ClockChủ Nhật, 19/11/2023 13:37

“Ngôi Sao” trên biên giới

TTH - Chiều ở núi xuống rất nhanh. Mưa lạnh và gió núi không ngăn được bước chân ríu rít của các em nhỏ đến với “Lớp học Ngôi Sao”. Đó là tên của lớp học tiếng Anh và hội họa miễn phí cho trẻ em dân tộc thiểu số khó khăn ở huyện biên giới A Lưới. Ở lớp học này, chỉ có nụ cười và những niềm vui trải rộng khiến các em đến học chẳng muốn về.

Chọn học “trường làng”Sao sáng sân trường

 

1. Một chiếc bàn gỗ dài, hai băng ghế gỗ kê hai phía và mấy chiếc ghế xếp quanh, thêm tấm bảng được dựng lên là thành lớp học vẽ và học tiếng Anh mỗi tối thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần ở Hue Crown A Lưới Retreat (làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, khai giảng dịp trung thu vừa qua). Không gian lớp học tuy nhỏ, nhưng lại rộng bởi tấm lòng những người đã xây dựng lớp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trân, hướng dẫn viên du lịch đồng thời là người vận hành “Lớp học Ngôi Sao” ở Hue Crown chia sẻ, lớp hiện đang dạy tiếng Anh và hội họa miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở làng Việt Tiến và địa bàn lân cận. Chị Trân nói, học vẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng tư duy và tập thói quen tỉ mỉ, cẩn thận, biết quan sát và còn học được cách kiên trì. Ngoại ngữ giúp các em trở nên dạn dĩ và hoạt ngôn hơn. Ngoại ngữ tốt còn giúp các em chuẩn bị một hành trang vững chắc khi lên cấp hai, cấp ba hay vào đại học. Nhưng hơn hết, “Lớp học Ngôi Sao” là sân chơi thú vị cho các em nhỏ ở bản làng heo hút còn hiếm những điểm vui chơi bổ ích.

Ở những bản làng vùng cao này, ngoài giờ học, các em nhỏ nếu không lên rẫy phụ việc giúp bố mẹ thì ở nhà trông em, chăm gà, chăm heo, làm công việc nhà. Thế nên, những buổi chiều thứ Hai, thứ Tư (học tiếng Anh), thứ Sáu (học vẽ) là khung giờ các em mong chờ nhất để đến với “Lớp học Ngôi Sao”.

Các em yêu thích, hào hứng với những giờ học tiếng Anh, học vẽ 

Bước vào lớp học, sẽ bắt gặp những đôi mắt sáng ngời như ánh sao treo trên đỉnh núi xa bên kia bản làng. Những nụ cười khoe hàm răng trắng đều tăm tắp như những hạt ngô trên rẫy bố mế vừa gùi về gian bếp. Các em nhỏ ùa vào lớp tựa như chú chim rừng, tiếng nói cười trong veo như âm thanh dòng A Nor róc rách lèn qua đá núi trước bản. “Dạ con thích học lắm. Muốn ngồi học mãi, chẳng muốn về nhà”. Bé Thu May, đang học lớp 5 ở Trường tiểu học Hồng Kim nói. Còn Mạnh Quang (lớp 3) thì bảo, “con thích lớp học một trăm phần trăm”. Những tiếng cười giòn tan. Niềm vui từ các em như lan ra, hòa vào cây lá xanh thăm thẳm nơi này.

Cô giáo Dương Ngọc Giang Thùy, người đang đứng lớp ở “Lớp học Ngôi Sao” chia sẻ, lớp học Anh văn có tầm 20 bạn nhỏ từ 6 - 12 tuổi. Lớp học của cô chủ yếu dạy từ vựng theo từng chủ đề và rèn luyện khả năng giao tiếp. Bắt đầu từ những chủ đề quen thuộc như cây lá, các con vật, các món ăn rồi đến các vật dụng quen thuộc của người đồng bào nơi này, nên các em rất hứng thú. “Nhìn các em thích thú và say mê học tập, niềm háo hức ánh lên qua từng đôi mắt, khiến người đứng lớp như mình vô cùng trân quý”, cô giáo Thùy chia sẻ.

2. Chúng tôi bắt xe lên A Lưới vào chiều thứ Hai để kịp đến với lớp học Anh văn của cô Thùy ở Hue Crown. Cứ ngỡ phải ở lại A Lưới thêm hai ngày nữa để chờ đến lớp học vẽ của họa sĩ Nguyễn Viết Công Thành vào thứ 4. May mắn, tối hôm sau lớp vẽ của thầy Thành được học bù vì đợt trước mưa lũ lớn, lớp phải nghỉ học.

Chưa đến 5 giờ chiều, thầy dạy vẽ đã có mặt ở “Lớp học Ngôi Sao” để chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng trước khi các em vào lớp. Trời đang tạnh ráo bỗng mưa xối xả và mãi chẳng có dấu hiệu dừng lại. Biết các em vẫn đội mưa đến với lớp học nhưng thầy Thành vẫn bồn chồn lo lắng. Mưa ướt và đường trơn sình lầy, liệu các em đến lớp có được an toàn? Nhưng dường như, những khó khăn chẳng ngăn được niềm vui đến lớp của các em. Nhìn những gương mặt ướt nhẹp nước mưa, đôi chân be bé dính đầy bùn đất nhưng trên môi vẫn nở nụ cười toe toét khiến thầy Thành “cất lại” nỗi lo.

