ClockThứ Năm, 20/12/2012 05:33

Diệt “sâu” để bảo vệ hình ảnh du lịch Huế

TTH - Vấn nạn kinh doanh hàng hóa “chụp giật”, cấu kết với cò, tăng giá hàng hóa, dịch vụ đang tác động tiêu cực đến du lịch Huế.

Bức xúc kinh doanh du lịch “chụp giật”

 

Bà Trần Thanh Tâm, trú tại 94B/17 Trần Khắc Chân, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, ngày 13/11/2012, bà vào Đại Nội Huế tham quan, du lịch. Sau khi tham quan xong, bà có thuê 1 chiếc xích lô trước cổng Đại Nội chở đi tham quan xung quanh Đại Nội với giá thỏa thuận là 50.000 đồng. Trong quá trình chở đi, người xích lô đã đưa bà đến cửa hàng vải Phương Anh (74 Mai Thúc Loan). Tại đây, sau khi được chủ cửa hàng nài nỉ mua 1 bộ áo dài với giá 950.000 đồng, bà đồng ý mua và đặt tiền cọc 700.000 đồng. Tuy nhiên, khi bà đi khảo sát giá tại chợ Đông Ba thì cùng chất liệu vải này, giá chỉ 500.000 đồng. Bà có gọi điện thoại và đến tận cửa hàng để thương lượng lại, nhưng chủ cửa hàng không đồng ý đổi lại mà còn chửi bới và đe dọa bà. Ngoài ra, người xích lô khi chở bà về đã lấy tiền công là 100.000 đồng với lý do là “nhiệt tình” chở bà đi nhiều nơi, giúp bà mua được bộ áo dài hợp thời trang... Theo bà Tâm, hành động trên của chủ cửa hàng Phương Anh cũng như người xích lô đã làm xấu đi hình ảnh của du lịch Huế.

 

Chi cục Quản lý thị trường trong đợt ra quân, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ

 

Không chỉ bà Tâm, qua đường dây nóng của báo, đã có rất nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng “chặt, chém” khách ở các điểm tham quan, du lịch, nhất là dịp cao điểm. Điển hình vào các dịp, như: Festival, hè, nghỉ lễ 30/4 và 1/5, 2/9, Tết Nguyên đán... Những thời điểm đó, tình trạng các chủ khách sạn, các loại hình dịch vụ thi nhau tăng giá và kinh doanh theo kiểu “chụp giật”. Các điểm du lịch tha hồ nói thách, đòi giá cao. Đó là chưa kể tình trạng cân thiếu, hàng giả, hàng nhái khiến du khách khóc dở, mếu dở. Nhiều khách đi du lịch phàn nàn phải trả giá cao các dịch vụ ăn uống ở nhà hàng, khách sạn, bãi biển Thuận An… Một số nơi không có biển niêm yết giá, hoặc có niêm yết nhưng không rõ ràng. Hiện nay, tình trạng một số cò mồi còn cấu kết với các cửa hàng đồ lưu niệm, cửa hàng đặc sản Huế, chủ xe để “chăn dắt” khách vào đây, hưởng hoa hồng diễn ra khá phổ biến. Một số cửa hàng nâng giá bán sản phẩm để cho đối tượng cò hưởng lợi. Có nơi, số phần trăm mà cò được hưởng lợi lên 40%. Như thế du khách đã bị móc túi một số tiền không nhỏ trong chuyến đi của mình.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh chụp giật là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không quan tâm đến phát triển thương hiệu, chỉ cần bán được hàng và thu tiền nên chất lượng dịch vụ không được coi trọng. Chính vì vậy, cần phải có chế tài xử phạt mạnh mới mong chấn chỉnh được tình trạng này. Vừa qua, sau khi nhận được đơn của bà Tâm, các ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra cơ sở kinh doanh vải Phương Anh tại 74 Mai Thúc Loan. Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện cơ sở này có niêm yết giá, nhưng niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đội Quản lý số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở Phương Anh với số tiền 1.250.000 đồng. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, năm 2012, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 223 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm và đã xử lý 223 vụ, đạt 100% với số tiền xử phạt hành chính 210 triệu đồng.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thừa nhận: Mùa cao điểm du lịch, nhiều nơi nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan chức năng rất khó quản lý. Điển hình như dịch vụ khách sạn dưới 3 sao, các điểm bán hàng ở ngoài những điểm di tích, các điểm du lịch… Một trong những nguyên nhân khiến giá cao là do địa phương tổ chức đấu giá thuê đất, thuê lô kinh doanh quá cao; nhiều nơi chưa thực hiện việc niêm yết giá ở những địa điểm dễ nhìn thấy. Ngoài ra, tình trạng cò cấu kết với các khách sạn, nhà hàng, các điểm dịch vụ để ăn hoa hồng xảy ra khá phổ biến… Về vấn đề này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp lữ hành để phổ biến, yêu cầu phải quản lý chặt đội ngũ hướng dẫn viên không để tình trạng tùy tiện đưa khách du lịch đến các điểm kinh doanh không có uy tín để hưởng hoa hồng. Ngoài ra, sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở lưu trú không được tăng giá, nhất là khi diễn ra các sự kiện lớn, các lễ hội…

