ClockChủ Nhật, 29/04/2018 16:38

Đãi ngộ nghệ nhân, đừng chần chừ nữa!

TTH - Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất có nhiều nghệ nhân dân gian. Mặc dù đã biết cách sử dụng và khai thác giá trị của “Những báu vật nhân văn sống” này, song việc đãi ngộ dành cho những công lao đóng góp của họ vẫn còn là điều đáng suy nghĩ.

Truyền nhân ẩm thực cung đình Huế được vinh danh "Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam"6 nghệ nhân ưu tú được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dânNghệ nhân của gỗNhà hát nghệ thuật ca kịch Huế được Bộ VHTTDL khen thưởngĐêm bế mạc tôn vinh nghệ nhân làng nghề

Biểu diễn Nhã nhạc tại Đại Nội

Truyền nghề và diễn xướng

Từ khi bắt tay vào khôi phục lại các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đã liên tục mời các nghệ nhân tham gia giảng dạy và thực hành cho các nghệ sĩ của nhà hát. Trong những khóa đào tạo nhạc công và diễn viên của nhà hát, những người như các cố nghệ nhân Trần Kích, Nguyễn Kế, Lữ Hữu Thi hay các nghệ nhân Nguyễn Đình Vân, Trần Thảo… đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong việc dìu dắt các bậc hậu sinh.

Cụ Trần Kích là một biểu tượng tiêu biểu. Cụ được xem là người thầy truyền dạy Nhã nhạc Cung đình Huế. Lúc sinh thời, người dân Huế vẫn thường nhìn thấy lão nghệ nhân cao tuổi này rong ruổi đạp xe tới các trường học nghệ thuật, Câu lạc bộ Phú Xuân hay Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế để dạy cống - xê - xự - xàng… (ký âm của Nhã nhạc tương ứng với các nốt đồ - rê - mi – fa…). Nhiều học trò của cụ đã là những nghệ sĩ tên tuổi ở Huế, như La Cẩm Vân, Tôn Nữ Lệ Hoa, Quý Cát, Đại Dũng, Trần Thảo…

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó đặc biệt có nhã nhạc, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã và đang chú ý đến các nghệ nhân đang nắm giữ những "bí quyết" nghề nghiệp. Theo Nghệ sĩ nhân dân Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát, ngoài những nghệ nhân, nghệ sĩ đang có những đóng góp nhất định cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của Huế, còn có những nghệ nhân, nghệ sĩ hành nghề ngoài dân gian. Họ có thể đã một thời làm diễn viên, nhạc công ở cung đình hoặc được những nghệ sĩ cung đình trao truyền lại những bí quyết nghề nghiệp. Đây chính nguồn thầy giáo phong phú có thể tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhà hát đang tiếp tục tìm kiếm và tạo điều kiện cho họ.

Cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi (bìa phải) từng là người thầy đặc biệt của nhiều nhạc công Nhã nhạc hiện nay

Chưa thỏa đáng

Huế tự hào là vùng đất văn vật, có nhiều nghệ nhân bậc nhất đất nước. Hầu như lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nào cũng có bóng dáng các nghệ nhân với tư cách là “Những báu vật nhân văn sống”. Chỉ tính ở vài lĩnh vực đã thấy, nếu Nhã nhạc cung đình có các cụ Trần Kích, Lữ Hữu Thi và rất nhiều người khác nữa thì ca Huế có các nghệ sĩ Minh Mẫn, Quỳnh Hoa, Thái Hùng… Lĩnh vực bài chòi cũng đóng góp nhiều nghệ nhân, tiêu biểu như ông Trần Duy Chựa.

Là vốn quý và là báu vật nên chế độ đãi ngộ dành cho các nghệ nhân là vấn đề đặt ra. Nhìn ra nước ngoài, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có hẳn một chế độ dành cho nghệ nhân là những báu vật sống. Phương Tây lại có cách làm khác, họ không chu cấp tiền hàng tháng cho các nghệ nhân mà tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và từ đó, nâng cao thu nhập. Với việc mời gọi tham gia truyền nghề và diễn xướng, Thừa Thiên Huế đã có một cách đi đúng hướng. Tuy nhiên, thực tế không phải nghệ nhân ở các bộ môn nghệ thuật nào cũng có thể tham gia truyền nghề hay diễn xướng và ngay trong một lĩnh vực, do những điều kiện khác nhau về sức khỏe, môi trường và khả năng, công việc này chỉ dừng lại ở một số gương mặt nhất định.

Nhà hát Duyệt Thị Đường được xem là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn và làm sống lại môi trường diễn xướng của Nhã nhạc. Xem trọng giá trị đích thực của các nghệ nhân, mỗi đợt tập huấn hay mỗi công trình nghiên cứu khoa học, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đều dành một khoản kinh phí để bù lại công sức mà các nghệ nhân đã bỏ ra. Tuy nhiên, cũng đã có nguyên nhân gây trở ngại khi nghệ nhân và nhà hát phối hợp với nhau, trong đó có vấn đề về nguồn kinh phí hạn hẹp. Cũng là câu chuyện từ nhà hát này, việc đãi ngộ dành cho các nghệ nhân là không thường xuyên. Chỉ khi nào nhà hát xây dựng các hồ sơ khoa học, phục dựng các bài bản hay vũ khúc cung đình..., các nghệ nhân mới được mời tham gia. Công việc kết thúc, họ phải làm nhiều nghề để mưu sinh.   

NSND Phan Thị Bạch Hạc cho rằng, để có chính sách đãi ngộ thích ứng và phù hợp, cần tiếp tục nghiên cứu và xây dựng hồ sơ “báu vật nhân văn sống” có cơ sở pháp lý và nguồn trích dẫn kinh phí hỗ trợ lâu dài. Rõ ràng, khi được Nhà nước đãi ngộ xứng đáng, nghệ nhân sẽ không ngần ngại trao truyền lại các bí quyết nghề nghiệp cho thế hệ tương lai. Mặt khác, các thế hệ kế tiếp cũng sẽ nhìn vào đó để phấn đấu, rèn luyện trở thành những nghệ nhân kế tục và nhờ vậy mà các loại hình nghệ thuật không bị gián đoạn và thất truyền. Đó là cái lợi thấy rõ. 

Ngày 28 /10 /2015, Chính phủ có Nghị định số 109/2015/NĐ – CP về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, ngoài tiền thưởng, các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc diện này tùy theo mức độ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hưởng hỗ trợ mai táng phí. Tuy nhiên, dù đã hơn 1 năm có hiệu lực nhưng đến nay vẫn có nhiều nghệ nhân chưa nhận được hỗ trợ thường xuyên.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
2 nghệ nhân của Huế được vinh danh Nghệ nhân âm nhạc cung đình - Gugak Master

Mới đây, tại cuộc họp lần thứ hai của Ban cố vấn quốc tế (IAB) trực thuộc Liên hiệp Nghệ nhân Văn hoá (Gugak Masters Inc.) đã đưa ra xem xét 6 ứng cử viên cho danh hiệu Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình (Gugak Master) danh giá bao gồm: Bà Sruti Respati đến từ Indonesia, ông Abdulhamit Raimbergenov đến từ Kazakhstan, bà Mohichehra Shamurotova và ông Bakhshiqul Togaev đến từ Uzbekistan, bà Phan Thị Bạch Hạc và ông Huỳnh Đức Tiễn đến từ Việt Nam. Kết quả, 6 ứng cử viên được đề cử đã nhận được chấp thuận từ Ban cố vấn quốc tế.

2 nghệ nhân của Huế được vinh danh Nghệ nhân âm nhạc cung đình - Gugak Master
Return to top