ClockChủ Nhật, 09/08/2020 06:40

Làng quê thương nhớ

Về Phước TíchVề nghe tĩnh lặng

Ngày xửa ngày xưa...

Đó là một ngày hạ của năm 1976.

Giấu mẹ, tôi rủ thêm mấy đứa bạn gái, từ triền đồi phía nam, đạp xe qua nhiều con dốc, để qua được tới phía bên kia núi Cánh Tiên. Bên ấy, có nhà của các bạn Xuân Quang, Vệ, Hùng, Tập... bạn học cùng lớp. Hơn thế, còn có làng Đông Sơn cổ kính, sát ngay bên bờ Nam sông Mã, lấp lánh trong trang sách tôi được học.

Nhà vườn Huế xanh mát. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Vội vàng lắm, nên làng Đông Sơn, sau đó, chỉ thi thoảng hiện về trong cõi nhớ với những nét quá đơn sơ. Đó là con đường làng với những con ngõ dài lát đá xanh, gạch cũ. Những ngôi nhà bình lặng, mái ngói thẫm nâu. Những bờ rào đá rêu xanh trầm lặng. Loáng thoáng bóng các cụ già áo nâu, chân đất. Vài đứa trẻ áo hoa nhảy dây đầu ngõ. Vài người vác cày, bừa ẩn hiện. Và vẫn không biết nhà các bạn tôi ở nơi đâu.

Một lần khác, tôi cùng má có ghé qua đầu làng (khi tìm về Lò Cao Hàm Rồng, nơi má tôi từng công tác những năm 1962-1963, về thăm lại triền đồi, nơi tôi học lớp mẫu giáo với cô giáo Trâm hiền hậu ở ven chân đồi những năm trước chiến tranh, khi bom Mỹ chưa dội xuống đất Hàm Rồng). Cơ hồ như Xí nghiệp Lò Cao chẳng còn dấu tích gì sau nửa thế kỷ bởi những biến động khốc liệt của lịch sử. Hai má con tôi chỉ kịp về qua, dừng chân bên hồ sen nhỏ đang nở trước cửa chùa làng, chụp ảnh kỷ niệm rồi đi.

Một lần khác nữa, cùng các bạn hội lớp, về dự tiệc ở khu vui chơi gần làng Đông Sơn. Còn nhớ, tôi đã đứng một mình, rất lâu ngoài hiên ngóng núi, ngó về làng cổ.

Bóng núi, bóng làng cứ như thầm gọi bàn chân tôi trở lại.

Vì thế, nỗi nhớ trong tôi về làng Đông Sơn là nỗi nhớ về một ngôi làng vừa như gần gũi, vừa như xa xôi... ngút ngàn.

Trong tâm trí của tôi, làng ở đó, nằm trong một thung lũng bên triền núi đồi. Ngoài xa kia là dòng sông Mã với những cánh buồm nâu no gió. Những ngọn núi từ xa xanh cao chạm mây, khi về đến làng, đến gần sát triền sông Mã, thấp dần xuống thành những quả đồi. Từ bờ bắc nhìn về, trông như rồng thiêng đang vươn mình xuống sông uống nước, hàm há to hết cỡ, chờ đớp hòn núi Ngọc ở phía bên bờ Hoàng Hóa...

Nhưng tôi lại có cảm giác rất gần gũi. Để lòng hoài nhớ về một vẻ đẹp bình dị thân thuộc. Có lẽ còn vì trang phục của người làng Đông Sơn, tôi gặp ngày ấy chăng. Những trang phục của người Việt xưa với váy áo nâu sồng, những vành khăn chít trên đầu các cụ bà, bộ cánh nâu của cụ ông, những ánh nhìn hiền lành của trẻ con, người lớn... Tất cả, đã khiến ngôi làng như cố hương xa vời của miền đất Cửu Chân xa thẳm.

