ClockThứ Bảy, 01/08/2015 12:12

Đề xuất giải pháp bảo tồn ca Huế

TTH - Để bảo tồn và phát huy ca Huế, phải chú ý đồng đều ba nội dung: Truyền dạy, quảng bá ca Huế; Sáng tác lời ca Huế; Vai trò của các cơ quan liên quan. Trong thời gian qua, nhiều lúc chưa có sự chú ý, quan tâm đồng đều đến ba bộ phận này.

Truyền dạy, quảng bá

Tăng cường hơn nữa việc dạy hát và đàn ca Huế và dân ca, nhất là đối với lớp trẻ và các trường học. Việc này đã có làm nhưng cần chú ý hơn. Ca Huế là đỉnh cao của hình thức diễn xướng đơn lẻ của ca nhạc truyền thống dân tộc nên khó truyền dạy. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này cũng như đưa sân khấu vào trường học. Cần in nhiều hơn sách dạy học, giới thiệu về ca Huế.
Ca Huế thính phòng. Ảnh: Anh Phong
Các chương trình dạy đàn, hát ca Huế và dân ca cũng cần được phát trên sóng Phát thanh truyền hình tỉnh. Các băng tiếng, băng hình về chương trình ca Huế và dân ca do đài tỉnh sản xuất cần được các đài truyền thanh, truyền hình thành phố Huế và các huyện, thị xã trong tỉnh sắp xếp để phát trong chương trình phát sóng của mình. Từ chỗ biết ca Huế qua giới thiệu, qua giọng ca, tiếng đàn dần dần người nghe hiểu được cái hay cái đẹp của ca Huế. Từ đó, hình thành công chúng yêu thích ca Huế. Đó là một quá trình lâu dài, kiểu “mưa dầm thấm đất”.
Định kỳ tổ chức nhạc hội ca Huế, khoảng 2 năm một lần. Để khỏi nặng nề về “thi thố”, nên tổ chức dưới hình thức liên hoan, có thể trong khuôn khổ Festival Huế nhưng với nội dung phong phú hơn. Nhạc hội là nơi gặp gỡ, giao lưu, hội thảo, tọa đàm, biểu diễn, thưởng thức ca Huế, tôn vinh ca Huế, ngày hội của những người “tri âm tri kỷ” qua tiếng đàn lời ca… Địa điểm tổ chức nhạc hội vừa có cả nơi “lầu son gác tía”, vừa có dòng sông con đò, nhà vườn… là những không gian diễn xướng truyền thống của ca Huế. Cũng xin lưu ý thêm ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ ca Huế (Từ đường tổ ca Huế được xây dựng ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Huế). Có thể đưa hoạt động viếng từ đường là một nội dung của liên hoan. Tại liên hoan, còn tổ chức tổng kết trao giải cuộc thi sáng tác lời mới; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có nhiều đóng góp trong biểu diễn ca Huế, dân ca… Liên hoan sẽ quy tụ những cá nhân, tập thể đưa đến các tiết mục mà mình tâm đắc như ca hát, độc tấu, hòa tấu. Những tiết mục tham gia đều được biểu dương, trao tặng phẩm, không nặng nề về giải thưởng.
Đẩy mạnh việc sáng tác lời mới
Những người viết lời mới cho ca Huế trước đây đã ít, ngày nay lại càng ít hơn; các tác giả thành danh thưa thớt dần. Các cơ quan văn hóa, đoàn nghệ thuật, chú ý hơn đến điều này, nhất là phát hiện đào tạo, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Có thể tổ chức mở lớp sáng tác, tọa đàm về vấn đề này. Phải xây dựng được đội ngũ tác giả viết lời mới. Cần khuyến khích các tác giả thơ tham gia viết lời mới cho ca Huế, dân ca. Có thể hai năm một lần, các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí… phối hợp tổ chức thi sáng tác lời mới các làn điệu ca Huế. Các bài dự thi được tuyển chọn in thành sách phục vụ cho việc học hát ca Huế, dàn dựng các tiết mục. Điều dễ hiểu là nếu không có đội ngũ sáng tác lời “có tay nghề” thì không thể có lời mới chất lượng được. Qua đó cũng góp phần thu hút khán thính giả đến với ca Huế. Xin nói thêm việc xuất bản các bài lời mới của ca Huế nói riêng và ca Huế dân ca Bình Trị Thiên nói chung hiện nay cũng rất hiếm hoi. Nên có quỹ hỗ trợ để giúp các tác giả in ấn tác phẩm của mình.
Lời ca Huế còn đến hôm nay có một giá trị văn học nhất định và đã được khẳng định. Đó là vì tác giả là những trí thức, những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật... Trước giải phóng (1975), có một số tập tuyển lời ca Huế được xuất bản. Từ sau 1975, chúng ta chưa có những tuyển tập lời ca Huế. Chỉ có vài người riêng lẻ cho ra vài đầu sách về sáng tác lời ca Huế. Vấn đề ở đây là công tác đào tạo, bồi dưỡng khuyến khích đội ngũ sáng tác lời như đã nêu ở trên. Đề nghị báo chí Thừa Thiên Huế, các ấn phẩm văn hóa của thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh… in một số lời ca Huế. Có kế hoạch tuyển chọn các bài có chất lượng đủ các làn điệu (bài bản) để in thành tập.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan
Hoạt động của Học viện Âm nhạc Huế, Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế, Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, các nhà văn hóa… hiệu quả hơn trong việc bảo tồn, phát huy ca nhạc Huế. Thành lập nhiều hơn các câu lạc bộ hát, đàn ca Huế, dân ca và có sự giao lưu giữa các câu lạc bộ này. Ở nhiều cấp, ngành khác nhau mà việc bảo tồn, phát huy giá trị ca nhạc Huế có những hình thức và cấp độ khác nhau. Ví dụ như về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo các diễn viên, nghệ sỹ, nhạc công…; lưu trữ các bài bản, tiết mục cũ và xây dựng các tiết mục mới, xuất bản sáng tác lời mới; có chế độ bồi dưỡng cho các nghệ nhân cao tuổi, nâng cao chế độ nhuận bút, biểu diễn… định kỳ tổ chức thi sáng tác lời ca Huế. Một tin vui là từ năm 2013, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thống nhất cùng nhau định kỳ 2 năm một lần Liên hoan ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên được tổ chức luân phiên ở mỗi tỉnh. Riêng đối với Thừa Thiên Huế, cần có thêm liên hoan ca Huế như ở trên đã nêu.
Chúng ta có các cơ quan quản lý văn hóa, đơn vị nghệ thuật, các thiết chế văn hóa khác, các cơ quan truyền thông… là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy ca nhạc cổ truyền nói chung và ca Huế nói riêng. Chúng ta lại có một đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu, sưu tầm, tác giả tâm huyết về lĩnh vực này. Vấn đề là làm sao tổ chức, liên kết lại với nhau để phát huy những yếu tố ấy.
Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top