ClockChủ Nhật, 30/12/2018 06:50

Chàng trai Pa Cô “khai sinh” nghề nuôi lợn rừng

TTH - Nuôi lợn rừng trong những năm gần đây trở thành phong trào lan tỏa từ miền núi đến vùng biển, nhưng ít ai biết người “khai sinh” nghề nuôi lợn rừng là chàng trai Pa Cô Hồ Xuân Trạch ở xã Hồng Kim (A Lưới).

Gương sáng nữ thanh niên Pa CôChiếc gùi của người Pa CôSử thi A Chất của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô

Từ một tay săn

Hồ Xuân Trạch từng là một tay săn lợn rừng ở huyện miền núi A Lưới. Bất cứ ai có nhu cầu mua thịt lợn rừng đều được người dân A Lưới giới thiệu ngay đến anh Trạch, từ vài kg đến nguyên con, thậm chí vài con đều được đáp ứng. Hầu hết các quán ăn có thịt lợn rừng trên địa bàn huyện A Lưới đều do anh Trạch cung cấp.

Chăm sóc lợn rừng nái tại gia trại anh Hồ Xuân Trạch

Trong một lần săn bắt cách đây hơn 8 năm, dù rong ruổi khắp các khu rừng vẫn không tìm thấy lợn rừng, Hồ Xuân Trạch mới nhận ra, lợn rừng đang ngày càng khan hiếm do tình trạng săn bắt vô tội vạ. Từ đó, anh nghĩ đến chuyện lai tạo giống lợn rừng tại vườn nhà để cung ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

“Săn bắt riết sẽ có ngày tận diệt, không có nguồn để cung cấp nhu cầu thị trường. Có lẽ đến lúc phải lai tạo, phát triển đàn lợn rừng tại vườn nhà để bán”, anh Trạch nghĩ.

Hồ Xuân Trạch khăn gói vào rừng săn bắt lợn về làm nguồn giống. Sau mấy ngày tìm kiếm tại nhiều khu rừng, anh bắt được 2 cá thể lợn rừng đực và 3 cá thể lợn rừng cái. Những ngày đầu nuôi tại vườn nhà, 3 trong số 5 con lợn vì chưa kịp thích nghi môi trường mới nên thường bỏ ăn, nguy cơ bị bệnh. Qua tra cứu sách vở, tìm hiểu các biện pháp chữa trị trên mạng internet, các cá thể lợn được anh chăm sóc bài bản, được thả nuôi y hệt với môi trường tự nhiên nên chúng nhanh chóng thích nghi, phát triển tốt.

Với phương thức nuôi thả rong tại vườn nhà, cho ăn các loại rau rừng, thân chuối, sau hơn một tháng các cá thể lợn đến tuổi trưởng thành, trọng lượng trung bình mỗi cá thể 15kg. Từ bản năng giao phối hoàn toàn tự nhiên, cả 3 cá thể lợn cái đều thụ thai và sinh sản lứa đầu tiên được 25 con. Những lứa lợn con đầu tiên được anh Trạch giữ lại nuôi thương phẩm, mở rộng quy mô gia trại.

“Tui thật sự không ngờ nuôi lợn rừng sinh sản lại dễ đến vậy! Lứa đầu tiên mỗi con lợn nái sinh sản đến 8 con. Ấy thế mà lâu nay cứ vào rừng săn bắt khiến số lượng cá thể lợn rừng tự nhiên ngày càng giảm sút nghiêm trọng”, anh Trạch nuối tiếc.

“Muốn nuôi lợn rừng theo quy mô gia trại, trang trại đòi hỏi diện tích phải rộng từ vài ngàn mét vuông đến một vài ha để lợn đi lại thoải mái, tự do như môi trường tự nhiên của chúng. Trong khu vườn chăn thả phải trồng nhiều loại cây cối, rau rừng vừa tạo nguồn thức ăn, vừa làm nơi trú ngụ cho lợn vào mùa nắng nóng. Nguồn nước uống cho chúng ban đầu hoàn toàn từ nước suối, quá trình tập làm quen, thích nghi sẽ chuyển dần sang cho uống nước sinh hoạt tại nhà”, anh Trạch chia sẻ.

