ClockChủ Nhật, 25/12/2016 07:43

Đêm muộn cho Huế

TTH - Tiếp theo sau Hà Nội và Sài Gòn, cách nay hơn 70 năm, Huế đã là một trong vùng đất sớm nhất có những phòng trà ca nhạc.

Ở Hà Nội, nó là sự thay thế cho các quán cô đầu, nơi thưởng thức hát ả đào. Còn ở Huế, đơn giản đó là sự khởi đầu, khán giả đến quán (phòng trà) vào ban đêm để nghe ca sĩ hát. Thế nhưng, một thời phòng trà ca nhạc và cuộc đời ca sĩ phòng trà như vận bài hát “Tình đời” với những ca từ thật buồn. Vậy nên, không lạ khi đã có một thời gian dài ca nhạc phòng trà như một biểu tượng của sự ăn chơi và hưởng thụ, nó không được phép tồn tại.

Cũng là Huế, đã trở thành một trong những nơi tiên phong đón nhận sự hồi sinh trở lại của phòng trà ca nhạc. Nó đạt đến đỉnh điểm vào những năm đầu 2000, ngay sau đó do khó khăn, hàng loạt phòng trà phải đóng cửa và rồi trở lại âm thầm, bền bỉ và nhiều cảm xúc trong thời gian gần đây. Các phòng trà ở Huế là nơi trình diễn bên cạnh của những giọng ca lâu năm ở Huế là những sinh viên thanh nhạc, có giọng hát hay, trẻ đẹp với sự góp mặt của Học viện Âm nhạc Huế. Không ít phòng trà cũng đã chọn lối đi riêng thật khác lạ và linh hoạt trong tổ chức các sự kiện âm nhạc, đã trở thành điểm đến thú vị cho nhiều đối tượng nghe nhạc.

Nhiều năm qua, “Đêm Sài Gòn - Phòng trà của mọi nhà”, một chương trình ca nhạc phòng trà sóng truyền hình, đã xuất hiện trên kênh Let’s Viet. Cũng là những ca sĩ thành danh, cũng là những bài hát thuộc dòng nhạc trữ tình vốn trở thành đặc sản của âm nhạc phòng trà, cũng được nhà đài chú ý phát sóng vào “khung giờ đẹp”. Thế nhưng, xem ca nhạc phòng trà trên tivi vẫn là một cảm giác là lạ, trống vắng và nhạt nhòa. Đến với ca nhạc phòng trà là để nghe và có được những trải nghiệm trong một không gian gần gũi, ở đó không có sự cách ngăn giữa ca sĩ và người nghe. Tiếng hát của ca sĩ cất lên như lời tự tình và nhận được sự đồng tình từ phía khán giả. Nó không thể tìm thấy trong chương trình ca nhạc phòng trà trên truyền hình hay ở các sân khấu đông người.

Khi mà vì nhiều lý do Huế đã phải thiếu vắng các sân khấu ca nhạc thì sự xuất hiện và phát triển của các phòng trà là một sự thay thế xứng đáng, dù chưa phải đã vẹn toàn. Rất nhiều thần tượng âm nhạc đã đến được với người yêu thích xứ Huế thông qua các phòng trà. Họ có thể là ca sĩ của một thời đã qua đang sinh sống ở hải ngoại như Khánh Ly và Lệ Thu, hay những tên tuổi đang nổi lên trong nước như Khởi My, Đàm Vĩnh Hưng cùng nhiều ca sĩ khác. Nhớ có người đã nhận xét rất hay rằng, muốn nghe nhạc live, đến phòng trà. Muốn gặp thần tượng, đến phòng trà. Muốn một góc riêng tư, tránh xa mọi phiền nhiễu, lặng lẽ thả hồn mình vào âm nhạc đích thực, đến phòng trà. Dù mưa hay ráo, khi cầm ca cất lên, mỗi người sẽ được “phiêu” một kiểu...

Lâu nay có lời than phiền, là thành phố du lịch nhưng Huế vẫn là “thành phố ngủ sớm” khi nơi đây còn quá ít những thú vui cho người từ xa tới và cả những con người Huế. Thì đây, phòng trà ca nhạc là câu trả lời khi nó là thú vui đêm muộn, không ồn ào mà nhẹ nhàng và sâu lắng với nhiều tâm sự, sẻ chia, gần gũi với tâm hồn và tính cách văn hóa Huế. Nó càng đáng nhớ hơn vào thời khắc này khi Huế đang vào đông với những đêm khuya rả rích.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra
Return to top