Một tiểu phẩm tại hội thi CLB gia đình năm 2016
Số liệu tương đối
Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh chỉ có 0,13% số hộ xảy ra BLGĐ; số vụ BLGĐ duy trì ở mức thấp, dao động trong khoảng dưới 400 vụ/năm, trong đó năm 2014 là 346 vụ, năm 2015 là 338 vụ và năm 2016 là 379 vụ. Số liệu này đặt ra mối nghi ngờ do tình trạng mâu thuẫn dẫn đến ồn ào, xô xát ở một số gia đình vẫn xảy ra khá thường xuyên nhưng chưa được thống kê hết. Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xác nhận, đây chủ yếu là các vụ việc gây bức xúc, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và lực lượng công an, còn những vụ việc nhỏ rất khó kiểm soát; việc thống kê và xử lý số liệu về BLGĐ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Theo chân người làm công tác gia đình tại thị xã Hương Thủy, chúng tôi hiểu được những khó khăn trên là có thật. Đến một gia đình nhiều lần xảy ra bất hòa để thăm và làm công tác tinh thần, song cả hai vợ chồng từ chối sự giúp đỡ. Chị H.T.B (phường Thủy Phương), khẳng định: “Vợ chồng em lâu lâu mới lớn tiếng với nhau. Cũng không có chuyện gì to tát mà mọi người phải đến đây”. Người làm công tác gia đình cố gắng phân tích, nhưng sự khước từ từ phía gia đình khiến cuộc nói chuyện chẳng mấy hiệu quả ngoài những lời khuyên, động viên.
Bà Cái Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy chia sẻ, trường hợp kể trên là thực tế chung của công tác gia đình. Lâu nay, khi tình hình chưa đến mức quá căng thẳng, nhiều gia đình vẫn muốn đóng cửa “nhà tui, tui lo”. “Bản thân tôi trực tiếp làm công tác gia đình, nhà hàng xóm la mắng nhau cũng chưa thể can thiệp được. Có lần thấy hai vợ chồng cãi nhau, tôi qua thuyết phục nhưng cả hai phản ứng. Họ cho rằng chuyện nhà họ người ngoài không nên can thiệp”, bà Duyên nói.
Khó khăn trong việc kiểm soát chính xác tình trạng BLGĐ cũng xảy ra ở địa bàn vùng cao. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến người dân thiếu hợp tác, đầu tiên là sợ dư luận biết, tâm lý e ngại, không muốn chuyện của mình bị công khai. Thậm chí có trường hợp lo ngại lực lượng chức năng can thiệp thì mâu thuẫn sẽ lớn hơn.
Theo bà Thêm, không chỉ đánh đập mà cãi nhau, bỏ mặc không quan tâm cũng là một dạng BLGĐ, đây là dạng bạo lực có thể nhìn thấy được. Trong khi đó, bạo lực tình dục, kinh tế, bạo lực tinh thần rất khó kiểm soát. Nguyên nhân là do người trong cuộc còn e ngại, chưa thực sự phối hợp.
Cần sự đồng hành của người dân
Những năm qua, ngành văn hóa tỉnh triển khai nhiều phương án, kế hoạch nhằm giảm thiểu, hạn chế BLGĐ. Tại cuộc họp phối hợp tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng đại diện Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình khẳng định, phải thẳng thắn đối diện với thực trạng hiện nay, mạnh dạn nói ra cái xấu, cái chưa làm được, khó khăn để tháo gỡ. Đây là một chủ trương rất quyết liệt nhằm đẩy lùi BLGĐ, xây dựng nền tảng gia đình hạnh phúc hướng đến một xã hội hạnh phúc. Song vướng mắc lớn nhất chính là nhận thức và tâm lý của người dân dẫn đến việc thiếu hợp tác.
Giải pháp quan trọng cần làm ở thời điểm hiện tại là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao gây BLGĐ để người dân hiểu và phát huy vai trò của mình trong việc đẩy lùi BLGĐ, trong đó phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành ngăn chặn từ mầm mống các vụ mâu thuẫn, không để mâu thuẫn “bùng phát”. Giải pháp này cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía chính quyền địa phương.
Hiện nay, khá nhiều địa phương có các mô hình phòng chống BLGĐ, trong đó có sự hoạt động tích cực của các câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống BLGĐ, kịp thời can thiệp khi xảy ra vụ việc và giúp đỡ ban đầu cho các nạn nhân. Kinh nghiệm những địa phương làm tốt công tác phòng chống BLGĐ cho thấy, để giảm thiểu BLGĐ thì hai yếu tố cơ bản là người làm công tác gia đình phải nhiệt tình, tận tâm và người dân phải thực sự đồng hành.
Bà Hồ Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện A Lưới (đơn vị làm tốt công tác phòng chống BLGĐ) chia sẻ: “Tôi cũng từng làm việc ở hội phụ nữ, gắn bó trực tiếp với công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi thấy nếu người dân không nhận thức được vấn đề bình đẳng giới, không hiểu la mắng nhau cũng là một dạng bạo lực và nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn lớn thì rất khó để đẩy lùi bạo lực gia đình.
Hơn 5 năm nay, xã A Ngo thành lập Câu lạc bộ về bình đẳng giới. Mỗi lần sinh hoạt, chúng tôi đề nghị các cặp vợ chồng thẳng thắn nói ra những khúc mắc của mình. Có những mâu thuẫn như vợ không thích chồng uống rượu, chồng không thích vợ “càm ràm”. Nhưng nếu họ giấu trong lòng thì ức chế, dễ xảy ra mâu thuẫn. Nhờ được chia sẻ mà giờ đây, tình trạng bạo lực gia đình tại A Ngo giảm đáng kể”.
Rõ ràng, khi để mâu thuẫn quá lớn mới phối hợp những người làm công tác gia đình để giải quyết thì chuyện cũng đã rồi. Cách tốt nhất để ngăn chặn BLGĐ là người dân nên hợp tác, đồng hành với các cơ quan, ban ngành và người làm công tác gia đình để kịp thời phát hiện và “xoa dịu” từ những mầm mống bất hòa.
Bài, ảnh: Minh Tâm