Bạn ốm phải nằm viện. Tôi đến thăm đúng lúc bạn đang ngồi hóng khí trời ngoài hành lang phòng bệnh, mắt cười cười. Tôi hỏi có điều gì vui quá hay sao mà ngồi cười một mình? “Vui thật chứ. Mình vừa nhận phiếu cơm từ thiện cho bữa trưa ngày mai. Hơn chục ngày “nhập hộ khẩu” bệnh viện mình mới hiểu, một bữa cơm từ thiện “nhỏ nhoi” vậy, nhưng rất có ý nghĩa với những bệnh nhân nghèo phải nằm viện dài ngày. Mình chưa đến nỗi thiếu thốn, nhưng vẫn nhận tấm phiếu này. Bởi suất cơm từ thiện ngày mai mình sẽ tặng lại cho con gái một bệnh nhân, “theo” mẹ ròng rã mấy tháng trời qua các bệnh viện. Tiền bạc kiệt quệ, đôi lúc cô ấy nhịn bữa luôn”.
Bạn kể, mẹ con cô gái ở tỉnh ngoài, đã “nội trú” tại bệnh viện này 1 tháng nay. Trước đó, bệnh nhân nằm viện ở tỉnh nhà nhưng bệnh không thuyên giảm, nên được chuyển vào Huế. Hoàn cảnh khó khăn nên mỗi bữa, cô gái chỉ mua một suất ăn, sau khi bón cho mẹ xong, thức ăn còn dư lại bao nhiêu cô gái ăn bấy nhiêu. Có hôm ráng dỗ mẹ ăn hết, cô vờ ra ngoài ăn, nhưng thực ra nhịn bữa luôn. Thấy thương, người cùng phòng bệnh chia sẻ, nhưng cô gái chỉ xin nhận tấm lòng, bởi ở đây ai cũng bệnh tật khó khăn. Vả lại bây giờ cô vẫn còn thu xếp được.
“Có lần em trai cô vào thăm mẹ, nghe những bệnh nhân cùng phòng “mách”, thương chị quá, cậu ta mua bao nhiêu hoa quả, sữa, dặn dò chị bồi dưỡng, có sức mà chăm mẹ. Không ngờ, cậu em bị cô chị kéo ra góc hành lang mắng té tát cho một trận. Cô bảo có chút tiền nào thì nên dành để lo cho mẹ, bởi bà còn điều trị lâu dài cần đảm bảo đủ thuốc men, dinh dưỡng. Mắng, nhưng cô lại rưng rưng vì tình cảm của đứa em. Những người trong phòng bệnh thì xúc động trước sự hiếu thảo của đứa con. Gia đình ấy nghèo tiền nghèo bạc, nhưng thật giàu vì có những đứa con hiếu nghĩa, trách nhiệm”. Bạn xúc động.
Rời bệnh viện, tôi mang theo về một “món lãi”, đó là sự ấm áp bồi bổ tâm hồn, không chỉ từ lòng hiếu thảo quý giá của đứa con dành cho mẹ, mà còn lan tỏa từ tình thương, sự quan tâm của những người không hề ruột thịt, cùng chung cảnh ngộ ốm đau bệnh tật, dành cho nhau.
Lần khác đến Bệnh viện Đại học Y Dược Huế , nhưng trong “vai” bệnh nhân, vốn nhát đau nên tôi rất lo lắng bởi bác sĩ yêu cầu phải nội soi đại tràng. Càng lo hơn khi theo thủ tục tôi phải ký giấy cam đoan và buộc có người nhà đi cùng. Đến lượt, vừa bước vào phòng, tôi phần nào được trấn tĩnh, yên tâm, khi cô bác sĩ trẻ ân cần bảo sẽ thao tác rất nhẹ nhàng, nhưng có lúc đau vì dụng cụ soi đi qua những điểm ruột gấp khúc. “Những lúc đó chị chịu khó chịu đựng chút nhé, để soi cho thật kỹ. Sẽ nhanh qua thôi, không sao đâu”. Thái độ và lời dặn dò ân cần của cô bác sĩ “lên” tinh thần cho tôi. Có nhiều lúc quá đau, tôi “vớ” cánh tay cô điều dưỡng bóp mạnh. Cô nhẹ nhàng vỗ về bằng những lời động viên bệnh nhân cố gắng. Rồi cuộc nội soi cũng kết thúc, tôi ra ngoài ngồi đợi nhận kết quả, nữ bác sĩ không quên dặn, chị yên tâm nhé, không có gì nghiêm trọng đâu. Đến tận lúc đó, tôi cũng chưa kịp biết tên của nữ bác sĩ và điều dưỡng.
Thực sự xúc động vì không chỉ nhận thuốc để điều trị bệnh mà tôi đã được tặng miễn phí liều thuốc quý, có thể an ủi, xoa dịu nỗi đau bệnh tật. Đó chính là “liều thuốc” yêu thương của “những thiên thần áo trắng” dành tặng bệnh nhân.
Quỳnh Anh