ClockThứ Hai, 16/05/2022 14:26

Người mang họ Hồ lên vùng núi A Lưới hơn nửa thế kỷ trước - Kỳ 1: Đem tiếng nói Bác Hồ đến với đồng bào

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh về Bác HồDâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác HồTuyên dương 24 thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

Bác Hồ cùng đồng bào các dân tộc (Ảnh minh họa). Ảnh: TL

Chị Đạm Thư trao cho tôi nội dung cuốn băng ghi âm và “ủy quyền” cho tôi viết lại làm sao để bà con Thừa Thiên Huế nhớ đến một vị lão thành cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc, nhưng còn ít người biết. Hơn thế, qua câu chuyện của ông, chúng ta hiểu thêm lịch sử vùng đất A Lưới trong một thời đoạn còn rất ít sử sách ghi lại chi tiết.

Xin trích một đoạn gần như nguyên văn lời kể của ông Hồ Ngọc Mỹ: “Tôi ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tham gia cách mạng từ năm 1944. Khi đó tôi có người anh em bà dì tham gia cách mạng trước tôi, cho nên kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, anh ấy đưa tôi về tại làng Niêm Phò, quê hương đồng chí Nguyễn Chí Thanh để dự lễ. Từ đó, anh giao nhiệm vụ truyền bá quốc ngữ, dạy bình dân học vụ rồi tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc. Đó là vào năm 1944. Đến 20/6/1945, tôi được kết nạp vào Đảng. Đời tôi chuyển qua một giai đoạn mới. Tôi hoạt động lúc đó từ 1945 qua 1946, trúng cử Hội đồng Nhân dân rồi Phó Chủ nhiệm Việt Minh xã Quảng Vinh. Ngày kháng chiến toàn quốc, bọn Pháp tràn về quê hương tôi năm 1947, tôi phải đi vào hoạt động bí mật…”

Tình hình ngày một căng thẳng và yêu cầu cuộc kháng chiến cần mở rộng địa bàn hoạt động, nên cuối năm 1947, tỉnh giao nhiệm vụ cho ông lên miền núi vận động đồng bào dân tộc làm cách mạng.

Ông lên A Lưới (lúc đó chỉ gọi  “Miền Tây Thừa Thiên”  vì năm 1976 mới thành lập huyện A Lưới), trực tiếp tìm ông Phó Mê, người dân tộc Pa Hy. Gọi là “phó”, do có thời gian ông làm phó tổng, nhưng là người tham gia cách mạng đầu tiên ở A Lưới. Từ tháng 8/1945, ông nghe các huyện dưới đồng bằng khởi nghĩa, liền dẫn một số bà con về huyện Phong Điền nhận cờ, ảnh cụ Hồ và xin đi theo cách mạng. Và ông yêu cầu đưa cán bộ cách mạng, cán bộ của Cụ Hồ lên giúp họ thoát cuộc đời tối tăm cơ cực từ trước đến nay.  Từ đó, dân chúng tin tưởng tuyệt đối vào ông Phó Mê.

Ông Phó Mê thạo tiếng Kinh, nên ông Hồ Ngọc Mỹ nói gì, ông ấy liền truyền lại với bà con dân tộc. Từ ngày đó, ông Mỹ được mang tên Ku Nô. Một thời gian sau, tỉnh chủ trương thành lập Mặt trận miền Tây Thừa Thiên Huế, ông Phó Mê tham gia hoạt động rất hăng hái. Tỉnh giao cho ông việc dạy chữ cho đồng bào dân tộc. Ngay từ lúc mới lên A Lưới, ông Hồ Ngọc Mỹ đã thấy muốn thâm nhập với đồng bào trước tiên phải dạy chữ. Cái khó khăn nhất là bà con chưa biết học hành thế nào; thấy cán bộ của Bác Hồ, giáo viên của Bác Hồ đến dạy thì họ nghe, họ đi học thôi, thậm chí có những cháu ở trên đồi xa không đến trường được, ông  phải cõng đến, tan học lại cõng các cháu về.