 

Với văn minh thương mại hiện nay, việc niêm yết giá là điều tất yếu thể hiện văn minh trong mua, bán. Ngoài ý thức của người bán hàng, người mua (người tiêu dùng, du khách) trong quá trình đi mua sắm hàng hóa cũng phải hiểu được quy định của Nhà nước về việc mua, bán hàng hóa. Người mua có quyền yêu cầu người bán phải có hóa đơn, trong đó ghi đầy đủ các nội dung về hàng hóa đã mua, làm cơ sở để khiếu kiện về sau này, nếu đó là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng giá cao...

 

Ông Nguyễn Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:
 
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát
 
Chi cục thường xuyên chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ trong đó có lĩnh vực giá. Đặc biệt trong các thời điểm Tết Nguyên đán, Festival Huế, Tết Trung thu...Chi cục chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động nắm sát diễn biến của thị trường, nắm rõ các điểm vui chơi, lễ hội diễn ra trên địa bàn để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát giá cả dịch vụ, Chi cục còn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có nội dung giá cả hàng hóa, dịch vụ. Những người mua hàng, đặc biệt là du khách phát hiện tình trạng nâng giá, ép giá... có thể liên lạc trực tiếp qua đường dây nóng của Chi cục là 054.3588508054.3588507 sẽ được Chi cục giải quyết kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
 
Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế:
 
Chú trọng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ
 
Thời gian gần đây, Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có chủ trương đầu tư, chỉnh trang các khu dịch vụ nhằm tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp; trong đó, chú trọng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Hiện nay, các điểm dịch vụ ở di tích đều được niêm yết giá công khai, rõ ràng. Cán bộ trung tâm luôn vận động người bán hàng ở các điểm dịch vụ phải thân thiện với khách du lịch với phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Liên quan đến dịch vụ ở các điểm di tích, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát, buộc các điểm dịch vụ phải bán đúng giá niêm yết. Bên cạnh đó, chúng tôi cho lắp đặt các hòm thư góp ý ở trong các điểm di tích để thu nhận những đóng góp, ý kiến phản hồi của du khách, trong đó có cả chất lượng dịch vụ, giá cả...Từ đó, có các biện pháp chấn chỉnh, làm trong sạch môi trường các điểm phục vụ khách tham quan du lịch.
 
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, TP Huế:
 
Vận động người kinh doanh có thái độ ứng xử lịch lãm
 
Phường Thuận Lộc tự hào có 3 điểm di tích lịch sử cách mạng, đó là Nhà lưu niệm Bác Hồ, Miếu âm hồn thờ tự các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến và Nhà thờ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bên cạnh đó, phường có chợ Thuận Lộc và các điểm mua bán vải, áo quần, giày dép, ẩm thực... dọc đường Mai Thúc Loan. Chính vì vậy, để thu hút khách du lịch đến tham quan, nhằm quảng bá cho phường Thuận Lộc, chính quyền địa phương ngoài việc quản lý tốt các điểm di tích cũng đã thường xuyên vận động người kinh doanh buôn bán giữ gìn an ninh trật tự, bán đúng theo giá niêm yết, giá thị trường, có thái độ ứng xử lịch lãm đúng với bản chất con người Huế đối với khách hàng, nhất là khách tham quan du dịch. Riêng sự việc xảy ra tại cửa hàng vải Phương Anh, phường đã kịp thời chấn chỉnh hành vi của chủ cửa hàng để không tái diễn hành động tương tự.
Thanh Hải (thực hiện)

 

Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top