Đến gia trại lợn rừng

Theo anh Trạch, nuôi lợn rừng cơ bản giống với nuôi các loại lợn thông thường, thậm chí đơn giản hơn, hầu như không xảy ra dịch bệnh. Nguồn thức ăn của chúng chủ yếu rau rừng, thêm một ít rau khoai, chuối trồng tại vườn nên giảm chi phí đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên quá trình nuôi cần phải tích cực chăm sóc, chế độ ăn uống đầy đủ, chuồng trại nuôi phải thoáng mát, ấm áp mới đạt năng suất cao. Tại gia trại của anh thường có 3-5 lao động, am hiểu về công tác thú y, vệ sinh chuồng trại, chế biến thức ăn... với mức lương bình quân mỗi người 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài cung cấp lợn thịt cho các lái buôn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, anh Trạch kết hợp gầy đàn lợn bố mẹ phục vụ sinh sản để cung ứng nhu cầu con giống trên địa bàn huyện A Lưới và toàn tỉnh nói chung. Đến nay tại gia trại anh có hơn 100 con lợn bố mẹ, khả năng sinh sản rất nhanh. Mỗi năm một con lợn nái sinh sản hai lứa, trung bình 20 con trở lên.

Thịt lợn rừng có mùi vị thơm ngon được nhiều người ưa chuộng nên không chỉ dễ bán mà còn được giá. Thời điểm hiện tại, giá mỗi kg thịt lợn rừng dao động trên dưới 150 ngàn đồng. Khách hàng của anh Trạch không chỉ tại huyện A Lưới mà còn cả các nhà hàng trên địa bàn TP. Huế và các vùng lân cận. Bình quân mỗi năm chàng trai người Pa Cô cung cấp cho thị trường 80-90 tạ thịt thương phẩm.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi lợn rừng, nhiều hộ ở các vùng đồng bằng, kể cả vùng biển tìm đến gia trại của anh Trạch học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Gia trại của anh trở thành “trung tâm” cung ứng lợn rừng giống uy tín, quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Cứ một cặp lợn giống có giá dao động từ 5 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào trọng lượng càng lớn thì giá càng cao. Ước mỗi năm gia trại của anh thu nhập trên 50 triệu đồng từ bán lợn giống.

Theo ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, những năm gần đây, chăn nuôi lợn rừng trở thành mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình chăn nuôi lợn rừng, từ các vùng đồng bằng đến miền núi Nam Đông, A Lưới; bình quân mỗi mô hình có quy mô vài chục con đến 100 con trở lên. Nguồn giống lợn rừng ban đầu đều xuất phát từ gia trại anh Hồ Xuân Trạch ở xã Hồng Kim (A Lưới), về sau được các hộ tự nhân giống, phát triển đàn.

HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Nghị lực của chàng trai Pa Cô

Dám theo đuổi ước mơ làm giàu trên miền đất khó, chàng trai trẻ người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh, trú tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới đã trở thành tấm gương sáng về sự kiên trì và nghị lực. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Mạnh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả nhờ tinh thần lao động bền bỉ và sự sáng tạo trong chăn nuôi, trồng trọt.

Nghị lực của chàng trai Pa Cô
Italy chật vật ứng phó với dịch tả lợn

Ông Alberto Cavagnini - chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Italy đã phải tiêu hủy hơn 1.600 con lợn của mình do dịch tả lợn, một loại virus đe dọa ngành công nghiệp thịt lợn trị giá 20 tỷ euro của Italy, bao gồm cả món thịt lợn muối sấy khô (prosciutto) nổi tiếng thế giới của nước này.

Italy chật vật ứng phó với dịch tả lợn
Chàng trai Pa Cô lan tỏa tinh thần vươn lên

Biết lựa chọn mô hình làm ăn phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Mạnh, người dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Thái (A Lưới) là một trong những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2023.

Chàng trai Pa Cô lan tỏa tinh thần vươn lên

TIN MỚI

Return to top