hoa, lúa... So sánh đối chứng cho thấy, những diện tích được bón phân hữu cơ sinh học có sức chống chịu tốt, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao hơn. Điển hình là mô hình thử nghiệm trong trồng hoa ở xã Thủy Vân, bón phân tại ruộng lúa Thủy Thanh (Hương Thủy), bón rau xanh ở xã Quảng Thành, Quảng Phú... Một số đơn vị cũng tin dùng chế phẩm sinh học Micromix-3 để xử lý bèo tây, rác thải trên các sông, hồ trong khu vực nội thành Huế, hay cung ứng theo yêu cầu của người dân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học trong sản xuất nông nghiệp không những mang lại hiệu quả trước mắt cho người nông dân, mà nó còn góp phần cải tạo đất, tăng độ phì cho đất. Chi phí để làm ra nguồn phân bón này cũng rất thấp vì tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ và lao động nhàn rỗi của địa phương. Do thấy được lợi ích trong việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nguồn bèo tây thành phân hữu cơ sinh học, nhiều người dân muốn tiếp tục nhân rộng mô hình và được hỗ trợ nguồn chế phẩm trong thời gian tới.

 

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, sắp tới, được sự hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm sẽ triển khai 1 dự án trực tiếp sản xuất ra chế phẩm sinh học Micromix-3 và chế phẩm này sẽ cung ứng cho người dân với giá rẻ hơn để người dân chủ động trực tiếp xử lý bèo tây làm phân hữu cơ sinh học. Trung tâm có kế hoạch đầu tư một máy vớt bèo và xe vận chuyển để đưa về trại sản xuất nấm ở thị trấn Phú Đa (Phú Vang) và sản xuất ra phân bón hữu cơ phục vụ cho mô hình trồng nấm đang được trung tâm thực hiện tại đây.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Return to top