Quê tôi là xứ cát.
Mà tất cả các làng ven biển miền Trung đều là xứ cát. Cát trắng xóa, cát miên man, cát dằng dặc nối làng này sang làng khác, tỉnh này sang tỉnh khác. Cát trắng phau trong mắt, trong giấc ngủ và cả những cơn mơ.
Tôi nhìn thấy cát nhiều và dầy đặc đến như thế là khi lần đầu tiên ngồi ô tô từ Vinh vào Huế đầu năm 1976. Trước đấy là tàu hỏa đến Vinh thấy xanh mướt dù chiến tranh vừa kết thúc, những hố bom nối tiếp hố bom. Hố bom như bát úp trên đồng, loang loáng qua cửa sổ đoàn tàu chợ. Nhưng vẫn thấy màu xanh, kể cả trên miệng hố bom.
Và chưa thấy cát.
Từ Quảng Bình bắt đầu thấy cát. Trắng phau phau, thi thoảng thấy một con bò được cột ở cái cần cột bò như cái cần câu nhưng bằng nguyên cây tre để bò có thể di chuyển xung quanh được. Con bò buồn như cát xung quanh nó. Không hiểu nó có thể ăn được cái gì khi xung quanh toàn cát, vài ngọn cỏ cứng ngắc nhô lên, xơ xác và ương bướng.
Và về đến quê, làng toàn cát.
Hồi ấy còn rất nghèo, nhà xây rất ít, sân xi măng hoặc sân gạch càng ít, chủ yếu là... cát. Có những ngôi nhà chỉ là mấy cây cọc dựng lên rồi cột rạ xung quanh, mái cũng lợp rạ, tất nhiên.
Nhưng té ra quê tôi chưa phải xứ sở xịn của cát. Bởi nó vẫn có ruộng, có những luống rau, luống khoai, môn, chột nưa, ớt. Sau rất nhiều đời, cát quê tôi đã đa phần thành đất, bởi sự bồi tích của mồ hôi, của sức lực nông dân, của phân tro các loại. Quê tôi chỉ là vùng đệm để ra biển. Các làng ngoài biển mới đúng là xứ cát.
Ở đó cát một trăm phần trăm. Độn cát, vườn cát, sân cát, bếp cát, nhà cát, chỗ nào cũng cát. Người ta ăn trên cát, ngủ trên cát, sinh ra trên cát và khi chết cũng chôn trên cát.
Đàn ông đi biển, ra với khơi xa, mỗi tháng vùng vẫy với biển cả trên hai chục ngày, còn lại trên bờ với cát là phụ nữ, những người đàn bà bám trụ với cát, sống với cát, song hành cũng cát, hạnh phúc với cát và buồn vui cùng cát.
Tôi được mấy cậu em đưa ra biển chơi.
Phải đợi đến chiều muộn, cho bớt nóng, mấy chú em bảo thế.
Mấy cậu em đi đất, tôi đi dép nhựa Tiền Phong. Và té ra đi trên cát chỉ có cách tốt nhất là đi chân không. Chỉ chừng 5 cây số từ nhà ra biển, vượt qua bao nhiêu độn cát. Đi trên cát rất vui, cứ thấy một ngọn núi cát (độn cát) trước mặt, bụng bảo dạ cố leo qua nó, lên đỉnh sẽ thấy biển. Té ra không phải. Lên tới đỉnh lại thấy một đỉnh nữa trước mặt. Cứ thế, như chơi trò ú tim với cát. Đến lúc rất mệt rồi, bụng bảo dạ có khi phải quay về, thì đột ngột, biển ùa ra trước mặt. Xanh đến rợn ngợp, đẹp đến ngất ngây và cũng hùng vĩ đến bàng hoàng.
Ở đó, có những ngôi làng... cát. Và những người đàn bà. Tất nhiên kèm trẻ con nữa.
Hồi ấy chưa nhiều cây xanh như bây giờ. Bây giờ mới nhất, tết tôi về, đưa vợ con ra biển chơi, trời ơi, tôi gặp được cả một bờ rào xương rồng nở hoa cực đẹp. Không ai, dù có trí tưởng tượng giỏi nhất, lại có thể hình dung những bông hoa xương rồng đẹp đến thế. Nó mỏng manh đến kỳ lạ, đối lập với cái thô ráp kỳ dị xấu xí của thân cây. Màu nó thanh tao, ẩn dụ và tinh tế, nó như thực như mơ, như có như không và như sẵn sàng tan biến vào đâu đó nếu có người định thô bạo. Hồi ấy, chỉ màu trắng của cát đến rợn ngợp, đến khô héo, đến chán nản, đến vô ngôn, trống rỗng. Mọi vật trên cát trắng cứ như là đang chuẩn bị tận diệt.
Những người đàn bà làng cát ấy, là những người vợ ngư phủ. Họ ở nhà đếm đêm đếm khắc chờ chồng về. Và khi chồng về, sau phút trùng phùng là tất tả với cá.
Họ có dáng đi không thể lẫn, ấy là mông đánh về phía sau rất xa bởi phải thường xuyên gánh đồ đi trên cát, mà lại leo độn nữa. Cái dáng mà sau này có người đùa là “ngực tấn công mông phòng thủ”, đi như bơi trên cát.
Họ phân loại cá, xử lý sơ, mà cách xử lý thường thấy thời ấy thì hoặc là hấp, hoặc là nướng, xong rồi xếp vào chẹt, rồi xếp chẹt vào gánh, và gánh vượt độn, vào làng bán.
