ClockChủ Nhật, 28/05/2023 15:06

Mùa dừa

TTH - Trong ký ức tuổi thơ của tôi, vào những ngày hè nắng đổ lửa như thế này, thể nào ba tôi cũng lúi húi ra nương chuối. Ông nhặt nhạnh những tàu lá chuối đã khô, róc lấy sống lá nhúng nước cho dai và đan thành chiếc nài chắc nịch để trèo dừa.

Nhớ chiếc ti vi đen trắngKý ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sửĐường làng - nơi ký ức tìm vềCây cầu ký ức

leftcenterrightdel
 

Nhà tôi không nhiều dừa như những nhà khác trong làng. Trên động cát sau nhà, ông nội chỉ trồng hai cây dừa, một cây dừa lửa và một cây dừa ta xanh. Phần động cát còn lại, tre nứa và các loại cây lùm bụi tha hồ mọc um tùm.

Chẳng biết có phải do chất đất hay không mà hai cây dừa nhà tôi và những hàng dừa trong làng đều có sọ to, buồng nào buồng ấy quả sai lủng lẳng. Những ngày hè này là những ngày dừa vào mùa ngon nhất. Cơm dừa chưa quá cứng và nước dừa vừa đủ độ ngọt chứ không quá chua hay quá nhạt. Thông thường dừa lửa ngon ngọt hơn dừa xanh. Nhưng với nhà tôi lúc ấy, dừa nào cũng quý vì phải trải qua 12 tháng trời ròng rã cây dừa mới cho một lứa quả.

Phải tỉ mỉ xoắn, bện cả mươi sống lá chuối khô, ba tôi mới làm nên một chiếc nài ưng í. Cẩn thận thử độ chắc chắn, thắt lưng dắt chiếc rựa bén, ba tôi nhanh nhẹn xoắn chiếc nài thành vòng vào chân, thoăn thoắt leo lên cây dừa cao chót vót.

Ở dưới anh em chúng tôi nghểnh cổ trông đến chóng cả mặt. Chỉ thấy ba lúc thì đang chặt tàu lá dừa, lúc lại chặt mo dừa. Ông thả từng món xuống đất và đến cuối buổi trèo vất vả ấy, những chùm dừa lúc lỉu trái mới được hái xuống. Lá dừa được ba tước đôi, đan chéo rất đẹp để lợp chòi canh dưa. Mo dừa dẻo chắc ba ngâm nước, tước thành sợi mảnh để treo từng xâu thuốc lá. Và tất nhiên, những quả dừa ngon ngọt nhất là phần của anh em chúng tôi.

Dừa đầu mùa vỏ xanh bóng loáng, cuống tươi roi rói. Nước dừa hơi đục, ngọt thanh, thi thoảng pha chút vị chua dịu nhẹ. Cơm dừa chưa quá cứng, dùng muỗng chỉ cần nạo nhẹ như ăn thạch. Bởi thế anh em chúng tôi ăn tù tì, riêng tôi háu ăn nhất nên được cho hẳn hai quả.

Ở làng tôi, những quả dừa hiếm khi được bán nguyên chùm hay còn vỏ. Đa phần mọi người đều tỉa tót, dùng rựa bén bóc lớp vỏ ngoài, chỉ chừa lại sọ dừa và cuống dừa mảnh như một đóa hoa ở trên. Mớ dừa được lột vỏ sạch sẽ, khi mang ra chợ, chúng sẽ nằm chung với đám dưa hấu tươi roi rói còn nguyên lớp phấn.

Bây giờ ba tôi đã lớn tuổi lắm rồi, sức khỏe không còn đủ để có thể thoăn thoắt hái dừa nữa. Cả những chiếc nài sống lá chuối cũng đã đi vào dĩ vãng khi dụng cụ leo dừa vừa an toàn, vừa tiện lợi ra đời. Thế nhưng cứ mỗi mùa hè khi về thăm làng, tôi vẫn thường thấy mớ quả dừa được róc kỹ có cuống tươi như những đóa hoa vẫn còn hiện diện nơi góc chợ. Thì ra, bằng cách này hay cách khác, những ký ức tươi đẹp về mùa dừa trong tôi vẫn hiện diện. Để chỉ cần chợt thấy hình ảnh những quả dừa thân quen thôi là cả một vùng trời tuổi thơ sống dậy. Và để trước mắt tôi hiện lên hình ảnh ba tôi thoăn thoắt mang chiếc nài vào chân trèo lên hái dừa, những cây dừa được ông nội trồng vững chãi reo vui dưới bầu trời hè xanh ngăn ngắt.

Tuệ Lâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới

Cơ sở vật chất cũ xuống cấp trầm trọng, Trường mầm non Bắc Sơn (xã Trung Sơn, A Lưới) được trang bị cơ sở mới tọa lạc tại thôn A Đeng Pleng 2. Chỉ trong thời gian ngắn, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, nỗ lực 200%, đã xây dựng được cảnh quan môi trường đảm bảo, xanh tươi, thực sự là “khu vườn cổ tích” cho tuổi thơ nơi xã biên giới.

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới
Mùa nhãn chín

Hàng năm, khi mùa vải vừa qua đi chưa lâu và những ngày Rằm tháng Sáu Âm lịch vừa chợt tới là những cây nhãn trong khu vườn nhà tôi lại bắt đầu vào mùa quả chín. Quãng tuổi thơ tôi đã đi qua biết bao nhiêu mùa nhãn chín, và mỗi mùa nhãn chín luôn đọng lại trong ký ức vô vàn kỷ niệm ngọt ngào, thích thú…

Mùa nhãn chín
Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế

Nếu Kinh thành Huế và lăng tẩm của các hoàng đế nhà Nguyễn là những gì còn sót lại của một vương triều đã lùi xa vào dĩ vãng thì phố cổ Bao Vinh, phố cổ Gia Hội chính là dấu ấn vẫn chưa phai mờ của đời sống cư dân mảnh đất Thần kinh xưa.

Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế
Chạy còng

Trang bị gọn ghẽ với đèn pin, chiếc xẻng, một cái que dài tầm 1m, bao đựng, bấy nhiêu đó là đủ để có những cuộc rượt đuổi còng thú vị vào ban đêm.

Chạy còng
Ký ức “Cơm gạo ba trăng”

Ai đã sinh ra, lớn lên trên dải đất miền Trung yêu dấu và từng được đi đây, đi đó, được thưởng thức những bữa cơm gạo nàng Hương, lúa tám, hồng ngự của miền Nam thơm lựng với các món ăn thịnh soạn ở nhà hàng, thì cũng khó mà quên được bữa cơm thường của quê nhà “cơm gạo ba trăng với cá rô chiên”.

Ký ức “Cơm gạo ba trăng”
Return to top