ClockThứ Tư, 18/10/2023 14:11

“Giữ lửa” làng nghề đệm bàng Phò Trạch

TTH - Nghề đan lát đệm bàng đã gắn liền với bà con Phò Trạch, đi vào tên tuổi của làng - Phò Trạch đệm. Dẫu cái vẻ nhộn nhịp, vui tươi thời xưa nơi làng nghề dần mai một, nhưng những người bà, người mẹ nơi đây vẫn từng ngày nhẫn nại giữ nếp nhà, nếp làng.

Tìm “chất liệu” để phát triển sản phẩm du lịch cho làng cổ Phước TíchCùng “hồi sinh” làng cổLễ hội ẩm thực “Tinh hoa nghề bún” thu hút 45 nghìn lượt khách

 Những người phụ nữ "giữ lửa" nghề đan đệm bàng Phò Trạch. Ảnh: Trung Hiếu

Phò Trạch, ngôi làng ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền là nơi có địa hình thấp, lũ lụt bủa vây quanh năm, nhưng bù lại nơi đây được mẹ thiên nhiên ưu ái cho loại cỏ bàng có sức sống mãnh liệt, bền bỉ. Cỏ bàng đã góp sức hình thành nên một làng nghề thủ công truyền thống hàng trăm năm tuổi - nghề đệm bàng Phò Trạch.

Sản phẩm lâu đời của làng là đệm, tức là chiếu để nằm. Đến nay, các sản phẩm khác từ cỏ bàng cũng được người dân nơi đây khéo léo cho ra đời: mũ, nón, dép, túi xách... Để làm ra sản phẩm thủ công truyền thống này, người làng phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, công phu, từ khâu thu hoạch, phơi khô, đập bàng đến đan thành thành phẩm.

Dưới đôi tay khéo léo, tỉ mẩn của những người bà, người mẹ, nghề đệm bàng ở ngôi làng này đã được lưu truyền, gìn giữ qua hàng trăm năm. Cái tên Phò Trạch đệm như một minh chứng cho sức sống tiềm tàng qua bao đời nay của làng nghề.

“Trời sinh cái nghề của ông cha, nhìn rồi biết thôi chứ không ai bày hết. Thấy ba mẹ, anh chị trong nhà làm, mình cũng làm theo từ khi 9-10 tuổi nên quen tay thôi” - bà Nguyễn Thị Liễu, xã Phong Bình, huyện Phong Điền chia sẻ về ký ức đến với nghề.

Bắt đầu biết làm nghề từ khi mới lớn, đến nay đã lên chức cụ, bà Liễu vẫn miệt mài với nghề đan lát thủ công. Bà sinh ra, lớn lên và lấy chồng cùng quê - thôn Triều Quý thuộc làng Phò Trạch đệm. Cả cuộc đời gắn liền với ngôi làng này, nghề đệm bàng đã trở thành nếp nhà, ăn sâu vào máu thịt bà.

Đã ngoài 80, bà vẫn bền bỉ đạp cối, say sưa lật từng bó bàng dưới cối. Dăm ba ngày, dân làng lại thấy hình ảnh người bà lưng còng, ôm bó bàng bên hông trở về nhà, khi trời đứng bóng. Những người như bà Liễu đã “giữ lửa" cho làng nghề Phò Trạch đệm ngày một âm ỉ cháy trong dòng chảy thời gian như thế.

Người dân truyền tai kể nhau nghe: Ngày xưa, những người con gái làng khác đến làng làm dâu phải học đan lát. Con gái trong làng đi lấy chồng ở đâu cũng mang “cái nghề làng” đi theo. Đến nay, những nghệ nhân nhà ở làng nghề truyền thống này hầu như chỉ là những con gái, những dâu làng ngày ấy. Nay đã là cụ, là bà, là mẹ. Họ vẫn từng ngày, từng giờ bám nghề, yêu nghề truyền thống quê nhà.

Bà Trần Thị Cháu, 80 tuổi, ở xã Phong Bình gắn bó với nghề đệm bàng từ nhỏ cho biết: “Xưa chỉ làm đệm thôi. Bữa nay nhiều dự án trên tỉnh đưa về xã, có nhiều sản phẩm mới. Đa phần những người trẻ làm sản phẩm này để chủ doanh nghiệp thu mua, đưa vào chợ Đông Ba, chợ Tây Lộc. Các cụ như tuổi chúng tôi chỉ đan đệm, chẹ để bán ở chợ làng”.

Bà tâm sự, giờ người trẻ ở làng ít làm nghề đan lát này hơn. Lớn lên đi vào Nam, lên thành phố lập nghiệp, hiếm có ai ở lại làng để học đan lát. Người dân làng cũng dần chuyển sang làm nông hết. Sản phẩm thủ công truyền thống dần mai một vì phần lớn người dân tìm đến các sản phẩm hiện đại.

Khi được hỏi về mong muốn của bà đối với nghề, bà Cháu chia sẻ: “Hiện tại đến đời tôi, ở làng chỉ có vậy. Cũng có thêm một số ít ngang đời con tôi vẫn theo nghề này. Chỉ mong nghề này vẫn được lớp trẻ duy trì và sống được với nghề".

May mắn là đến hôm nay, Phò Trạch đệm vẫn rộn rã tiếng đập bàng đầu làng. Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Huế Việt, Marie's cỏ bàng Huế... đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư duy trì và phát triển vùng nguyên liệu cỏ bàng. Cùng với đó, các đơn vị đã đầu tư máy móc sơ chế, máy sấy và hợp tác với địa phương trong việc sử dụng nhân công lao động có tay nghề, biết nghề đan truyền thống để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện môi trường như túi xách, ví, giày dép, mũ... để phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng rộng lớn hơn. Liên kết này không chỉ tận dụng lao động có kinh nghiệm tay nghề tại địa phương, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho bà con mà còn làm "sống" lại làng nghề trước nguy cơ dần mai một.

Hình ảnh những bà, những mẹ cặm cụi bên bó đệm bàng, tay thoăn thoắt đan mỗi ngày vẫn giữ lại tất thảy những tinh hoa nơi một làng nghề đậm nét truyền thống Việt Nam.

Những nghệ nhân như bà Liễu, bà Cháu hay thế hệ con, cháu họ vẫn ngày đêm miệt mài, kiên trì đập bàng. Họ lấy nhà làm xưởng, khéo léo đan lát bằng một tình yêu son sắt với quê hương. Họ là người “thổi lửa" vào đệm bàng, nung nấu vẻ đẹp của một làng nghề đã được lưu truyền bao đời - làng nghề đệm bàng Phò Trạch.

Phương Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội
Sản phẩm cho du lịch làng nghề?

Nhiều làng nghề đã bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, những làng nghề nổi tiếng của Thừa Thiên Huế còn có thể phát triển về du lịch.

Sản phẩm cho du lịch làng nghề
Bảo tồn làng nghề để phát triển kinh tế và văn hóa

Trong số các làng nghề định danh ở Huế đến giờ đã có hơn 20 làng nghề truyền thống, như đúc đồng, kim hoàn, làm hương, làm gốm, hoa giấy, điêu khắc gỗ mỹ nghệ, đan lát… Sản phẩn các làng nghề trên bây giờ đã có mặt trong và ngoài nước. Nhiều người xứ Huế dù ở đâu vẫn luôn nhớ về những sản phẩm làng nghề đặc sắc ở quê nhà.

Bảo tồn làng nghề để phát triển kinh tế và văn hóa

TIN MỚI

Return to top