Những người bán hoa tết trên đường Lê Duẩn ngồi lại với nhau sau một ngày vất vả. Họ xoay quanh câu chuyện và nỗi lo của vụ hoa tết
Vụ hoa Tết năm nay giữa câu chuyện thời tiết nắng ráo, hoa nở đều, đẹp sẽ bán được giá để kịp về đón giao thừa là ước nguyện của hầu hết chủ lô hoa ở các chợ hoa tết khắp mọi nẻo đường TP. Huế. Và họ quả quyết: “Nếu bán không hết sẽ đem về. Không bán kiểu bị ép giá vào cận giờ Giao thừa như mọi năm”.
Sợ trời mưa gió, người mua ép giá
Khác với khung cảnh tấp nập vào ban ngày của chợ hoa tết là những trải lòng giữa màn sương bao phủ và cái lạnh vừa đủ để xuýt xoa. 23h đêm, sau một ngày “khô hơi rát họng” mời chào người mua, chị Thu cũng như những chủ vựa quanh chợ hoa tranh thủ ăn vội ổ bánh mì để kịp lót dạ. Ăn xong, người phụ nữ có khuôn mặt lam lũ nhẩm tính hôm nay bán được hơn 40 cặp cúc và nói… tạm được.
Nhà chị Thu ở tận An Lưu (Phú Mỹ, Phú Vang). Vụ hoa năm nay gia đình chị trồng gần 400 cặp hoa cúc. Sau khi bán cho các thương lái, còn hơn 200 cặp chị thuê một lô ở chợ hoa Tết để trưng bán. Ít ai biết rằng, để có những chậu hoa cúc nở vàng rực rỡ như thế người nông dân như chị Thu phải lam lũ suốt gần 6 tháng trời, trải qua rất nhiều công đoạn ươm mầm, làm đất, chăm bón, cắt tỉa… Cả gia đình có tết hay không cũng phụ thuộc vào vụ hoa ấy.
“Có năm, đến đêm 30 Tết trời mưa tầm tã mà bán hoài không hết. Cả vợ chồng mời chào, khô hơi rát cổ nhưng vẫn không ai mua, hoặc có người mua thì người ta ép giá. Vừa bán, vừa rớt nước mắt. Hơn 1h sáng qua năm mới về nhà, buồn đến não nề”, chị Thu nhớ lại. Chị bảo, năm nay hoa đẹp, thời tiết tốt, không riêng gì chị mà những người trồng hoa cũng đưa hoa về phố sớm, người mua đến ủng hộ rất nhiều, nên cầu mong sẽ bán hết nhanh và có cái tết sung túc.
Ngồi gần chị Thu, đang nhấp chén trà nóng, anh Nguyễn Tấn Huệ (Thủy Vân, Hương Thủy) cũng hy vọng nhưng vẫn không quên những ám ảnh về các vụ hoa tết nhiều năm về trước bị ép giá. Anh kể: “Có năm chợ hoa Tết mưa tầm tã, đêm 30 Tết chỉ bán chưa được 1/2 trong số 400 chậu cúc. Càng sát giờ giao thừa thì người đi chợ hoa đông, nhưng họ tới để ép giá xuống còn chưa đến một nửa tiền”. Không còn cách nào khác, anh bán vội bán tháo. Năm đó, vụ hoa tết lỗ đậm, cả nhà anh ai cũng buồn.
Hỏi năm này sao, anh cười nói rằng, năm nay trồng hơn 400 chậu, thương lái từ Quảng Trị vào mua 200 chậu, còn lại thuê lô ở đây để bán. “Hoa tết năm ni vườn mô cũng đẹp. Mong rằng người mua ra phố mua sớm, ủng hộ, chứ đừng chờ đến cận giờ giao thừa mà ép giá. Nhất quyết bán không hết tui sẽ chở về”.
Thăng trầm theo mỗi chậu hoa
Đằng sau mỗi vựa hoa ở các chợ hoa Tết là những căn chòi “di động” được dựng sẵn. Đó là nơi các thành viên trong mỗi gia đình của người bán hoa thay phiên nhau nghỉ ngơi trong hành trình quyết định thắng thua của mỗi vụ hoa tết. Trong cái chòi nhỏ tầm xíu chừng 6m2 trên đường Lê Qúy Đôn, anh Dần (phường Xuân Phú, TP. Huế) chủ gian hoa đào buôn từ Nhật Tân (Hà Nội) không khỏi âu lo.
Với kinh nghiệm của một người gần chục năm đi buôn hoa đào Nhật Tân vào Huế bán, anh Dần cho biết, tâm lý người Huế bao giờ cũng đi khảo giá nhiều ngày trước khi quyết định mua một chậu hoa về chơi tết. Vì thế, người bán cũng lay lắt theo, đến ngày 29 – 30 Tết mới biết được thắng thua của vụ hoa. “Buôn bán ai cũng mong buôn nhanh bán đắt để về. Hoa giờ bán đầy, chẳng ai nói thách giá quá cao để mất khách. Vậy mà khách đâu hiểu…”, anh Dần nói với giọng buồn và mong người mua hiểu, chia sẻ với người bán.
Một người trồng hoa kê giường ngủ ngay giữa gian hoa tết của mình
Dù chưa đến mức căng thẳng, đập bỏ các chậu hoa như nhiều chợ hoa Tết ở miền Nam nhưng người bán hoa tết ở Huế cũng từng có suy nghĩ đó. Không kể một vụ hoa dài đằng đẵng nửa năm, công sức chăm bón và ám ảnh thời tiết bất thường xứ Huế, người trồng còn phải thuê lô, thuê công và xe vận chuyển rất tốn kém.
“Nhiều khi như một canh bạc” – anh Trường (Phú Thượng, Phú Vang) thở dài. 52 tuổi, hơn 10 năm thâm niên trồng hoa tết, anh Trường từng nếm đủ mùi vui buồn, đắng cay với cái nghề chân lấm tay bùn. Anh kể, có năm lời cả trăm triệu, nhưng cũng có năm lỗ chừng ấy. “Ai cũng thấy bông hoa nở đẹp. Nhưng có ai thấy thăng trầm mỗi chậu hoa đâu. Nhiều khi chỉ biết ngó lên trời, rồi trăm sự nói “nhờ trời!” – anh Trường giọng nghèn nghẹn.
Mỗi mùa hoa tết sẽ khép lại trước giờ giao thừa. “Canh bạc” cũng sau thời gian ấy mới biết được thắng thua. Nhưng người bán hoa tết chưa bao giờ nguôi hy vọng. Họ luôn ước nguyện mua may bán đắt, người bán nhanh hết, người mua vui lòng, chịu chi…
Bài, ảnh: Phan Thành