Ở Huế, tôi đã rất nhớ xứ Thanh khi đến thăm các ngôi nhà cổ. Hẳn vì rằng, thuở xưa, cùng ba má theo cơ quan đi sơ tán, đến với những ngôi làng xa thành phố, gia đình tôi đã từng được nương nhờ trong nhiều những ngôi nhà cổ của người dân ở xứ Thanh. Ừ nhỉ, Thanh Hoá vốn là một quý hương thương nhớ trong lòng vương triều Nguyễn, trong lòng xứ Huế.

Nhận thức ấy, cho tôi thêm biết ơn những ngôi đình cổ, những ngôi nhà cổ, kể cả ngôi biệt thự từ thời Pháp ở Thanh đã từng che chở gia đình tôi qua những năm tháng mưa bom bão đạn. (Trạm y tế của cơ quan má tôi thường chọn đóng ở những nơi ấy). Tôi nhớ, ngôi đình tuyệt đẹp làng Ngọc Am, Quảng Xương. Nhớ đình làng Đa Lộc, mùa lúa chín đầy ắp tiếng hát, câu cười ở Thiệu Giang, Thiệu Hoá. Nhớ đình làng Mật Sơn, nơi có con sông đào nhà Lê chảy qua, cùng hang tránh bom trong núi, gần thị xã. Nhớ bao mái nhà xưa đầy hương quả chín đã cưu mang, ru vỗ tuổi thơ tôi.

Nét đẹp bình dị của làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: TL

Tôi cũng đã hơn một lần thăm làng cổ Phước Tích, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, quê tôi. Cũng từng xúc động lắm khi về tới cổng làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây. Vì thế, cứ cảm thấy quá thiếu khi chưa về thăm lại làng cổ Đông Sơn, cố hương trong tâm thức mỗi người.

Về xứ Thanh lần này, sau chuyến du ngoạn Hải Phòng với các bạn Lam Sơn, khoá 1973-1976, rủ thêm một vài người bạn thân quý, tôi đã trở về làng với bao mong muốn, bồi hồi đã ấp ủ mãi trong lòng.

Đây rồi ngôi làng cổ Đông Sơn! Sớm mai ấy, tôi đi mà như trôi trong nắng hạ. Địa thế của làng quả như trong trí nhớ, rất đẹp. Tựa lưng vào núi Cánh Tiên, làng ở trong một thung lũng xanh. Nơi đây, những ngọn núi đá như những tiên ông hoá thân, lừng lững, trầm mặc, thảnh thơi giữa cánh đồng làng, gợi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ như từ thuở hồng hoang của nền văn minh Đông Sơn. Ngỡ như, chỉ cần nhắm mắt lại một chút thôi bạn sẽ gặp ngay những nàng tiên, ông bụt, những cô Tấm, Thạch Sanh cả Lý Thông nữa bước ra từ vách núi đá xanh ngời đã bạc phơ bởi sương tuyết thời gian. Và dường như vẫn còn đây, trong hang núi ấy là bao nhiêu di chỉ thời đồ đá. Sâu chút nữa ngỡ sẽ nghe tiếng trống đồng từ vách núi mấy ngàn năm ngân vọng lấp lánh như nắng trên lớp lớp sóng trôi trên dòng sông Mã.

Điểm đến đầu tiên trên trục đường chính giữa làng mà tôi gặp lại là ngõ NHÂN - ngõ lát bằng những tảng đá xanh. Trải qua, bao tuế nguyệt, bao lần đạn nổ bom rơi,vẫn còn lại đó gần như nguyên vẹn. Bất biến. Phải mà, đó lời gửi của tiền nhân cho hậu thế, nuôi một chữ "nhân" cho đời, mãi mãi.

