ClockThứ Ba, 13/04/2021 09:10

Dâu ngọt

Gắn kết tình thânBông hồng đỏNhững đứa trẻ

Bệnh nhân Khoa Nội tổng hợp - Lão khoa phần lớn là người lớn tuổi, nhiều bệnh nhân trên 80 tuổi. Đang phòng chống dịch COVID-19, bệnh viện quy định mỗi bệnh nhân chỉ được có 1 người nhà chăm sóc. Nhưng nam bệnh nhân từ huyện Nam Đông về, tầm hơn 75 tuổi tình trạng bệnh rất nặng, “dây dợ” cắm đầy người, nằm mê man (nhân viên y tế hướng dẫn người nhà thỉnh thoảng phải lay gọi để người bệnh “tỉnh giấc”), vệ sinh cá nhân tại chỗ, ăn uống phải bón từng thìa rất khó khăn, nên được “đặc cách”, có 2 người nhà luôn bên cạnh. Đó là đôi vợ chồng trẻ, gọi bệnh nhân bằng bố.

Phòng bệnh chật nên chồng cô gái ngồi ngoài hành lang, giúp vợ mỗi lúc cần đỡ bố trở nghiêng người hoặc ngồi dậy; chạy lui chạy tới những việc cần thiết. Riêng cô gái luôn túc trực, để ý từng ly từng tí mỗi cử động, bón cháo, bón nước, xoa bóp tay chân, thay bỉm tã cho bố. Chăm sóc người bệnh nặng vất vả là thế, nhưng chưa lúc nào than thở, trái lại, cô gái đó thường xuyên nở nụ cười, mỗi khi người bố “tỉnh giấc”. Là người dân tộc Pa Cô, người bố từ lâu không “ra ngoài” nên không quen giao tiếp bằng tiếng Kinh. Cô gái dỗ dành bố bằng tiếng mẹ đẻ. Không hiểu cô nói gì, nhưng tất cả những người trong phòng bệnh đều thấy giọng nói, mỗi cử chỉ cô chăm sóc bố là bằng tất cả nỗi lo lắng, yêu thương. Có lẽ bên cạnh sự chăm sóc y tế, thuốc men tận tình của bệnh viện, yêu thương đó cũng là “liều thuốc” quý, nên sau hơn một tuần ở bệnh viện, bệnh nhân tỉnh táo hẳn, ăn uống dễ dàng hơn, sức khỏe tốt hơn nhiều.

Ai cũng nghĩ, chắc cô gái là con ruột của người bệnh. Chỉ có tình yêu thương sâu sắc, sự hiếu kính rất lớn đối với bậc sinh thành, mới có thể nhẫn nại và hết lòng từ ngày này qua ngày khác, trong không khí rất “mệt mỏi” nơi bệnh viện. Điều mọi người nghĩ hoàn toàn có lý, bởi thực tế trong phòng bệnh, phần lớn những bệnh nhân khác cũng được con gái “trực chiến” chăm sóc. Một bác bệnh nhân “kết luận”: “Những lúc ốm đau bệnh tật như này, thì chỉ có con gái mới hết lòng với cha mẹ thôi. Trông mong gì con dâu. Chua lắm!”. Trong lúc ai nấy gật gù đồng tình với câu “cảm thán” đó, thì cô gái nở nụ cười: “Cháu là con dâu của bố cháu ạ”. Ai nấy “tròn mắt”. Trong ánh mắt của mọi người là sự ngạc nhiên pha rất nhiều nể phục. Tình cảm và sự chăm sóc bằng cả tấm lòng của cô gái ấy “nói lên” rằng, trong cuộc đời này có những cô dâu rất… ngọt, bởi họ biết thảo hiền đối với cha mẹ chồng. Cho đi yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương, trân trọng, những “chất liệu” xây dựng hôn nhân, gia đình và cuộc sống hạnh phúc. Điều đáng quý đó sẽ được tiếp nối, lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, khi họ là tấm gương đẹp cho con cháu và những người xung quanh.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Return to top