ClockThứ Hai, 14/02/2022 07:06

Để phụ huynh yên tâm khi tiêm vắc-xin cho trẻ

TTH - Các trường đang lấy ý kiến về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Bước đầu cho thấy, đa số phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin cho con, tuy nhiên, vẫn còn phụ huynh đang cân nhắc khi lo lắng về những phản ứng phụ có thể xảy ra.

Đa số học sinh từ 12 tuổi trở lên đều đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Ảnh: THU HIỀN

Chị Lê Thị Ngọc Diễm ở phường Tây Lộc (TP. Huế), có hai con nhỏ đang học bậc tiểu học rất vui trước thông tin con sẽ sớm được tiêm vắc-xin. Chị bảo, tiêm vắc-xin cho trẻ là cần thiết, nhất là khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp mà các em nhận thức về thực hiện 5K trong phòng dịch còn hạn chế. Tình hình này, nếu không tiêm vắc-xin, các con khó đi học liên tục được.

Nhiều trường có tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con tiêm vắc-xin khá cao. Thầy  giáo Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung cho biết, có trên 95% phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vắc-xin đợt một. Cũng theo thầy Sinh, học sinh đi học trở lại ở thời điểm này là cần thiết và đúng thời điểm. Bởi các em, các cháu đã nghỉ quá dài. Không đến trường trong thời gian rất lâu khiến các em sẽ gặp nhiều khiếm khuyết về mặt kiến thức, bên cạnh đó là nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử... Đặc biệt, với học sinh tiểu học, trẻ đang ở độ tuổi học nói, học viết nhưng không được tương tác với thầy cô, bạn bè. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả về mặt thể chất và tinh thần.

Tư vấn sức khỏe học đường cho học sinh tiểu học

Theo thống kê của ngành giáo dục & đào tạo, có 320 giáo viên và 2.628 học sinh là F0. Trong nhóm học sinh, có đến 1.348 F0 ở khối tiểu học. Đây cũng là vấn đề mà phụ huynh lo ngại, muốn con tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để được bảo vệ. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thực sự yên tâm nên nhiều người vẫn “đang cân nhắc”, nhất là các em có bệnh nền, thể trạng yếu. Hơn nữa, phụ huynh sợ gặp phản ứng phụ sau tiêm. Thế nên, nhiều người đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn việc nên hay không nên cho con tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Chị Nguyễn Thùy Mai, phụ huynh ở phường An Cựu kể, tôi  đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn và được biết vắc-xin  nào cũng có tỷ lệ sốc phản vệ nhất định. Nhưng bác sĩ cho biết, nếu không tiêm, khi nhiễm COVID-19, những em béo phì, mang bệnh nền có nguy cơ trở nặng. Con trai tôi lại thuộc diện thừa cân nên hai vợ chồng thống nhất cho con tiêm để tránh dịch bệnh trước mắt. Tuy nhiên, chị Mai bày tỏ mong muốn được biết đầy đủ và sớm các thông tin về vắc-xin trước khi đăng ký để có thêm cơ sở để cân nhắc.

Test nhanh COVID-19 ở Trường tiểu học Thuận Thành

Trên các diễn đàn dành cho phụ huynh có con học tiểu học ở TP. Huế, nhiều phụ huynh mong các em được khám sàng lọc kỹ lưỡng, nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe mà có khả năng tác động đến quá trình tiêm. Với những trường hợp nghi ngờ, cần dừng tiêm hoặc chuyển các em lên bệnh viện lớn hoặc trung tâm tiêm chủng có uy tín. “Các cháu còn nhỏ, chưa có ý thức tự nhận biết các triệu chứng hay dấu hiệu bất thường sau tiêm nên cần có chế độ chăm sóc, tái khám đặc biệt để phát hiện nguy cơ trong những ngày đầu”, một phụ huynh đề xuất.

Những phụ huynh chưa cho con tiêm vắc-xin - dù là vì do dự hay các nguyên nhân khách quan như con thuộc nhóm nguy cơ cao, bị bệnh nền - đều có chung băn khoăn: liệu các em có được đảm bảo quyền học tập như các bạn đã tiêm hay không?

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, nếu phụ huynh lo ngại, chưa cho con tiêm đợt này thì quyền lợi học tập của các em vẫn được đảm bảo. Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Y tế làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh yên tâm cho con tiêm vắc-xin. Nếu có ý kiến, đề xuất của phụ huynh liên quan đến vắc-xin cho học sinh, ngành giáo dục sẽ làm việc với ngành y tế để giải đáp, tư vấn kỹ lưỡng.

Bài, ảnh: HUẾ THU

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

Với nhiều quy hoạch lớn mang tầm chiến lược ở Thừa Thiên Huế cũng như Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) và nhiều luật mới đã, sắp ban hành, hy vọng sẽ tạo động lực cho Thừa Thiên Huế bứt phá trong tương lai gần.

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

TIN MỚI

Return to top