Một thời gian sau, Huyện ủy Phong Điền giao nhiệm vụ cho ông xây dựng Đảng. Ông là người Kinh đầu tiên bước chân lên hoạt động vùng dân tộc ít người, cũng là người đảng viên đầu tiên lên miền Tây Thừa Thiên Huế.

Năm 1949, ông xây dựng được chi bộ gồm 5 đảng viên, trong đó có ông Mê. Về sau ông Mê được “cơ cấu” vào Tỉnh ủy, để giao cho ông ấy hoạt động mặt trận ở vùng dân tộc. Tuy là đảng viên đầu tiên ở A Lưới, ông Hồ Ngọc Mỹ khiêm tốn nói rằng “chính ông Mê là người đi đầu đem tiếng nói của Bác Hồ, của cách mạng đến với đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên…”.

Tuy vậy, việc dạy chữ quốc ngữ cho bà con dân tộc rất ít hiệu quả. Năm 1957, ông Hồ Ngọc Mỹ nghĩ tới việc cần phải làm một bộ chữ riêng cho bà con dân tộc. Mặc dù đã ở đây mười năm, ông vẫn khó phát âm theo kiểu không có dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng như đồng bào dân tộc. Nhân có đồng chí tỉnh ủy viên lên công tác, ông xin phép lập bộ chữ riêng cho đồng bào dân tộc miền núi. Đồng chí tỉnh ủy viên đồng ý ngay, cho rằng việc này quá quý, nếu làm được thì nên làm. Để làm bộ chữ, ông mời hai thanh niên người dân tộc - anh Ku Pông và anh Ku Tích - cùng thực hiện…

Sau đây là nguyên văn một đoạn lời kể của ông Hồ Ngọc Mỹ với bà Đạm Thư:

“… Ba thầy trò làm trong 3 tháng, xong bộ chữ đó, chúng tôi xin phép cho mở trường dạy. Tôi triệu tập tất cả giáo viên người dân tộc mà tôi đã đào tạo họ đi dạy chữ quốc ngữ để hướng dẫn họ dạy chữ dân tộc rồi đi mở lớp dạy cho bà con. Chỗ nào nghe có chữ dân tộc, họ đòi đưa giáo viên đến dạy. Không chỉ dạy cho trẻ con mà người lớn cũng thích học. Đàn bà học, đàn ông học rất sôi nổi, già trẻ lớn bé rủ nhau đi học, học xong, dạy lại cho nhau. Con em họ đi thoát ly ngoài chiến trường như vậy đã biết chữ dân tộc, họ viết thư về nhà, bà con ở nhà đọc được tiếng dân tộc rất phấn khởi càng hăng hái động viên con em họ đi bộ đội, sẵn sàng tham gia cách mạng…”.

Ông Hồ Ngọc Mỹ rất thích thú nhắc lại sự kiện năm 1958, 1959, 1960, Bác Hồ chủ trương mời các già làng, các cán bộ người dân tộc miền núi ra Hà Nội (theo đường mòn xuyên rừng Trường Sơn, đến Vĩnh Linh, đi xe ra Hà Nội). Ông vinh dự có  mấy chuyến ra Thủ đô tham quan và được Bác Hồ trực tiếp trao đổi các vấn đề… Đến năm 1960, Tỉnh ủy chủ trương triệu tập hội nghị toàn dân tộc miền núi Thừa Thiên, mời các ông chủ làng, trưởng họ để tuyên truyền cách mạng cùng nhau đoàn kết để vào làm cách mạng và chống Mỹ.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những năm tháng hào hùng, gian khổ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương thơ dâng Bác

Chiều 16/5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội thơ Hương Giang đã tổ chức dâng hoa lên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 134 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2024).

Hương thơ dâng Bác
Huyện ủy Phú Vang:
Khen thưởng các tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác

Ngày 9/5, Huyện ủy Phú Vang tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác
Return to top