Bút, màu, giấy vẽ đều được thầy chuẩn bị. Các em chỉ cần mang theo niềm háo hức đến lớp. Những đôi bàn tay be bé nắn nót từng nét vẽ, những ánh mắt trong trẻo. Màu mực rơi tung tóe dây đầy bàn khi cố gắng hoàn thành một bức vẽ. Mưa rơi dầm dề trên lá, trên cây chẳng “ướt” được tiếng nói cười ríu ran nơi này. Một góc nhỏ nơi miền sơn cước ngập tràn hơi ấm yêu thương, xóa tan hơi lạnh tỏa ra từ phía núi.

Khác với lớp học tiếng Anh của cô giáo Thùy lúc nào cũng rộn ràng âm thanh đọc từ mới. Tiếng cười vui tranh nhau đọc bài. Lớp học vẽ rộn rã theo một cách riêng. Những bức tranh được các em tỉ mẩn trau chuốt từng nét vẽ ngây thơ. Thầy Thành bước quanh lớp, sửa cho các em từng nét vẽ sao cho tròn, phối màu sao cho phù hợp. Những ánh mắt mở to ngạc nhiên, thích thú.

Chị Ngọc Trân chia sẻ, học sinh của “Lớp học Ngôi Sao” hầu hết đều là người đồng bào Pa Cô ở làng Việt Tiến. “Yêu thích tinh thần của lớp học, có rất nhiều phụ huynh muốn gửi con em mình đến với lớp, nhưng chúng tôi khuyến khích những gia đình có điều kiện hơn, hãy nhường lại suất học cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.

Chủ của khu lưu trú Hue Crown cho biết, “Lớp học Ngôi Sao” được duy trì bởi các cộng sự cùng với sự chung tay hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân, những người yêu A Lưới, và muốn chia sẻ tri thức đến với các em nhỏ người đồng bào kém may mắn. Cùng với “Lớp học Ngôi Sao”, Hue Crown còn xây dựng “Tủ sách Mặt Trời” do các mạnh thường quân gửi tặng lớp học, để các em mở mang thêm kiến thức, niềm vui.

Chị Ngọc Trân vẫn nhớ hôm sách được gửi đến lớp học, mở thùng sách ra, các bạn nhỏ háo hức chuyền tay nhau đọc từng tấm thiệp được các cô chú tặng sách gửi kèm theo. Trời hôm ấy mưa nhiều, nhưng các bạn nhỏ vẫn thích thú đến phụ bưng bê và sắp xếp sách. Nhìn các em nâng niu, vuốt ve từng cuốn sách chẳng muốn rời, mới thấy “Tủ sách Mặt Trời” thật ý nghĩa ở chốn này.

Tôi nhớ khi lớp học vẽ đã tan từ lâu, nhưng các em vẫn còn nấn ná lại lớp để vui chơi. Mạnh Quân cùng Anh Tuấn bày cờ vua ra chiếc bàn ngoài sân dưới gốc cây khế cổ thụ. Cả hai đều là người Pa Cô, đang học lớp 6 trường THCS nội trú. Bên này, Thu May, Mạnh Quang, Như Huyền... đang say sưa đọc sách. “Tủ sách Mặt Trời” được kê sát vách tường. “Không gia đình”, “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Dế mèn phiêu lưu ký”… Những cuốn sách của tuổi thơ được xếp ngay ngắn trên kệ gỗ đợi chờ các bạn nhỏ lật giở và thực hiện những cuộc phiêu lưu thú vị, “đi ra thế giới” qua từng trang sách của tuổi thơ.

Chủ khu lưu trú Hue Crown bày tỏ: “Hue Crown A Lưới Retreat được “sinh ra” và sẽ gắn bó với mảnh đất A Lưới. Nên Hue Crown muốn gửi gắm tình yêu và thể hiện sự biết ơn mảnh đất này qua “Lớp học Ngôi Sao”, nhằm góp phần “vun trồng” việc học tập cho trẻ em đồng bào thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. “Lớp học Ngôi Sao” sẽ là nơi chắp cánh bước đầu cho những ước mơ của các em, mong các em có một tương lai tốt hơn. Hy vọng từ lớp học nhỏ bé này, những “ngôi sao” trẻ thơ sẽ vươn lên, sau này đóng góp xây dựng A Lưới, mảnh đất biên giới ngày càng phát triển”.

Bài, ảnh: Hà Lê - Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

Ngày 9/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển
Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại, gia trại với những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
Nỗ lực kéo giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi

Năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi (SDDTC) vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi chiếm tỷ lệ 18% so với toàn tỉnh 8,1%, đặt ra nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số. Các ban, ngành đang nỗ lực tổ chức nhiều kế hoạch, chương trình nhằm cải thiện thể trạng cho nhóm trẻ này.

Nỗ lực kéo giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi
Return to top