Đến giờ, tôi vẫn mồn một cái dáng của từng tốp đàn bà làng cát hàng dọc gánh cá vào làng.
Tất tả, nhẫn nại, xiêu vẹo... nhưng lại thoăn thoắt. Cái thoăn thoắt bắt buộc để tồn tại, chả phải họ vội vã gì, mà là do... nắng. Mà nắng thì cát nóng. Cứ lạch bạch chạy như thế trên cát, chân dụi vào cát, mặt xiêu vào cát, dáng đổ nghiêng trên cát, đến lúc nóng chân quá thì... lột cái nón trên đầu vất xuống cát, rồi dẫm cả 2 chân vào đấy. Cách chống nóng của đàn bà xứ cát đấy. Đời này truyền đời khác, người này truyền người khác, họ làm nên kinh nghiệm đi trên cát. Bàn chân ai cũng to, rất to, và dầy chai. Nhưng có chai đến mấy, có thể đạp lên được cả gai xương rồng, thì đối với cái nóng của cát mùa hè, họ phải chịu thua, phải chạy, và phải dậm chân vào nón đợi chân nguội lại... chạy tiếp. Cứ thế, chả biết bao nhiêu chặng nghỉ nóng, họ gánh được gánh cá vào làng. Và ngay trong làng như làng tôi hồi ấy, cũng đầy cát, các con đường cũng chỉ cát là cát, đi xe đạp thì khoảng cách dắt và đạp tương đương nhau, thậm chí có khi đoạn dắt nhiều hơn...
Bởi họ không ngồi ở chợ, mà gánh vào từng ngõ để bán. Họ có khách quen của họ. Như mẹ tôi chỉ mua cá của o Gái nậy, và đặt mua nước mắm nhĩ của o Bẹp nhỏ. Cái tên của các o xứ cát cũng đầy... cát. Nghe nói đặt tên càng xấu thì càng dễ nuôi, từ nhỏ thế rồi lớn lên cứ thế mà gọi.
Và khi về họ cũng không về không, đừng tưởng bán xong cá là tòòng teng trở về. Họ mua tất cả những gì ngoài biển không có, nhất là tre, hóp trong làng. Rồi gạo, rau (rau trong làng thời ấy cũng hiếm, quý hơn cá nhiều) vân vân các kiểu, lại những cuộc chạy trên cát. Nhưng khi về thì họ thường chọn chiều tối, thậm chí là khuya để về. Mát và khỏe, họ nói thế.
Và họ nuôi con ăn học.
Tôi nhớ anh bạn cùng lớp tôi yêu một cô bạn học khoa Văn cao đẳng sư phạm. Cô này đưa bạn trai về nhà giới thiệu, cứ rào trước đón sau mãi mới dám đưa về. Đơn giản chỉ vì nhà quá đơn sơ, nước ngọt cũng hiếm chứ đừng nói nhà tắm nhà vệ sinh. Trên cát dưới cát trái cát phải cát và... lưng chừng cũng cát. Anh bạn nói sau khi tả là trên giường cũng đầy cát. Nhưng nhà này có một cô đang học cao đẳng sư phạm và một cô đã là bác sĩ. Cả hai cô đều rất xinh.
Mối tình ấy sau này hình như không thành, nhưng anh bạn bảo, ấn tượng nhất là khi đến nhà, mẹ bạn gái bỏ cả buổi bán cá ở nhà tiếp khách của con gái. Ba bạn đang đi biển tất nhiên không thể về. Nhưng qua cái cách tiếp khách của bà mẹ, chàng này hiểu được người mẹ tự hào về con gái như thế nào, và cái cách bà hy sinh cho con như thế nào?
Bây giờ, cả đường nhựa và đường xi măng chạy ngang có dọc có mấy làng cát ấy. Và cây cối um tùm, nhà cửa san sát, toàn nhà xây, không tìm đâu ra hình ảnh ngày xưa, từ con thuyền tới nếp nhà, tới những con đường cát, sân cát, nền nhà cát và giường cát...
Như một giấc mơ.
Những làng biển như thế là làng bãi ngang. Nói đến bãi ngang là nói đến vất vả, khổ sở. Nhưng giờ, tôi vừa về đón dâu đứa cháu gọi bằng bác. Tức cháu ruột tôi lấy một cô bé ngoài biển bãi ngang. Tôi và em trai trực tiếp lái ô tô đón dâu, và xe vào tận sân nhà cô dâu. Phía bên kia sân, rừng dương ngút mắt, và lấp ló giữa những tàng lá dương, là biển. Dân thành phố, tranh thủ từng buổi được nghỉ, về đây tắm biển và ăn hải sản.
Giờ, cái hình ảnh đàn bà xứ cát gánh cá không còn nữa. Muốn mua nước mắm, mua cá phải phóng xe đến tận nhà chứ không đợi người ta đến rồi hẹn như ngày nào.
Những người đàn bà xứ cát, nếu có một danh hiệu nào đó, nếu có một ngày nào đó, nếu có một nghĩa cử nào đó, nên dành cho họ, dù rằng, ngày này, mùng 8 tháng 3, có thể họ không hiểu đó là ngày gì. Nhưng được hy sinh cho chồng, cho con, được vun vén cho gia đình là hạnh phúc của họ.
VĂN CÔNG HÙNG