Qua một vài ngôi nhà nhỏ, thi thoảng gặp lại một bờ rào gạch cũ, những bờ rào đá đã rêu xanh là đến ngõ TRÍ, đến được nhà số 10, là nhà của bạn tôi, Lương Thế Tập. Đây là ngôi nhà cổ duy nhất còn lại nguyên vẹn của ngôi làng này. Nhà của một vị tướng có công với nước xưa. Còn đó bảng vàng vua ban bằng chữ Hán (Tướng Đại Tộc).

Tiếc là chủ nhân,vợ chồng bạn Tập của chúng tôi không có nhà (tại vì muốn bạn bất ngờ nên chúng tôi đã không báo trước).

Nhưng ngôi nhà đã tự nói lên tất cả. Mẹ của bạn chắc tuổi đã ngoài 90, ăn vận như xưa. Cụ hồ hởi, nhanh nhẹn hỏi han. Ngắm cụ là được chạm ngay vào linh hồn làng quê Bắc Trung bộ.

Cùng các bạn, tôi ngắm thật kỹ ngôi nhà hơn hai trăm tuổi này. Kiến trúc cổ với những đường nét chạm trổ tài hoa, chất chứa bao ước mơ khát vọng của người nông dân với ruộng đồng, về một cuộc sống ấm no tràn đầy lòng biết ơn của tiền nhân làng cổ.

Những vật dụng trưng bày trong nhà, ngoài vườn chất chứa nhiều lắm nỗi thương nhớ đồng quê của bạn tôi. Tôi nhìn thấy nỗi thương nhớ cuộc đời mẹ cha, cuộc đời dân tộc trong tâm hồn bạn, tâm hồn người làng Đông Sơn. Này đây chiếc cối giã gạo, chiếc cối xay, quạt thóc, liềm hái, thúng mủng, dần sàng... Cuộc sống của người Việt, làng Việt từ muôn thuở hiện về, gần gụi như hơi thở. Nghe trong tôi dâng lên bao nỗi bồi hồi...

Theo chân bạn Nguyễn Vệ (giờ là lão làng, là nhân vật trong chương trình giới thiệu làng cổ Đông Sơn của VTV), chúng tôi dạo quanh làng cổ rồi trở về ngôi nhà của bạn. Trong bóng rợp của vườn xưa, chúng tôi nghe chim về ríu ran trên những vầng nhãn chín. Bạn nói mình không hái để chim về hót.Tiếng chim làng mình thú vị lắm. Ồ giá mà nghe được tiếng chim, chắc chắn sẽ nghe thêm bao chuyện cổ tích làng trải mấy ngàn năm.

Tạm biệt nhé, ngôi làng có nhiều trầm tích. Tạm biệt xứ Thanh, tạm biệt các bạn trân quý, tôi mang về Huế những cảm xúc thật đầy!

TRIỀN THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Thương nhớ một loài hoa

Không rực rỡ như hoa phượng, hoa bằng lăng, cũng không đài các, yêu kiều như hoa sen và lại càng không ngào ngạt như hoa sữa, trái lại hoa giấy cứ lặng lẽ, tinh khôi mang trên mình vẻ đẹp mộc mạc, giản dị.

Thương nhớ một loài hoa
Chiều ở Phước Tích

Chiều tà buông lơi giữa đất trời, đẹp như một nét cọ thăng hoa đầy phóng khoáng trong bức tranh phong cảnh làng quê của người họa sĩ thích sống đời lang bạt. Nắng lộng lẫy vắt ngang những cành cây đang phiêu dao trong gió, rồi như tan ra, chảy loang trên mặt nước sông Ô Lâu. Tôi đứng ở bến sông làng cổ Phước Tích, nhìn sóng nước vỗ bờ man mác, nhìn hoàng hôn chảy vào miền thinh lặng của tâm hồn.

Chiều ở Phước Tích
Phước Tích bên dòng Ô Lâu

Cách TP. Huế khoảng 40km về phía bắc, làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Đây là ngôi làng thứ hai của đất Việt được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009.

Phước Tích bên dòng Ô Lâu

TIN MỚI

Return to top